Hỏi - Đáp

Tái vi phạm nồng độ cồn có bị tăng mức phạt không?

25/02/2024, 06:00

Luật sư Quách Thành Lực cho rằng, vi phạm nồng độ cồn nhiều lần trong thời gian ngắn được tính là tình tiết tăng nặng. Người vi phạm có thể bị phạt ở mức cao nhất tại khung quy định.

Gửi câu hỏi đến Báo Giao thông, anh Nguyễn Văn Tiến (quậnNam Từ Liêm, TP Hà Nội) cho biết, giữa tháng 2/2024, anh điều khiển xe máy vi phạm nồng độ cồn ở mức trên 0,4mg/lít khí thở, nên đã bị phạt 7 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 23 tháng.

"Xin hỏi, nếu bây giờ tôi tiếp tục vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất khi lái xe thì có bị tăng mức phạt không?", anh Tiến hỏi.

Tái vi phạm nồng độ cồn có bị tăng mức phạt không?- Ảnh 1.

Hành vi vi phạm nồng độ cồn nhiều lần trong thời gian ngắn được xác định là tình tiết tăng nặng.

Trả lời nội dung này, luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty Luật Pháp trị (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, căn cứ theo Nghị định 100/2019 sửa đổi bởi Nghị định 123/2021, người điều khiển xe máy khi có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililit máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở, sẽ bị phạt tiền từ 6-8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 22-24 tháng. Đây là mức phạt cao nhất của khung hình phạt tài xế xe máy vi phạm nồng độ cồn.

Tại điểm b Khoản 1 Điều 9 Nghị định 118/2021(quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính), quy định đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung phạt tiền được quy định đối với hành vi đó.

"Trong trường hợp có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên, thì áp dụng mức tối thiểu của khung tiền phạt. Nếu có từ hai tình tiết tăng nặng trở lên thì áp dụng mức tối đa của khung tiền phạt. Các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ đã được quy định cụ thể tại Luật Xử lý vi phạm hành chính", luật sư Lực cho hay.

Tái vi phạm nồng độ cồn có bị tăng mức phạt không?- Ảnh 2.

Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty Luật Pháp trị (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

"Đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn lần hai trong thời gian ngắn, ngoài việc bị xử phạt không có giấy phép lái xe (vì lúc này giấy phép lái xe đã bị tạm giữ), thì còn bị xác định là vi phạm nồng độ cồn nhiều lần, tái phạm. Đây được xác định là tình tiết tăng nặng. Do đó, người vi phạm có thể sẽ bị áp dụng mức hình phạt tối đa là 8 triệu đồng thay vì mức trung bình 7 triệu đồng vừa bị phạt", luật sư Lực nói.

Mức phạt lỗi không có bằng lái xe với xe máy dung tích xi lanh dưới 175 cm3 và các loại xe tương tự xe mô tô là từ 1-2 triệu đồng; với xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên, xe mô tô ba bánh thì từ 4-5 triệu đồng.

Mức phạt lỗi không có bằng lái xe với xe ô tô là phạt tiền từ 10-12 triệu đồng theo quy định.

"Ngoài ra, Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 còn quy định người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ, gây hậu quả như làm chết người; làm người khác thương tật từ 61% trở lên hay gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng trở lên sẽ bị xử lý về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Trường hợp người gây tai nạn không có giấy phép lái xe theo quy định hoặc trong hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, khung hình phạt theo khoản 2 Điều này có thể là phạt tù 3-10 năm", luật sư Lực thông tin thêm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.