Hàng không

Sân bay Tân Sơn Nhất chi gần 400 triệu để đuổi chim

04/01/2024, 12:06

Một số loài chim di cư bay ở tầm cao 300 - 500m thường bay cắt ngang đường cất/hạ cánh. Sân bay Tân Sơn Nhất từng ghi nhận một số trường hợp tàu bay bị hư hỏng, phải đưa vào xưởng sửa chữa vì chim va đập vào.

Ngày 4/1, Cảng Hàng không quốc tế (HKQT) Tân Sơn Nhất triển khai lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án "Lắp đặt thiết bị hỗ trợ xua đuổi chim bằng âm thanh trong sân bay". Tổng mức đầu tư cho dự án gần 400 triệu đồng.

Theo đó, Cảng HKQT Tân Sơn Nhất sẽ lắp đặt 8 thiết bị hỗ trợ xua đuổi chim bằng âm thanh của các loài chim săn mồi. Phương pháp này đã được áp dụng ở các sân bay trên toàn quốc.

Để triển khai dự án, Cảng HKQT Tân Sơn Nhất đã chia thành 3 gói thầu liên quan. Trong đó, gói thầu chính cung cấp lắp đặt 8 thiết bị phát âm thanh xua đuổi chim có giá trị gần 393 triệu đồng. Hai gói thầu tư vấn và bảo hiểm còn lại gần 7 triệu đồng.

Sân bay Tân Sơn Nhất chi gần 400 triệu để đuổi chim- Ảnh 1.

Sân bay Tân Sơn Nhất chi gần 400 triệu đồng để gắn 8 thiết bị phát âm thanh xua đuổi chim. Ảnh: Quốc Quang

Tình trạng các loài chim gây mất an toàn bay đã nhiều lần xảy ra. Vào tháng 4/2021, một tàu bay của Vietnam Airlines sau khi chở khách từ Cát Bi về Tân Sơn Nhất đã phát hiện vết máu nghi ngờ của chim ở cánh quạt và viền động cơ, khiến hãng phải đưa tàu bay về xưởng để kiểm tra. Vào tháng 3/2021, một tàu bay khác của Vietnam Airlines cũng phát hiện hỏng vỏ bọc động cơ số 1 sau chuyến bay từ Đà Nẵng đến Nội Bài, bên trong động cơ phát hiện có lông chim.

Tại sân bay Tân Sơn Nhất, cơ quan chức năng cũng từng ghi nhận trường hợp vỏ tàu bay A350 của hàng không Đài Loan (Trung Quốc) bị thủng một lỗ lớn gần 30cm, có vết chim va đập ở gần cánh trái. Tuy nhiên, không xác định được địa điểm và thời gian chim va vào tàu bay.

Hiện nay, công tác xua đuổi chim, ngăn chặn các loài động vật xâm nhập sân bay vẫn đang được Cảng vụ Hàng không miền Nam, Cảng HKQT Tân Sơn Nhất và các đơn vị quân đội thực hiện trường xuyên. Nguy hiểm nhất là trường hợp nhiều loài chim di cư bay ở tầm cao 300 - 500m thường bay cắt ngang đường cất/hạ cánh mà ngành hàng không rất khó ngăn chặn kịp.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.