Theo Bộ GTVT, đường Vành đai 4 TP.HCM đã được xác định trong Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là đường cao tốc vành đai với chiều dài khoảng 199km, quy mô 8 làn xe, đầu tư trước năm 2030.
Đây là tuyến đường đóng vai trò quan trọng nhằm tăng cường liên kết vùng các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ, đồng thời kết nối vùng Đông Nam Bộ với vùng Tây Nam Bộ và các tỉnh khu vực Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ.
UBND các tỉnh, thành phố như TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương và Long An đang triển khai chuẩn bị đầu tư các dự án thành phần trên địa bàn theo phương thức đối tác công - tư (PPP).
Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu đầu tư do các địa phương đề xuất hiện chưa có sự thống nhất, đồng bộ về quy mô và tiêu chuẩn kỹ thuật của đường cao tốc cũng như đường song hành hai bên cao tốc trong giai đoạn phân kỳ đầu tư.
"Việc nghiên cứu lập, hoàn thiện nội dung quy hoạch kết cấu hạ tầng đối với tuyến đường Vành đai 4 TP.HCM làm cơ sở thống nhất với các địa phương, đồng thời phục vụ nội dung họp của hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ trong thời gian tới là rất cấp thiết", Bộ GTVT cho biết.
Trong quá trình lập quy hoạch, Bộ GTVT yêu cầu xác định cụ thể các đoạn tuyến giữ nguyên theo quy hoạch chi tiết trước đây, các đoạn tuyến dự kiến điều chỉnh cục bộ; Rà soát việc thỏa thuận khớp nối hướng tuyến giữa các dự án thành phần; Đánh giá tổng thể phương án hướng tuyến đã được các địa phương nghiên cứu.
Cùng đó, rà soát, làm rõ vai trò, tính chất của tuyến đường Vành đai 4 TP.HCM (bao gồm phần tuyến cao tốc và đường song hành hai bên) trên cơ sở khảo sát, dự báo lưu lượng và phân tích dòng xe tham gia lưu thông trên tuyến để đề xuất áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp.
Về quy mô mặt cắt ngang đường giai đoạn phân kỳ đầu tư, Bộ GTVT yêu cầu việc phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 cần phải phù hợp với kết quả dự báo lưu lượng; Các yếu tố mặt cắt ngang trong giai đoạn phân kỳ phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật và đảm bảo tiêu chí vận hành, khai thác an toàn.
Việc bố trí mặt cắt ngang trong giai đoạn phân kỳ phải trên cơ sở nghiên cứu, so sánh ưu, nhược điểm giữa các phương án để đề xuất phương án phù hợp. Trong đề xuất, lựa chọn bề rộng dải phân cách giữa của phần tuyến cao tốc cần phải xem xét, đánh giá các yếu tố ảnh hưởng trên tổng thể toàn bộ tuyến nhưng bề rộng tối thiểu không thấp hơn 1,5m.
Đối với các điểm giao cắt, Bộ GTVT yêu cầu rà soát tổng thể trên toàn tuyến và xác định cụ thể các vị trí nút giao và hình thức giao cắt (liên thông, trực thông) với các tuyến cao tốc, quốc lộ hướng tâm, các tuyến đường địa phương... đảm bảo phù hợp về khoảng cách; Đánh giá làm rõ phương án kết nối với các phương thức vận tải khác, với các khu đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp.
Tuy vậy, trên thực tế triển khai, các địa phương đề xuất tổng chiều dài đường Vành đai 4 TP.HCM là khoảng 206,82 km. Chia ra như sau: Bà Rịa - Vũng Tàu dài 18,7 km; Đồng Nai dài 45,6 km; Bình Dương dài 47,45 km; TPHCM 17,3 km và Long An 78,3 km (chiếm tỷ lệ dài nhất của dự án). Quy mô chiều rộng mặt cắt ngang được đề xuất (giai đoạn 1) từ 22 - 27 m, tùy địa phương. Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 105.964 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành năm 2026.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận