Hỏi - Đáp

Tài xế có được yêu cầu CSGT thay ống thổi nồng độ cồn trước khi kiểm tra?

08/03/2024, 09:29

Tài xế có thể yêu cầu thay ống thổi nồng độ cồn mới, nhưng không được từ chối yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn của CSGT.

Bạn đọc Vũ Thị Thuyết (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) cho biết, hiện cảnh sát giao thông (CSGT) đang tăng cường kiểm tra nồng độ cồn, bất cứ ai điều khiển phương tiện giao thông cũng có thể bị kiểm tra.

"Để giữ gìn vệ sinh và an toàn cho mình và người khác, người bị kiểm tra nồng độ cồn được quyền yêu cầu thay ống thổi mới và từ chối kiểm tra nếu dùng chung ống được không?", bạn Thuyết đặt câu hỏi.

Tài xế có được yêu cầu CSGT thay ống thổi nồng độ cồn trước khi kiểm tra?- Ảnh 1.

Khi bị kiểm tra, tài xế có thể đề yêu cầu CSGT thay ống thổi nồng độ cồn mới.

Trả lời nội dung này, luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty Luật Pháp trị (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, hiện nay không có bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về việc người dân được quyền yêu cầu CSGT thay ống thổi mới khi đo nồng độ cồn.

"Tuy nhiên, để đảm bảo các biện pháp an toàn về sức khỏe, y tế, CSGT sẽ thực hiện việc thay thế ống thổi mới sau mỗi lần sử dụng và thu gom xử lý các ống thổi đã qua sử dụng theo quy định", ông Lực thông tin.

Theo đó, để đảm bảo an toàn sức khỏe, y tế, tránh làm lây lan các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, người dân được quyền yêu cầu CSGT thay thế ống thổi mới khi tiến hành đo nồng độ cồn.

Tại Điều 10, Điều 11 Thông tư 67/2019/TT-BCA quy định người dân có quyền giám sát việc thi hành pháp luật trong công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông thông qua tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc hoặc thông qua các thiết bị ghi âm, ghi hình.

Tuy nhiên, không có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về quyền yêu cầu thay ống thổi mới. Vì vậy, nếu CSGT không thực hiện, người dân có quyền khiếu nại đối với hành vi của CSGT khi thực hiện nhiệm vụ, nhưng không được quyền từ chối việc kiểm tra nồng độ cồn.

Tài xế có được yêu cầu CSGT thay ống thổi nồng độ cồn trước khi kiểm tra?- Ảnh 2.

Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty Luật Pháp trị.

Nếu người dân không chấp hành việc kiểm tra nồng độ cồn có thể bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 100/2019 (được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP), cụ thể:

Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô, xe gắn máy sẽ bị phạt tiền từ 6-8 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng nếu không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn.

Đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô sẽ bị phạt tiền từ 30-40 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng nếu không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn.

Một cán bộ CSGT TP Hà Nội cho biết, khi đo nồng độ cồn, lực lượng CSGT sẽ thực hiện hai bước. Bước đầu tiên là kiểm tra định tính và bước tiếp theo là kiểm tra định lượng.

Đối với kiểm tra định tính, tài xế chỉ thở vào phễu máy đo vài giây chứ không cần ngậm ống thổi. Nếu không phát hiện cồn trong hơi thở, tài xế sẽ tiếp tục lưu thông.

Nếu phát hiện có cồn trong hơi thở, tài xế sẽ được mời vào một khu vực để kiểm tra định lượng. Lúc này, tài xế sẽ được kiểm tra bằng máy dùng ống thổi.

"Khi đo định lượng, mỗi người được kiểm tra sẽ dùng một ống thổi riêng. Trường hợp tài xế nghi ngờ ống thổi dùng chung thì có thể đề nghị CSGT thay ống thổi mới, khi đó lực lượng CSGT sẽ bóc ống thổi mới cho người dân nhìn thấy rồi tiến hành đo định lượng. Thông thường mỗi lần thổi định lượng bằng ống thì CSGT sẽ bỏ ống cũ và thay ống mới để đo người khác", cán bộ này cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.