Phát biểu tại khai mạc, Thiếu tướng, nhạc sĩ Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho biết, trong 12 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại của Việt Nam được UNESCO vinh danh có tới 9 di sản thuộc về âm nhạc, đây là niềm tự hào của cả dân tộc và đặc biệt là của những người làm công tác âm nhạc nước nhà. Âm nhạc là sợi dây vô hình kết nối tình yêu thương giữa con người với con người, giữa các dân tộc trên thế giới xích lại gần nhau hơn.
Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Ánh Xuân, Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa chúc mừng các nghệ sĩ biểu diễn trong chương trình kỷ niệm ngày Âm nhạc Việt Nam
"Ngày Âm nhạc Việt Nam nhắc chúng ta phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm âm nhạc hay, nhiều hoạt động âm nhạc có ý nghĩa phục vụ công chúng. Cùng các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia và xây dựng và phát triển nền âm nhạc Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong đêm nghệ thuật hôm nay, những người làm công tác âm nhạc bày tỏ mong muốn Ngày Âm nhạc Việt Nam nhận được nhiều sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và mọi tầng lớp công chúng để cùng đưa Ngày Âm nhạc Việt Nam trở thành Ngày Âm nhạc của toàn dân", Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam bày tỏ.
Chương trình nghệ thuật đặc biệt Sóng nhạc hồ Gươm xanh năm nay có sự góp mặt của nhiều nghệ sỹ nổi tiếng cùng Dàn nhạc Dân tộc - Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Dàn nhạc Giao hưởng Big band - Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
Ca sỹ Trọng Tấn thể hiện ca khúc Tiếng đàn bầu
“Sóng nhạc Hồ Gươm xanh” được chia làm 3 phần. Phần 1 với chủ đề “Sóng đàn Thăng Long” tôn vinh các tác phẩm viết cho nhạc cụ dân tộc và ca khúc mang âm hưởng dân ca, như: “Đất nước thái hòa”, “Tiếng đàn bầu”, “Một thoáng Tây Hồ”…
Nghệ sỹ Đức Thao độc tấu sáo trúc và dàn nhạc thể hiện nhạc phẩm đi săn của nhạc sĩ Triệu Tiến Vượng
Phần 2 với chủ đề “Kể chuyện sông Hồng” tôn vinh những tác phẩm viết theo phong cách thính phòng cổ điển, như: “Bài ca Hà Nội”, “Kể chuyện sông Hồng”, “Trời Hà Nội xanh”, “Tình yêu Hà Nội”…
Nghệ sĩ ưu tú Ngô Hoàng Linh (Violin) và nghệ sĩ Huy Phương (piano) thể hiện nhạc phẩm Hát ru của tác giả Hoàng Dương
Phần 3 với chủ đề “Những giai điệu mãi xanh” tôn vinh những tác phẩm đi cùng năm tháng, gắn liền với nhiều sự kiện, lịch sử của đất nước, như: “Chiến sĩ biên thùy”, “Hành khúc Công an nhân dân”, “Mười chín tháng Tám”, “Tiến về Hà Nội”, “Giải phóng Điên Biên”, “Mừng ngày Âm nhạc Việt Nam”…
Không gian sân khấu ấn tượng của nhà hát Hồ Gươm
Các ca sĩ cùng dàn nhạc thể hiện ca khúc Mừng ngày Âm nhạc Việt Nam của tác giả Đỗ Hồng Quân
Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, nhạc sỹ Đức Trịnh, Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương) Nguyễn Minh Nhựt trò chuyện, chụp ảnh cùng các nghệ sĩ tại Ngày hội Âm nhạc Việt Nam
Chương trình nghệ thuật “Sóng nhạc Hồ Gươm xanh” đã thu hút nhiều thế hệ làm âm nhạc trong nhiều thể loại như nhạc dân tộc, nhạc thính phòng, nhạc đương đại tới tham dự. Trước và sau giờ biểu diễn, tại sảnh nhà hát Hồ Gươm 40 Hàng Bài, các nghệ sĩ ở nhiều thời kỳ đã gặp gỡ giao lưu, chia sẻ cảm nhận về nền âm nhạc Việt Nam hiện nay.
Chương trình khép lại đã để lại nhiều cảm xúc trong lòng khán giả. Với sự dàn dựng công phu cùng sự tham gia biểu diễn của các nghệ sĩ nổi tiếng đây thực sự là chương trình xứng đáng chào mừng ngày Âm nhạc Việt Nam 2023.
Ý tưởng ban đầu của Ngày Âm nhạc Việt Nam bắt nguồn từ sự kiện lịch sử Bác Hồ chỉ huy dàn nhạc, hợp xướng và quần chúng nhân dân Thủ đô hát bài ca Kết đoàn, chào mừng kỷ niệm 15 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Đại hội Đảng lần thứ ba tại Công viên Bách Thảo ngày 3/9 năm 1960.
Đến năm 2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đồng ý lấy ngày 3 tháng 9 hằng năm là "Ngày Âm nhạc Việt Nam".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận