Vận tải

Sửa luật để lái xe công nghệ được bảo hiểm

21/05/2022, 06:00

Hàng trăm nghìn tài xế xe công nghệ hầu như không được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trong khi đây là nghề nguy hiểm, nhiều rủi ro.

Sửa luật thế nào để đảm bảo quyền lợi cho tài xế công nghệ là vấn đề Báo Giao thông trao đổi cùng ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

img

Ông Vũ Minh Tiến

Hàng trăm người đang sống bằng nghề tài xế công nghệ

Vừa qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khuyến nghị “Tăng cường tiếp cận và tham gia các chương trình an sinh xã hội của lái xe công nghệ”. Đâu là cơ sở cho đề xuất này, thưa ông?

Khuyến nghị này được đưa ra trên cơ sở kết quả “Khảo sát thực trạng và tăng cường sự tham gia của lái xe công nghệ Grab tiếp cận các chương trình an sinh xã hội, cải thiện điều kiện việc làm” do Tổng Liên đoàn phối hợp với Trung tâm Tư vấn sức khỏe và Phát triển cộng đồng thực hiện.

Thực tế cho thấy, cả nước có hàng trăm nghìn lái xe cung cấp dịch vụ chở người, hàng hóa thông qua công ty nền tảng điều hành. 50% trong số này hoạt động tại TP Hà Nội và TP.HCM.

Phần lớn lái xe công nghệ là người ngoại tỉnh, nữ chiếm 5%.

25% lái xe công nghệ có trình độ tiểu học và trung học cơ sở, 26% đạt trình độ từ cao đẳng trở lên.

Có 2/3 lái xe công nghệ đã có gia đình và 60% đang phải làm kiếm tiền để nuôi dưỡng từ 2 người trở lên. Trong khi đó, thu nhập từ nguồn lái xe công nghệ không cao và bấp bênh.

Thu nhập bình quân (đã trừ phí, xăng…) của lái xe mô tô là khoảng 318.000 đồng/ngày, 7 triệu đồng/tháng; Lái xe ô tô là 564.000 đồng/ngày và 12 triệu đồng/tháng.

Ngoài thu nhập trên, các loại “thưởng”, “trợ cấp”, chương trình hỗ trợ… từ các công ty nền tảng là thấp và cũng không thường xuyên…

Đáng lưu ý, hiện hàng trăm nghìn lái xế xe công nghệ hầu như không tham gia bảo hiểm xã hội, rất nhiều người không tham gia bảo hiểm y tế, trong khi đây là công việc thường xuyên đối diện với nhiều nguy hiểm, rủi ro.

Phải xác định đúng bản chất quan hệ giữa hãng xe và tài xế

img

Cả nước đang có khoảng 200.000 lái xe công nghệ (cung cấp dịch vụ chở người, hàng hóa) được điều hành trên nền tảng công nghệ. Ảnh: Tạ Hải

Theo ông, bản chất mối quan hệ giữa hãng xe và tài xế là gì?

Gọi là lái xe công nghệ nhưng thực chất đây là một công việc truyền thống: Vẫn con người đấy, phương tiện đấy, nhưng việc kết nối, giao dịch giữa lái xe và khách hàng theo phương thức khác - thông qua công ty nền tảng điều hành, làm phát sinh mối quan hệ 2 bên, 3 bên…

Thực tế hiện nay, còn nhiều nhóm quan điểm, ý kiến chưa thống nhất giữa các cơ quan quản lý như Bộ Lao động - thương binh và xã hội, Bộ Giao thông vận tải, các nhà nghiên cứu, chuyên gia pháp lý, các nhà kinh tế, công ty nền tảng, v.v…

Cá nhân tôi cho rằng, việc nhận diện mối quan hệ trên cần có thêm nghiên cứu kỹ lưỡng về cơ sở kinh tế - xã hội, cơ sở pháp lý, sự xuất hiện các loại hình việc làm mới, kinh tế nền tảng, kinh nghiệm các nước…

Hãng xe không thể đứng ngoài cuộc

img

Tài xế công nghệ là nghề “nguy hiểm” nhưng không có bảo hiểm. Ảnh: Tạ Hải

Vậy theo ông, chúng ta cần làm gì để xử lý vướng mắc này?

Quan trọng nhất bây giờ là phải sửa luật để có căn cứ pháp lý rõ ràng xác định mối quan hệ đó là “cái gì”. Còn để đưa ra được “cái gì” thì như trên tôi đã trao đổi cần nghiên cứu kỹ lưỡng.

Hiện nay, có nhóm ý kiến cho rằng, đây là quan hệ thương mại, quan hệ dân sự, nhưng cũng có nhóm cho rằng đây là quan hệ lao động. Hay cũng ý kiến đặt vấn đề về việc “liệu có thể xem đây là một mối quan hệ mới hoặc đặc thù hay không?”. Bởi lẽ, quan niệm của Luật Lao động, hay Luật Thương mại dựa trên những “nền tảng giao dịch cũ”.

Bây giờ xuất hiện những là nền tảng giao dịch mới, phát sinh các quan hệ có những tính chất mới cần có quy phạm mới điều chỉnh cho phù hợp thực tế hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ Lao động - thương binh và xã hội cần chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Công thương…, để nghiên cứu và đề xuất hoàn thiện chính sách, khung khổ pháp lý vấn đề trên.

Trong lúc chờ sửa luật, có cách nào để lái xe công nghệ được hưởng chính sách an sinh xã hội không thưa ông, nhất là trong bối cảnh vừa phải trải qua một giai đoạn khó khăn do dịch bệnh Covid-19?

Trong lúc “đợi” hoàn thiện chính sách, luật pháp, thì dù là quan hệ gì thì trước tiên cũng phải bảo vệ đầy đủ các quyền của người lao động là các lái xe, cũng như lợi ích của các công ty nền tảng, bảo vệ lợi ích chung của Nhà nước và xã hội - đó là nguyên tắc.

Trong các quyền lao động cơ bản của lái xe công nghệ đó là được tiếp cận và tham gia các chính sách an sinh xã hội. Trước mắt, với cơ sở pháp lý hiện nay, theo quy định hiện hành, lái xe xe công nghệ hoàn toàn có đầy đủ quyền tham gia về bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế tự nguyện cũng như một số chính sách an sinh xã hội khác của Nhà nước.

Như vậy, việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế tự nguyện của các lái xe hiện nay sẽ phụ thuộc vào việc: Người lái xe có muốn tham gia hay không; Người ta có thấy lợi ích hay không; Cơ quan bảo hiểm xã hội có tuyên truyền và vận động hay không; Và công ty có hỗ trợ gì về kỹ thuật, tài chính gì cho việc này không?

Công ty nền tảng và cơ quan chức năng liên quan không nên và không thể đứng ngoài cuộc! Trong trường hợp này, lái xe có thể đề xuất với công ty nền tảng rằng “Có sẵn sàng phối hợp với cơ quan bảo hiểm hỗ trợ lái xe tham gia không? Có sự chia sẻ, hỗ trợ phần nào số tiền đóng bảo hiểm của mình không? Có hỗ trợ kỹ thuật trong trích nộp hay không?”.

Nếu có thì sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho tất cả các bên, vì sự phát triển bền vững.

Cảm ơn ông!

Tài xế và hãng xe công nghệ có thể thỏa thuận đóng BHXH

Theo Nghị định 10/2020/NĐ-CP ngày 17/01/2020 của Chính phủ, Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT ngày 29/05/2020 của Bộ GTVT, quy định cho phép các hãng xe công nghệ được lựa chọn giữa hai loại hình kinh doanh: Kinh doanh vận tải hoặc kinh doanh dịch vụ gọi xe (cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải).

Như vậy, các hãng xe nói trên đã lựa chọn hình thức “kinh doanh dịch vụ gọi xe”. Tuy nhiên, trên thực tế họ có quyền kết nối giữa khách gọi xe với bất kỳ tài xế nào của họ, đưa ra giá vận chuyển, giá khuyến mãi, điều khoản quyền lợi khách hàng, giải quyết khiếu nại đối với tài xế. Do đó, thực chất đây là những đơn vị kinh doanh vận tải, áp dụng công nghệ gọi xe.

Việc để các hãng này được lựa chọn hình thức kinh doanh, nhưng thực tế là kinh doanh vận tải, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, phức tạp trong phương thức tính thuế, làm người lao động là tài xế của các hãng vận tải không được đóng BHXH bắt buộc.

Nếu đóng BHXH, người lao động sẽ được hưởng 5 chế độ sau: Ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất. Như vậy, việc không được đóng BHXH sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Về giải pháp, giữa các hãng xe công nghệ và tài xế có thể thỏa thuận để đóng BHXH. Trường hợp nếu để các tài xế tham gia BHXH tự nguyện là không phù hợp, giảm quyền lợi của họ, trong khi thực tế là họ tham gia lao động cho một pháp nhân kinh doanh. Về lâu dài, Chính phủ cần định hình đúng loại hình kinh doanh của các hãng xe công nghệ nhằm quản lý đúng và hiệu quả.

Luật sư Trương Hồng Điền, Trưởng Văn phòng Luật sư Xuân Phú (Đoàn Luật sư TP.HCM)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.