Thị trường

Rau xanh, hải sản đua nhau tăng giá dịp Tết

30/01/2024, 09:19

Yếu tố thời tiết tác động đến giá rau xanh, hải sản những ngày cuối năm. Thị trường mua sắm Tết kém sôi động do người dân thắt chặt chi tiêu, không tích trữ nhiều hàng hóa.

Rau xanh, hải sản tăng giá 30-50%

Những ngày qua, miền Bắc chìm trong thời tiết lạnh giá kéo dài khiến cho các mặt hàng rau xanh đua nhau tăng giá. Ngày 29/1, tại các chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội, hầu hết các loại rau xanh tăng giá khoảng 30% so với hồi đầu tháng, có mặt hàng thậm chí đắt gấp đôi.

Tại các chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy), Mỹ Đình (Nam Từ Liêm) và Hà Đông, giá rau xà lách quanh ngưỡng 40.000-50.000 đồng/kg, tăng khoảng 30%. Su hào có giá 10.000 đồng/củ, tăng 3.000 đồng.

Giá rau muống được nâng từ 8.000 đồng lên 15.000 đồng/bó; dưa chuột tăng 7.000, lên mức 27.000 đồng/kg.

Các loại rau họ cải nằm trong nhóm tăng giá mạnh nhất. Cải chip có giá 20.000-23.000 đồng/kg, tăng hơn 50%. Cải xanh được bán với giá 26.000-27.000 đồng/kg, tăng khoảng 50%. Cải cúc 25.000-30.000 đồng/kg, trong khi giá cũ là 10.000-13.000 đồng/kg...

Rau xanh, hải sản đua nhau tăng giá, người mua ngậm ngùi

Mưa rét kéo dài, rau xanh tăng giá mạnh.

Chị Lan Anh, một tiểu thương, cho biết giá rau tăng từng ngày do khan hiếm. Đợt mưa rét hơn 10 ngày qua khiến rau chậm phát triển, nhiều nơi hư hại nặng do sương muối, mưa lạnh. Với tình hình hiện nay, các thương lái dự báo nhiều khả năng tình trạng khan hàng, tăng giá bán sẽ kéo dài qua Tết.

Ngoài rau xanh, hải sản cũng tăng giá mạnh. Chị Lê Dung, một mối buôn quê Nghệ An, còn dùng từ "đắt chưa từng có" để diễn tả đợt tăng giá dịp này.

Chị Dung cho biết mực tăng giá cao nhất khi loại 5 con/kg từ 250.000 đồng/kg đã lên 370.000 đồng/kg. Mực loại 10 con/kg cũng tăng từ 150.000-170.000 đồng/kg lên 300.000-320.000 đồng/kg.

Nói về nguyên nhân, chị Dung cho biết một phần do khan hiếm hàng, phần khác do kinh tế khó khăn, giá hàng hóa tăng cao nên nhiều mối buôn bỏ chợ...

Mua sắm cầm chừng

Giá thực phẩm hằng ngày đắt đỏ cũng là lý do khiến nhiều gia đình thắt chặt chi tiêu trong những ngày cận Tết. Chị Nguyễn Na (ở Nghĩa Tân, Hà Nội) cho biết năm nay gia đình chị chi tiêu tiết kiệm hơn vì nguồn thu giảm hơn năm ngoái. Người phụ nữ này chỉ mua những đồ ăn thiết yếu, còn những mặt hàng không thực sự cần thiết như bánh kẹo, hoa quả sẽ được xem xét cắt giảm.

Chị Đỗ Huyền Dịu (ở Long Biên, Hà Nội) cũng chia sẻ mùng 2 Tết, hàng hóa đã bày bán tại chợ dân sinh. Từ vài năm nay, gia đình chị không có thói quen tích trữ nhiều hàng hóa thiết yếu, nhất là khi nhu cầu ăn uống cũng thay đổi nhiều so với trước.

Báo cáo vừa công bố của Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) cho thấy tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 năm 2024 ước đạt 524.000 tỷ đồng, tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 13,3%). Con số này cho thấy phần nào sự ảm đạm của thị trường khi thời gian gần đây là tháng cao điểm mua sắm tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Các doanh nghiệp đã chuẩn bị từ sớm với lượng hàng dự trữ được tính toán phù hợp với sức mua của người tiêu dùng, tránh tồn hàng, đọng vốn. Bộ Công thương đánh giá mức dự trữ hàng hóa Tết năm nay tăng nhưng không nhiều. Nhiều ngành hàng bằng năm trước hoặc tăng từ 5-10%, tùy quy mô nhà cung cấp.

Rau xanh, hải sản đua nhau tăng giá, người mua ngậm ngùi

Hệ thống siêu thị bình ổn giá nhiều mặt hàng.

Khảo sát người tiêu dùng trong nước của Kantar - công ty nghiên cứu thị trường về ngành hàng tiêu dùng nhanh - cũng dự báo dịp Tết này, người tiêu dùng sẽ không chi tiêu mua sắm nhiều như những năm trước. Họ sẽ có xu hướng mua sắm cầm chừng và cân nhắc mua sản phẩm vừa đủ dùng.

Có đến 28% hộ gia đình đang gặp khó khăn về tài chính (trong khi giai đoạn bình thường mới sau dịch chỉ trên dưới 21%). Gần một nửa số gia đình được khảo sát đã thắt chặt chi tiêu bằng cách giảm đi ăn uống ở bên ngoài và giảm sử dụng dịch vụ giải trí.

Đó là lý do các doanh nghiệp đang dè dặt nhập hàng dịp Tết. Như Công ty CP Việt Nam Kỹ Nghệ Súc Sản (Vissan) đã chuẩn bị nguồn thực phẩm Tết trị giá 540 tỷ đồng để cung ứng gần 1.100 tấn thực phẩm tươi sống, 3.800 tấn thực phẩm chế biến. Sản lượng năm nay không tăng so với Tết 2023.

Siêu thị đua nhau chạy chương trình ưu đãi

Trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, để kích cầu tiêu dùng trong nước, nhiều doanh nghiệp đã có kế hoạch triển khai các chương trình khuyến mãi, giảm giá nhiều sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, nhất là trong tháng cận Tết.

Từ đầu tháng 1/2024, hệ thống siêu thị của Central Retail tổ chức "Lễ hội thịt heo", đồng hành cùng người tiêu dùng trong giai đoạn kinh tế khó khăn, chung tay bình ổn thị trường mặt hàng thiết yếu.

Chương trình áp dụng với khoảng 40 sản phẩm thịt heo tươi chủ lực như: Thịt vai heo, thịt đùi heo, thịt ba rọi heo. Lễ hội thịt heo sẽ áp dụng 2 dạng khuyến mãi, khuyến mại thường lên tới 30% và áp dụng Giá sốc mỗi ngày, áp dụng giảm giá lên tới 40% (trong đó 30% đến từ giảm giá trực tiếp, 10% giảm thẻ thành viên).

Rau xanh, hải sản đua nhau tăng giá, người mua ngậm ngùi

Các siêu thị kích cầu với nhiều chương trình giảm giá.

Trong cao điểm từ 27-30 Tết (6-9/2/2024), Công ty Vissan cũng triển khai các chương trình giảm giá sốc, giảm giá sâu 10-30% dành cho khách hàng mua sắm Tết "trễ". Ngoài ra, nhằm kích cầu mua sắm cho người tiêu dùng sau Tết, Vissan giảm giá 10-20% tại các hệ thống siêu thị và điểm bán sản phẩm của doanh nghiệp.

Cũng hướng đến tâm lý của một bộ phận đáng kể người tiêu dùng là nhắm vào các nhà bán lẻ tung nhiều chương trình ưu đãi, MM Mega Market (Việt Nam) đã tung ra chương trình khuyến mãi "Giá sỉ cho các mặt hàng thực phẩm tươi sống". Ngoài ra, doanh nghiệp cũng chuẩn bị cung ứng hàng hóa nhằm bình ổn giá cho hơn 1.000 mặt hàng thiết yếu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.