Có thể phạt tù đến 15 năm
Công an huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên - Huế) vừa khởi tố vụ án để làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn giữa xe khách và xe tải làm 2 người chết trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn vào tối 10/3.
Nguyên nhân ban đầu xác định do tài xế xe khách Lê Hoàng Quân không chú ý quan sát và tài xế Phan Đình Thành điều khiển ô tô tải BKS 75C-016.91 khi đỗ xe chiếm một phần đường xe chạy không đặt ngay báo hiệu nguy hiểm theo quy định dẫn đến TNGT.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Thị Hải Nhi (Công ty Luật FDVN, Đoàn luật sư TP Đà Nẵng) cho hay, hiện nay chưa có kết luận điều tra chính thức của các cơ quan điều tra về lỗi của các tài xế.
Tuy nhiên, nếu qua quá trình điều tra có kết luận được các nội dung tài xế xe khách vi phạm quy định Luật Giao thông đường bộ 2008 dẫn đến có nạn nhân tử vong thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ được quy định tại Điều 260 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Tùy mức độ vi phạm, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến mức cao nhất là 15 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.
Ngoài việc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người có hành vi vi phạm gây thiệt hại còn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân theo quy định gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa tính từ thời điểm người bị thiệt hại bị xâm phạm sức khỏe cho đến thời điểm người đó chết, chi phí hợp lý cho việc mai táng, tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng hoặc nuôi dưỡng trước khi chết (nếu có)...
Theo luật sư Trần Viết Hà, Đoàn luật sư TP.HCM, nếu qua quá trình điều tra xác định lỗi xảy ra tai nạn đều thuộc về cả 2 tài xế thì với hậu quả làm chết 2 người, bị thương 3 người và thiệt hại về tài sản thì về trách nhiệm hình sự cả hai tài xế có thể bị truy cứu Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.
Về mặt dân sự, luật sư Hà cho biết, căn cứ Điều 590, 591 Bộ luật Dân sự thì cả hai tài xế có trách nhiệm liên đới để bồi thường đối với người chết và người bị thương các khoản chi phí bao gồm: chi phí mai táng, chi phí chữa trị cho những người bị thương, chi phí thu nhập thực tế bị mất bị giảm sút của người chết, người bị thương và người thân phải bỏ thời gian đi chăm sóc những người bị thương, chi phí cấp dưỡng nếu có đối với trường hợp người chết đang có nghĩa vụ cấp dưỡng, chi phí sửa chữa phương tiện hư hỏng, chi phí bồi thường tổn thất về mặt tinh thần.
Mức bồi thường do các bên thỏa thuận, trường hợp không thỏa thuận được thì đối với người chết là không quá 100 lần mức lương cơ sở và đối với người bị thương là không quá 50 lần mức lương cơ sở.
Tham gia giao trên cao tốc sao cho an toàn?
Theo luật sư Nhi, quy định tại khoản 3 Điều 26 Luật Giao thông đường bộ 2008 thì việc dừng đỗ xe trên đường cao tốc chỉ được thực hiện đúng nơi quy định. Trong trường hợp buộc phải dừng xe, đỗ xe không đúng nơi quy định thì người lái xe phải đưa xe ra khỏi phần đường xe chạy, nếu không thể được thì phải báo hiệu để người lái xe khác biết.
Hiện nay, Luật Giao thông đường bộ chưa có quy định cụ thể về hình thức của việc đặt biển cảnh báo, đèn nhận diện trong trường hợp gặp sự cố trên đường cao tốc. Tuy nhiên, có thể tham khảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT để đặt biển cảnh báo trên cao tốc cho an toàn.
Theo đó trên đường cao tốc, các biển báo nguy hiểm cần đặt khoảng cách từ nơi đặt biển đến nơi định báo là từ 150 - 250m.
Trong trường hợp không có sẵn các biển báo nguy hiểm, các vật gây chú ý khác như tam giác phản quang, cọc tiêu hình nón… có thể sử dụng các vật dụng khác để tạo sự chú ý cho xe phía sau như đèn pin, đèn điện thoại, dùng vật có phản quang... bật đèn xe, dùng mọi cách để đưa xe vào sát lề đường, hạn chế người ở trong xe và gọi cho trung tâm cứu hộ gần nhất để được hỗ trợ.
Cũng theo luật sư Nhi, khi chạy trên cao tốc gặp trời mưa, có sương mù, mặt đường trơn trượt, đường có địa hình quanh co, đèo dốc, tầm nhìn hạn chế, người lái xe phải điều chỉnh khoảng cách an toàn với xe ở phía trước để tránh các tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Theo quy định tại Điều 11 Thông tư 31/2019/TT-BGTVT quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông là 35m đối với tốc độ 60km/h, 55m đối với tốc độ trên 60km/h nhưng dưới 80km/h (cao tốc Cam Lộ - La Sơn cho phép chạy tối đa 80km/h).
"Tài xế tham gia giao thông trên đường cao tốc cần luôn tập trung quan sát, chú ý các biển báo tốc độ, biển báo nguy hiểm... Ngoài ra, để tăng góc quan sát phải bảo đảm có đủ gương chiếu hậu và các trang bị, thiết bị khác bảo đảm tầm nhìn cho người điều khiển", luật sư Nhi cho hay.
Khi đến Km58 trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn (địa phận huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) xảy ra va chạm với ô tô tải BKS 75C-016.91 bị nổ lốp đang đỗ phía trước cùng chiều.
Vụ tai nạn khiến 2 người tử vong và 8 người bị thương.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận