Thời sự Quốc tế

Tác động của căng thẳng Nga-Ukraine hiện rõ trên giá tiêu dùng châu Âu

02/04/2022, 15:00

Giá tiêu dùng tại 19 quốc gia đang sử dụng đồng euro trong tháng 3 đã tăng 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngày 1/4, theo dữ liệu của Eurostat - Cơ quan thống kê của Liên minh châu Âu, đây là tháng thứ 5 liên tiếp khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone) chịu lạm phát kỷ lục, ở mức cao nhất kể từ khi bắt đầu thống kê số liệu về đồng euro năm 1997. Tỉ lệ giá tiêu dùng tăng 7,5% đã phá vỡ kỷ lục tăng 5,9% trong tháng 2.

Dữ liệu cho thấy, trong tháng 3, giá thực phẩm, rượu và thuốc lá trên toàn khu vực Eurozone đều tăng 5% trong khi đó giá hàng hóa như quần áo, ô tô, máy tính và sách tăng 3,4%; giá một số loại dịch vụ tăng 2,7%.

img

Ảnh minh họa

Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng giá tiêu dùng tăng vọt được cho là giá năng lượng phi mã.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde cho rằng, có 3 nguyên nhân lớn có thể đẩy mức lạm phát tiếp tục tăng cao hơn nữa, đó là: giá nhiên liệu dự kiến sẽ còn tăng cao hơn trong trong thời gian dài hơn; áp lực đối với lạm phát giá thực phẩm sẽ tiếp tục tăng; và thực trạng “nút thắt cổ chai” trong ngành sản xuất toàn cầu dai dẳng ở một số lĩnh vực.

Một số nhà kinh tế lo ngại nguy cơ khu vực thương mại này sẽ bước vào giai đoạn suy thoái trong năm 2022 sau khi chi phí năng lượng đã tăng vọt lên 44,7% hồi tháng trước, tăng cao so với mức 32% của tháng 2.

Thời gian gần đây, giá năng lượng tại châu Âu vốn ở mức cao lại tiếp tục tăng do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng giữa Nga-Ukraine cũng như các biện pháp trừng phạt và đáp trả giữa phương Tây và Nga, đặc biệt là khi Nga đang đe dọa có thể cắt nguồn cung khí đốt với phương Tây nếu các nước này không chấp nhận thanh toán bằng đồng ruble.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.