Đăng kiểm

Sẽ có quy định riêng về hệ thống hỗ trợ người lái nâng cao trên ô tô

19/01/2024, 09:41

Tại dự thảo Quy chuẩn sửa đổi, bổ sung Quy chuẩn QCVN 09:2015 về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô, Bộ GTVT đề xuất quy định riêng yêu cầu đối với hệ thống hỗ trợ người lái nâng cao.

6 mức độ tự động lái xe

Theo đó, hệ thống hỗ trợ người lái nâng cao (ADAS) và mức độ tự lái của xe sẽ được phân thành 6 loại cấp độ.

Sẽ có quy định riêng về hệ thống hỗ trợ người lái nâng cao trên ô tô- Ảnh 1.

Dự thảo quy chuẩn phân loại hệ thống hỗ trợ người lái nâng cao (ADAS) và mức độ tự lái của xe có 6 cấp độ (ảnh minh hoạ).

Các hệ thống ADAS nếu được trang bị trên xe, nhà sản xuất phải công bố với cơ quan quản lý về tài liệu phê duyệt kiểu loại theo tiêu chuẩn của nước ngoài đối với hệ thống ADAS lắp trên xe. Hệ thống ADAS phải được chứng minh, kiểm tra thực tế đối chiếu và xác nhận về mức độ tự động, chức năng an toàn trên xe.

6 cấp độ của hệ thống hỗ trợ người lái nâng cao gồm:

Cấp độ Mức độ tự láiMô tả mức độ tự động của xe
0

Không tự động

Lái xe 100% điều khiển xe. Các hệ thống như hệ thống ABS được lắp đặt nhưng xe không tự lái xe được.

1

Trợ giúp lái xe

Một số hệ thống tự động cấp độ thấp như Passive Cruise Control hoặc Adaptive Cruise Control, được thực hiện trợ giúp cho lái xe.

2

Tự động lái một phần

Mức độ xe trang bị hệ thống ADAS cấp độ 2, có thể điều khiển lái, tăng tốc và phanh không cần đến sự can thiệp của con người. Tuy nhiên lái xe phải ngồi trên ghế lái và thực hiện việc kiểm soát trong toàn bộ thời gian. Được gọi là "Mức tự động lái một phần".

3

Tự động lái có điều kiện

Một sự nâng cấp từ cấp độ 2, xe có thể tự đưa ra quyết định dựa trên tình trạng giao thông và các yếu tố khác để đưa ra những hành động. Sự điều khiển của lái xe vẫn là bắt buộc trong suốt quá trình vận hành xe và có thể can thiệp trong bất kỳ thời điểm nào

4

Tự động lái cấp độ cao

Xe có thể tự lái nhưng trong giới hạn về địa hình, điều kiện đường xá, giới hạn nhất định về tốc độ. Vận chuyển theo tuyến cố định hoặc chia sẻ dịch vụ vận chuyển ở một khu vực cố định

5

Tự động lái toàn phần

Xe ở cấp độ 5 không cần bất kỳ sự can thiệp của con người trong toàn thời gian và mọi điều kiện. Chiếc xe cấp độ 5 không cần vô lăng hoặc chân phanh hoặc bất kỳ sự dự phòng nào cho lái xe điều khiển xe. Xe có thể tự lái xe được

Sẽ có quy định riêng về hệ thống hỗ trợ người lái nâng cao trên ô tô- Ảnh 2.

Với xe tự hành cần trang bị 6 hệ thống an toàn cơ bản và phải được chứng nhận phù hợp với các tài liệu tiêu chuẩn nước ngoài và phải được thử nghiệm, kiểm tra đối chiếu với công bố của nhà sản xuất (ảnh minh hoạ).

Xe tự hành phải trang bị hệ thống an toàn nào?

Đối với các kiểu loại xe tự động cấp 4 (Automated Vehicles) và cấp 5 xe tự hành (Fully Automated Vehicles hoặc Autonomous), dự thảo quy định: Nhà sản xuất phải công bố với cơ quan quản lý về tài liệu phê duyệt kiểu loại theo tiêu chuẩn của nước ngoài đối với cấp độ tự lái.

Đồng thời, xe phải được kiểm tra thực tế đối chiếu và xác nhận về mức độ tự động, tình trạng chức năng an toàn của xe đáp ứng đầy đủ thông số kỹ thuật quy định liên quan đến các hệ thống, bao gồm:

Hệ thống thay thế lái xe điều khiển xe (tín hiệu, quá trình lái, quá trình tăng tốc và quá trình phanh);

Hệ thống cung cấp thông tin, tình trạng của xe và môi trường xung quanh xe trong thời gian thực;

Hệ thống giám sát quá trình điều khiển xe (không áp dụng cho xe tự hành);

Hệ thống lưu trữ dữ liệu cho xe tự động;

Đồng bộ dữ liệu, kết nối với các phương tiện khác dưới các nền tảng khác nhau của hệ thống giao thông;

Hệ thống cung cấp thông tin an toàn cho các loại phương tiện tham gia giao thông khác.

Về kết cấu của xe tự động hoặc xe tự hành phải phù hợp với kiểu loại xe được phép lưu hành như: kích thước, kết cấu, linh kiện tổng thành lắp ráp phải phù hợp với chứng nhận của xe và đáp ứng các luật, quy định lưu hành của xe.

Đối với an toàn khi ở chế độ lái xe tự động, xe tự hành sẽ phải lái theo các quy tắc giao thông, phù hợp với các luật giao thông tại địa điểm xe tham gia giao thông. Xe phải có những dự báo trước tình huống và phải cho phép tương tác thích hợp với những người tham gia giao thông khác trong các tình huống tham gia giao thông hoặc chỉ dẫn phòng tránh khả năng gây tai nạn giao thông.

Cùng đó, phải giữ khoảng cách an toàn đối với xe khác và tốc độ cho phép để giảm thiểu nguy cơ rủi ro mất an toàn cho hành khách trên xe. Trong trường hợp vượt quá giới hạn chức năng tự lái của xe mà vẫn có khả năng gây tai nạn thì xe phải có chế độ cảnh báo hoặc thông báo để lái xe xử lý tình huống.

Về dữ liệu phải được quản lý, lưu trữ, bảo mật thông tin và giám sát tại quốc gia, lãnh thổ xe đăng ký sử dụng để tránh rò rỉ thông tin liên quan đến các vấn đề về an ninh quốc phòng.

Tại tờ trình gửi Bộ GTVT, Vụ Khoa học – Công nghệ và Môi trường cho biết, QCVN 09:2015/BGTVT đến nay đã áp dụng được 8 năm, phát sinh một số vấn đề mới cần phải xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp để tăng cường kiểm soát chất lượng ATKT&BVMT đối với xe ô tô, bảo đảm hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô.

Với sự phát triển của Việt Nam và nhu cầu của xã hội đã phát sinh ra nhiều kiểu loại phương tiện giao thông mới chưa được đề cập trong QCVN09:2015. Nằm trong xu hướng chung của thế giới, Việt Nam hiện đang phát triển nhanh các loại phương tiện giao thông thông minh (xe lái tự động và xe tự hành). Do vậy, cần rà soát cập nhật, bổ sung quy định đáp ứng nhu cầu phát triển công nghệ phương tiện, bảo đảm công tác quản lý nhà nước về chất lượng ATKT&BVMT đối với các loại xe sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới tại Việt Nam.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.