Luôn cung cấp đủ xăng cho thị trường
Hôm nay 26/8, Bộ trưởng Bộ Công thương đã chủ trì cuộc họp trực tuyến khẩn với các đơn vị trực thuộc Bộ về bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.
Trong bối cảnh, thị trường xăng dầu thế giới và trong nước có nhiều biến động. Giá xăng dầu thế giới có xu hướng tăng trở lại gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc nhập khẩu và điều tiết hoạt động kinh doanh.
Tuần vừa qua, một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu ngừng bán hàng, một số doanh nghiệp đề xuất với Sở Công thương về việc tạm dừng kinh doanh do khó khăn về nguồn hàng và không bảo đảm về lợi nhuận kinh doanh.
Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh An Giang phối hợp cùng ngành chức năng kiểm tra tình hình hoạt động của các cửa hàng kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, giá các mặt hàng xăng dầu của Việt Nam cơ bản được giữ ổn định, bao giờ cũng thấp hơn giá của một số nước trong khu vực và trên thế giới... Tuy nhiên, mấy ngày gần đây, đặc biệt sau khi 7 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu bị tạm tước giấy phép kinh doanh thì lại xuất hiện những thông tin trên mạng xã hội cho là thiếu hụt nguồn cung.
“Điều này là không bình thường, cần kiểm tra làm rõ và xử lý theo quy định. Hai nhà máy lọc dầu trong nước gồm Nghi Sơn và Bình Sơn đang ổn định sản xuất, cung cấp khoảng 80% nguồn xăng dầu trong nước;
Hoạt động nhập khẩu đã được chủ động và giao từ sớm cho các doanh nghiệp nên khẳng định nguồn cung bảo đảm phục vụ thị trường trong nước”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cũng cho hay, hiện 2 nhà máy đều đang vận hàng ở công suất tối đa. Nhà máy lọc dầu Bình Sơn dự kiến sẽ vận hành ở mức công suất 105% trong 6 tháng cuối năm 2022 để cung ứng xăng dầu cho thị trường.
Về nhập khẩu, ước nhập khẩu xăng dầu trong tháng 8/2022 đạt khoảng 520.000 m3, dự kiến các tháng cuối năm mỗi tháng doanh nghiệp nhập khẩu khoảng 500.000 m3/tháng.
Trong khi đó, nhu cầu xăng dầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong nước khoảng 1,6-1,7 triệu m3/tháng. “Với nguồn cung xăng dầu như trên, nguồn cung xăng dầu cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước”, ông Trần Duy Đông khẳng định.
Trước thực tế đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhiều lần khẳng định, nguồn cung xăng dầu phục vụ nhu cầu thị trường trong nước từ nay tới cuối năm luôn được bảo đảm.
Để ổn định thị trường, tránh những thông tin không đúng về tình trạng nguồn cung xăng dầu trong nước, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu Sở Công thương các tỉnh, thành phố chủ trì, phối hợp với lực lượng quản lý thị trường tổng kiểm tra, rà soát các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn;
Yêu cầu các cơ sở kinh doanh xăng dầu cam kết thực hiện nghiêm các quy định về kinh doanh xăng dầu, có kế hoạch nhập hàng để bảo đảm duy trì bán hàng liên tục.
Bộ trưởng Công thương nhấn mạnh, doanh nghiệp không tuân thủ quy định, Bộ Công thương sẽ thu hồi giấy phép kinh doanh
Tổng cục Quản lý thị trường được yêu cầu kiểm tra thường xuyên, đột xuất để kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm...
Vụ Thị trường trong nước được yêu cầu, có kế hoạch nhập hàng từ nguồn sản xuất trong nước và nhập khẩu để bảo đảm cung ứng đầy đủ, liên tục xăng, dầu cho thị trường;
Trường hợp các doanh nghiệp không tuân thủ quy định, Bộ Công thương sẽ thu hồi giấy phép kinh doanh.
Doanh nghiệp than lỗ 180-300 đồng/lít xăng
Dù vậy, tại cuộc họp, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho biết, vấn đề nổi lên hiện nay là mức chiết khấu của các thương nhân đầu mối với cửa hàng bán lẻ xăng dầu.
Thực tế, nhiều cửa hàng bán lẻ phản ánh chiết khấu gần như bằng “0”, khiến cho mỗi chuyến hàng về kho, đại lý còn phải gánh lỗ các khoản khi phí khác.
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Cửa hàng bán lẻ xăng dầu La Khê (Công ty TNHH Xăng dầu Xuân Thắng) cho biết, hiện nay chiết khấu đang ở mức 70 đồng với mỗi lít xăng và 120 đồng với mỗi lít dầu diesel.
Theo ông Thắng, tình trạng chiết khấu ngưỡng gần “0 đồng” diễn ra suốt từ năm ngoái đến nay. Như vậy, cộng thêm các chi phí định mức, chi phí vận chuyển, thì mỗi lít xăng dầu bán ra, doanh nghiệp phải gánh lỗ khoảng 180-300 đồng.
Mỗi ngày bán ra hàng chục nghìn lít xăng dầu các loại, số bù lỗ cũng không nhỏ…, mỗi tháng con bù lỗ lên đến hàng trăm triệu.
Về việc này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chia sẻ nguồn cung, lợi nhuận trong hệ thống phân phối một cách hợp lý, để bảo đảm không gián đoạn việc cung ứng xăng, dầu cho thị trường...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận