Thị trường

Startup Việt trầy trật vượt “bão” Covid-19

06/12/2020, 06:54

Bên cạnh startup xoay chuyển thành công như Miss EDE, có không ít trường hợp thất bại, biến mất khỏi thị trường không dấu vết.

img

Hoàng Danh Hữu - ông chủ trẻ của thương hiệu socola và cà phê Miss EDE

Sau 2 đợt dịch Covid-19, cộng đồng khởi nghiệp (startup) tưởng như đã định danh “người ở lại” thì cơ hội dành cho họ vẫn khá mong manh khi bão dịch bệnh có dấu hiệu trở lại…

Vừa ngoi lên đã gặp “bão” Covid-19

Sau 8 năm gắn bó với tập đoàn đa quốc gia về chế biến thực phẩm của Mỹ, Hoàng Danh Hữu quyết định nghỉ việc, sáng lập thương hiệu socola và cà phê Miss EDE.

Có thời gian dài làm việc tại Tây Nguyên, tiếp xúc người dân, ăn ngủ tại các trang trại cà phê, ca cao, chàng thanh niên sinh năm 1989 luôn đau đáu câu hỏi: Việt Nam xuất khẩu nguyên liệu thô cao cấp với tỷ lệ bơ lên tới 50% trong hạt ca cao, vì sao hầu hết người dân lại không được ăn socola thật mà chỉ là hàng nhập khẩu thấp cấp với 10% bơ pha trộn thêm hương liệu?

“Hiện nay, DN làm socola nguyên chất tại Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay do điều kiện bảo quản rất phức tạp, phải dưới 28 độ C để không bị nóng chảy. May mắn trước khi khởi nghiệp, nhóm của mình đã nghiên cứu thành công công nghệ gia nhiệt, nâng nhiệt độ nóng chảy lên 30 độ C để đảm bảo chất lượng sản phẩm ở nhiệt độ thường”, Hữu chia sẻ.

Xác định là DN nhỏ nên thay vì bao trọn các khâu, Miss EDE chỉ tập trung chuỗi cung ứng, kết hợp vùng nguyên liệu canh tác bền vững đạt tiêu chuẩn châu Âu tại Đắk Lắk.

“Nguyên liệu sạch chưa đủ, yếu tố quan trọng không kém nằm ngay ở cách sơ chế lên men. Chúng tôi lựa chọn quy trình lên men “mật ong” trong môi trường yếm khí, tập huấn cho bà con áp dụng. Bằng cách này, sản phẩm vừa giữ được hương vị nhiệt đới đặc trưng lại bán được giá cao hơn rất nhiều so với nguyên liệu thô. Đây cũng chính là yếu tố quyết định để đối tác lớn chấp nhận Miss EDE”, Danh Hữu nói.

Ngày 7/9/2019, sản phẩm đầu tiên của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ nông sản EDE trình làng. Chỉ sau 3 tháng, Miss EDE đã trở thành thương hiệu khá phổ biến tại Nha Trang với 37 điểm bán hàng phục vụ du khách; xuất hiện tại sân bay Cam Ranh với tư cách là thức ăn ở phòng chờ hạng thương gia.

Thế nhưng, khi doanh số Miss EDE vừa “ngoi” lên khoảng 300 - 400 triệu đồng/tháng thì TP Nha Trang phát hiện bệnh nhân mắc Covid-19 (tháng 2/2020).

“Giai đoạn đầu, Miss EDE xác định thị trường phân phối sản phẩm tập trung tại Nha Trang nên chịu sức ảnh hưởng ghê gớm. Mất 1 tháng, toàn bộ doanh số bán sỉ cho khách du lịch rớt về 0, chúng tôi lao vào tái cơ cấu sản phẩm đẩy mạnh phân khúc nội địa, bán hàng trên các sàn thương mại điện tử kết hợp với chuỗi cửa hàng bán lẻ EDE Farm để có vốn nuôi mảng bán buôn. Cũng trong khoảng thời gian cách ly, Miss EDE đã có cơ hội tiếp thị sản phẩm của mình tới các “ông lớn” nhà phân phối, mà ngày thường họ khá bận rộn, không có thời gian gặp startup như mình”, Hữu chia sẻ.

Nỗ lực cũng được đền đáp khi tới tháng cuối tháng 6, đầu tháng 7 doanh số của Miss EDE quay trở lại được 50% so với trước dịch. Tuy nhiên dịch Covid-19 lần 2 lại ập tới đánh tụt xuống còn khoảng 30%. Kể từ khi ra mắt sản phẩm đầu tiên, tổng vốn đầu tư vào khoảng 5 tỷ đồng.

Suốt 6 tháng dịch, khó khăn về dòng tiền song những DN “trọc đầu” như Miss EDE không thể tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ phía ngân hàng.

“Khó quá đành bán xe ô tô mà lo công việc. Và rồi các cánh cửa cũng dần mở ra, nhiều đối tác tin cậy, chọn mua sản phẩm làm quà tặng. Kênh tiêu thụ này chính là niềm động viên an ủi khi chiếm tới 60% doanh số. Miss EDE cũng đã có mặt trên các kệ tại các siêu thị cao cấp, chuỗi cửa hàng phục vụ khách du lịch tại miền Nam. Ngoài các gian hàng trên Shopee, Lazada, hiện Miss EDE là đối tác socola duy nhất tại Việt Nam được Tiki Trading nhập mua và bán lại trên sàn Tiki”, Hữu cho hay.

Xác định khó khăn do dịch Covid-19 có thể kéo dài tới 3 năm, ông chủ Miss EDE cho biết, hướng tập trung sản phẩm vào nhóm tiêu dùng trung và cao cấp, bởi thu nhập không bị giảm nhiều.

Thị trường Tết sắp tới, Miss EDE dự kiến tung ra dòng sản phẩm cà phê hòa tan cao cấp. Khi được hỏi liệu đây có phải quyết định lấy “trứng chọi đá”, vị Tổng giám đốc trẻ tự tin: “Sức tiêu thụ cà phê hòa tan trên thị trường trong nước đang ở mức 320 triệu USD/năm, trong đó chiếm 80% thị trường là 3 ông lớn Trung Nguyên, Nestle và Vinacafe, phần còn lại là hàng chục thương hiệu khác. Do đó Miss EDE sẽ không đánh trực diện vào nhóm tiêu dùng truyền thống, thay vào đó sẽ là dòng sản phẩm tương ứng với khẩu vị cà phê pha máy hướng tới nhóm tiêu dùng trẻ, thích thể hiện cá tính bản thân”.

Chuyển đổi để sống hay chết nhanh hơn?

img

Với tổng vốn đầu tư khoảng 5 tỷ đồng, Miss EDE vừa ra mắt thị trường đã gặp ngay cơn “bão” Covid-19

Bên cạnh startup xoay chuyển thành công như Miss EDE, có không ít trường hợp thất bại, biến mất khỏi thị trường không dấu vết.

Ông Trần Vũ Nguyên, Phó chủ tịch Hội đồng cố vấn Saigon Innovation Hub - đơn vị kết nối nguồn lực công - tư, hỗ trợ cho cộng đồng khởi nghiệp tại TP HCM cho hay: “Nếu như ngày trước, hết tiền không phải là yếu tố đầu tiên khiến startup “chết” thì nay mọi thứ đã thay đổi. Tổ chức khởi nghiệp toàn cầu mới đây cảnh báo, hiện có khoảng 40% startup vào vùng nguy hiểm do dòng tiền bị chững lại và sẽ “chết” trong vòng 2 tháng tới nếu không nhận được sự hỗ trợ”.

Theo khảo sát của Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp Quốc gia, khi được hỏi về các chương trình hỗ trợ của Nhà nước, có tới 85% chủ DN trả lời không nhận được hỗ trợ bởi không biết thông tin gì (33%) hay thấy hữu ích nhưng không biết làm thế nào (30%). Qua đây, 33,3% DN kiến nghị giảm thuế thu nhập; 25,9% kiến nghị cải cách thủ tục hành chính và rút ngắn thời gian; 25,9% kiến nghị hỗ trợ tín dụng và điều hành tỷ giá…


Theo ông Nguyên, nhiều trường hợp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ vẫn thất bại khi không phù hợp với sự thay đổi của thị trường.

“Tôi từng chứng kiến một giáo viên nỗ lực triển khai app dạy học ngoại ngữ, sau 3 tháng đã phải từ bỏ ra ngoài làm giám đốc nội dung cho một công ty khác; hay một bác sĩ xây dựng app chăm sóc sức khỏe từ xa, sau thời gian vật vã duy trì đã chấp nhận bán lại cho một nhà đầu tư Singapore với giá 2 USD...”, ông Nguyên kể và nhắn nhủ: “Khởi nghiệp không dành cho mọi người. Covid-19 lại là dịp sàng lọc hay cho những ai không đủ bản lĩnh. Qua cơn bão họ lại trở về đúng với vị trí của mình, biết mình là ai”.

Là một trong số ít nhà đầu tư thiên thần tại Việt Nam, ông Nguyễn Tiến Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tư vấn & Đầu tư Khởi nghiệp Quốc gia (NSCI) cũng chia sẻ: Trong giai đoạn Covid-19, làm thế nào nuôi dưỡng đam mê để startup duy trì tồn tại khi hoạt động sản xuất bị đóng băng là vấn đề đau đầu của nhà đầu tư.

“Cung ứng sản phẩm đèn led cho tàu đánh cá trên thị trường Việt là ví dụ điển hình. Nhờ vậy, ca startup này không những “thoát chết” mà còn đang mở rộng thị trường ra khu vực Đông Nam Á. Thế nhưng cũng có trường hợp xoay hướng đột ngột khiến tôi đau đầu không biết làm thế nào để lấy lại tiền đầu tư. Đó là khi startup đi theo mô hình kinh doanh dưới dạng đa cấp, dồn hết nguồn lực chơi cú lớn với trụ sở hoành tráng, riêng chi phí văn phòng đã lên 700 triệu đồng/tháng… Nhìn thấy cái chết của sản phẩm mình đầu tư mà không cứu được thực sự là nỗi đau. Tuy nhiên khi mô hình không thể chạy được thì thà để chết nhanh còn hơn tiếp tục sống với xác zombie”, ông Trung ví dụ.

Kết quả “Khảo sát khả năng phục hồi, thích ứng của doanh nhân trẻ trong thời kỳ Covid-19 tại Việt Nam” mới đây của Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp quốc gia (NSSC) cho thấy, có tới 62% startup rơi vào cảnh sản xuất bị đình trệ bởi lượng khách hàng sụt giảm nghiêm trọng.

Trong khi đó, 64% chủ DN lại không có hệ thống hoặc phương pháp ứng phó rủi ro. Do đó 54% DN chọn cắt giảm chi phí vận hành, rà soát lại dòng tiền, cắt giảm nhân sự và 39% chọn cách huy động nguồn vốn ngoài như tìm đầu tư, nhờ hỗ trợ tài chính từ người thân, bạn bè...

Từ kết quả trên, bà Nguyễn Đặng Tuấn Minh, sáng lập viên tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp Kisstartup nhận định: “Nhìn chung, DN trẻ với lãnh đạo trẻ đa phần chưa có sự chuẩn bị cho phương án chống lại những biến động mạnh của thị trường. Tuy nhiên, cũng có nhóm sống sót và thích nghi bằng cách thay đổi mô hình kinh doanh và tận dụng các công cụ số một cách hiệu quả để gia tăng doanh số, mở rộng thị trường. Trong đó, việc thiết kế mô hình kinh doanh song song, chuyển đổi cơ cấu sản phẩm dịch vụ mới để lấy ngắn nuôi dài là cách làm rất sáng tạo trong mùa Covid-19”.

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp sau khi TP HCM phát hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng, bà Nguyễn Đặng Tuấn Minh, sáng lập viên tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp Kisstartup cho rằng, cơ hội “sống” của startup vừa “ngoi lên” rất mong manh. “Startup nên thích nghi mô hình kinh doanh với hoàn cảnh mới, tận dụng triệt để công cụ online để tìm cơ hội mới trong thị trường khe ngách, chăm sóc kỹ lưỡng khách hàng cũ và đầu tư vào nhân lực, chất lượng và nâng cấp kỹ năng của cả chủ DN và nhân viên”, bà Minh nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.