Đời sống

Sẵn sàng tham gia phòng chống dịch Covid-19 nếu bùng phát lại

27/02/2022, 06:30

Đó là khẳng định của nữ bác sĩ và điều dưỡng Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.Thủ Đức) khi trò chuyện về nghề của những người mặc áo blouse trắng.

Thường ngày, họ tham gia công tác chuyên môn tại bệnh viện. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 bùng phát, ngoài công tác chuyên môn, họ còn xông pha khắp các nơi để cùng phòng chống dịch.

Chỉ nghĩ đến an toàn cho người dân trong đại dịch

Với cương vị phó phòng điều dưỡng của bệnh viện Lê Văn Thịnh, công việc hàng ngày của chị Nguyễn Thị Chuyên là quản lý, phân công công việc cho các điều dưỡng của bệnh viện. Nhưng từ khi dịch Covid-19 bùng phát, chị kiêm thêm nhiều vị trí công việc khác trong phòng chống dịch.

Năm 2020, khi dịch Covid-19 mới xuất hiện ở TP.HCM, chị Chuyên phụ trách việc điều phối nhân sự túc trực tại cổng bệnh viện Lê Văn Thịnh để thực hiện sàn lọc người ra vào bệnh viện.

img

Nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Chuyên (phải) cùng đồng nghiệp tại hội nghị viên chức, công chức người lao động của bệnh viện năm 2022. Ảnh NVCC.

Nhớ lại những ngày đầu làm công tác phòng chống dịch, chị kể: Lúc mới có dịch, người dân tới bệnh viện phải làm công tác khai báo y tế. Do lần đầu nên dân chưa quen, có người tỏ ra rất khó chịu, đội ngũ rất áp lực. Có nhiều trường hợp không chịu phối hợp, nhân viên bệnh viện phải vận động, thuyết phục mãi họ mới hiểu.

“Khi đó, cổng bệnh viện chưa có mái che, anh chị em trong tổ phải đứng dưới nắng cả buổi nhưng chúng tôi luôn nghĩ vì sự an toàn cho bệnh viện, cho người dân, tránh để lọt những trường hợp F0 vào bệnh viện. Chị em điều dưỡng dù nắng cỡ nào cũng động viện nhau bám trụ công việc”, chị Chuyên kể lại.

Thời điểm 31/5/2021 là lúc dịch bắt đầu bùng phát trở lại, lúc đó Ban giám đốc bệnh viện mới thành lập một khu dành riêng cho các ca F0, các ca có triệu chứng ghi nhiễm. Lúc đó chị Chuyên được giao nhiệm vụ điều dưỡng trưởng khu đó kiêm quản lý điều hành việc lấy mẫu.

“Thời điểm đó, hầu như chúng tôi tiếp xúc với các ca F0, ca có nguy cơ nhiễm nhưng vì an toàn cho người dân, chúng tôi luôn nỗ lực hết sức để các ca F0 hạn chế ra cộng đồng. Chúng tôi quyết tâm làm việc, có nhiều hôm làm đến 23h đêm vẫn chưa xong”, chị Chuyên chia sẻ.

"Chúng tôi luôn trong tâm thế sẵn sàng tiếp tục hết mình tham gia phòng chống dịch nếu dịch bùng phát lại lần nữa". Nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Chuyên, Bệnh viện Lê Văn Thịnh

Chị bảo cái khó nhất trong mùa đại dịch là phải thu xếp cho đủ đội ngũ nhân sự để phục cho công tác lấy mẫu. “Có nhiều đêm 22h, chúng tôi nhận được lệnh sáng sớm mai Bệnh viện Lê Văn Thịnh phải có 80 nhân sự để đi lấy mẫu. Có nhiều khi sáng sớm nhận được lệnh bổ sung thêm 40 nhân sự để phục vụ công tác lấy mẫu. Lúc đó, tôi phải chạy đi khắp các khoa để vận động người tham gia mới có đủ nhân sự phục vụ cho những “ca bất ngờ” đó”, chị nói.

“Khi Ban Giám đốc giao nhiệm vụ tôi rất lo. Lo là phải làm sao để làm tròn trách nhiệm; lo làm sao phải có đủ nhân sự để điều động đi tất cả các điểm theo nhu cầu thực tế của tình hình dịch; lo làm sao phải đảm bảo công tác an toàn, đủ nhân lực để phục vụ cho người dân đến bệnh viện lấy mẫu. Nhưng khi đảm nhận công vệc thì cứ nỗ lực nỗ lực và nỗ lực… cuối cùng mình đã hoàn thành ngoài sức tưởng tượng”, điều dưỡng Chuyên bộc bạch.

Nhớ mãi ca mổ đẻ… “để đời”

Với bác sĩ Nguyễn Hương Lan, chuyên khoa khoa sản của Bệnh viện Lê Văn Thịnh lại có những kỷ niệm khó quên trong đại dịch. Dịch Covid-19 xảy ra, ngoài đảm bảo công việc ở khoa sản chị còn tham gia vào tổ tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Ngồi trò chuyện với chúng tôi, chị bảo nói thật không nhớ hết trong đại dịch mình đã đi tiêm phòng Covid-19 những nơi nào nữa. Vì lúc thì ở TP.HCM lúc thì đến doanh trại quân đội, lúc thì Tây Ninh, khi thì Trà Vinh.

Chị kể lại, thời điểm dịch, các khoa tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh gần như tạm ngưng vì đội ngũ y bác sĩ tham gia công tác phòng chống dịch. Riêng khoa sản vẫn hoạt động và số bệnh nhân đông hơn bình thường. Cũng tại khoa sản, mùa dịch đã để lại cho bác sĩ Lan một kỷ niệm không bao giờ quên trong đời, đó là ca mổ đẻ cho một phụ nữ mang thai 5 tháng, đang bị F0.

img

Bác sĩ Nguyễn Hương Lan trong một ca mổ. Ảnh:NVCC

Bác sĩ Lan kể lại: Thai phụ đó nằm ở khoa hồi sức tích cực, đang thở máy. Lúc đó đội ngũ ý bác sĩ của bệnh viện hội chẩn và tôi nói chưa bao giờ mổ trường hợp nào non tháng như vậy. Lúc đó, chúng tôi tính chuyển thai phụ này lên Bệnh viện Từ Dũ nhưng trên đó bảo hết phòng.

“Trước tình thế nguy cấp, chúng tôi hội chẩn qua điện thoại với bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ, họ cử 2 người xuống hỗ trợ. Chúng tôi cùng họ thực hiện mổ thành công cho thai phụ F0 này. Em bé đó sau mổ được đưa lên Bệnh viện Từ Dũ để chăm sóc. Còn người mẹ thì vẫn ở lại bệnh viện điều trị Covid. "Tuy nhiên, do bệnh trở nặng nên khoảng 1 tuần sau thì thai phụ này tử vong vì Covid-19”, bác sĩ Lan kể lại khi khoé mắt ngấn nước. “Trong đại dịch có nhiều câu chuyện khiến chúng tôi khó quên nhưng ca mổ đẻ, phải nói là “cướp con” cho thai phụ F0 là ca mổ đẻ đầu tiên trong đời mà tôi tham gia. Giờ thì cháu bé đó khỏe mạnh bình thường, chỉ tiếc là đại dịch đã cướp đi người mẹ quá đau đớn!”.

Nhớ lại thời điểm dịch Covid-19, bác sĩ Lan nói: Phải nói đó là thời điểm khó khăn, căng nhất trong đời làm nghề của tôi. Lúc đó, chúng tôi không có ngày nghỉ, hết lịch trực ở khoa là lên đường đi tiêm ngừa. Nhưng… chúng tôi đã vượt qua.

Tuy khổ là vậy nhưng khi nghĩ đến nghề, bác sĩ Lan tự hào: “Trải qua một mùa dịch mới thấy rất tự hào về bản thân, tự hào vì đã chọn và theo nghề y. Tự hào vì đội ngũ y bác sĩ đã đóng góp công sức rất lớn trong việc chiến thắng đại dịch. Sau mùa dịch thấy trong lòng rất phấn khởi”.

Còn điều dưỡng Nguyễn Thị Chuyên thì khẳng khái khi nói rằng không ngần ngại đi chống dịch thêm lần nữa nếu dịch bùng phát ở bất cứ đâu. "Mình đã chọn nghề và nghề chọn mình, khó khăn thì có nhưng trong cái khó cũng có những niềm vui mà chưa chắc ai đã có được".

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.