Pháp đình

Tập đoàn của tỷ phú Lý Gia Thành gửi văn bản đến phiên xử bà Trương Mỹ Lan

01/04/2024, 19:52

Luật sư bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan gửi văn bản của Tập đoàn CK Asset Holdings Limited (Tập đoàn đầu tư lớn mạnh nhất Hong Kong trong lĩnh vực bất động sản) đến HĐXX đề xuất giải pháp toàn diện cho các tài sản liên quan đến SCB.

Chiều 1/4, sau khi đại diện Viện kiểm sát (VKS) đối đáp lại quan điểm của luật sư bào chữa cho các bị cáo Nguyễn Cao Trí, Chu Lập Cơ; luật sư bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan trình bày bổ sung quan điểm gỡ tội cho thân chủ.

Trương Mỹ Lan thừa nhận là cổ đông lớn của SCB

Tự bào chữa bổ sung, bị cáo Trương Mỹ Lan cho rằng bản thân không quanh co chối tội, không đổ lỗi cho ai. 

Bị cáo Trương Mỹ Lan cho rằng, VKS giữ nguyên quan điểm buộc tội cho rằng bị cáo quanh co chối tội, điều này chứng tỏ VKS không xem xét toàn diện, đầy đủ, không cập nhật diễn biến, xét hỏi của HĐXX.

Bị cáo cho rằng, mình đã nghiêm túc nhìn nhận vai trò, mức độ ảnh hưởng của mình với tư cách cổ đông lớn của SCB.

Tập đoàn của tỷ phú Lý Gia Thành gửi văn bản đến phiên xử bà Trương Mỹ Lan- Ảnh 1.

Bị cáo Trương Mỹ Lan.

"Bản thân tôi nhận thức trước sai phạm của một số thành viên HĐQT SCB. Tôi bày tỏ sự tôn trọng lời khai, thậm chí xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo ở SCB. Tôi không quanh co chối tội cho họ, chỉ phân định vai trò mức độ ảnh hưởng của cá nhân tôi với các khoản vay tại SCB", bị cáo trình bày.

Theo bị cáo Lan, việc tham gia hợp nhất SCB đảm bảo tỷ lệ hợp nhất, vận động cổ đông nước ngoài để giúp SCB hoạt động ổn định và kêu gọi nhà đầu tư.

Vì thế, bị cáo đề nghị xem xét các khó khăn trong quá trình tái cơ cấu SCB, bị cáo và người quen đều tin tưởng SCB, mong muốn SCB ổn định và niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Trong suốt 10 năm, SCB không sử dụng tiền của Nhà nước. Trước khi vụ án xảy ra, ngân hàng hoạt động bình thường, các nhà đầu tư nước ngoài đang chuẩn bị đầu tư vào với số tiền rất lớn.

Do bị cáo bị bắt nên mới xảy ra sự việc rút tiền hàng loạt, đề nghị xem xét nguyên nhân bối cảnh vụ án xảy ra.

Về số tiền thiệt hại của SCB, bị cáo xin HĐXX xem xét xác định lại tính xác thực của các số liệu. 

Theo bị cáo, có 450 nghìn tỷ chưa được xem xét khấu trừ. Bị cáo cho rằng chưa xem xét việc tính lãi nhập vốn của các khoản vay; Dư nợ tín dụng thực tế chỉ 390 nghìn tỷ chứ không phải 483 nghìn tỷ như cáo trạng truy tố.

Tập đoàn của tỷ phú Lý Gia Thành gửi văn bản đến phiên xử bà Trương Mỹ Lan- Ảnh 2.

Bị cáo Trương Huệ Vân.

Bào chữa cho bị cáo Lan, luật sư đề nghị HĐXX xem xét diễn biến mới liên quan tới một số dự án và tài sản được HĐXX thẩm tra công khai tại tòa.

Theo đó, trong số 13 tài sản gia đình tự nguyện cam kết khắc phục, có tòa nhà Capital Place 29 Liễu Giai (Hà Nội). Đại diện 4 ngân hàng nước ngoài không đồng ý chuyển nhượng tòa nhà này do còn dư nợ của 2 Ngân hàng HSBC và OCBC Bank Singapore.

Theo đại diện ngân hàng này, Công ty Cổ phần Twin Peaks có vay 200 triệu USD. Tài sản thế chấp bao gồm tòa nhà Capital Place và quyền sử dụng tòa nhà này. Hiện, khoản vay vẫn chưa được tất toán hoàn toàn.

Luật sư cho rằng, thời điểm đáo nợ là ngày 30/4, khi tất toán xong, bị cáo Trương Mỹ Lan sẽ được quyền định đoạt tòa nhà để khắc phục hậu quả vụ án.

Bên cạnh đó, có 2 công ty cam kết hoàn trả cho Trương Mỹ Lan hơn 2.700 tỷ đồng đảm bảo khắc phục hậu quả vụ án, luật sư đề nghị HĐXX, VKS ghi nhận.

Luật sư cũng gửi đến tòa văn bản ngày 27/3 của tiến sĩ Justin Chiu, Giám đốc điều hành Tập đoàn CK Asset Holdings Limited.

Đây là tập đoàn đầu tư lớn mạnh nhất Hong Kong trong lĩnh vực bất động sản do tỷ phú Lý Gia Thành sáng lập. Văn bản được chuyển cho HĐXX, VKS về việc tạo điều kiện đàm phán để đầu tư các dự án.

Theo thông tin từ gia đình Trương Mỹ Lan, với mong muốn khắc phục hậu quả, gia đình bị cáo đã liên hệ với quỹ đầu tư và quản lý tài sản hàng đầu châu Á. Với mong muốn được đề xuất giải pháp toàn diện liên quan đến SCB, bị cáo Lan mong muốn liên kết nhà đầu tư trên toàn cầu.

Hành vi làm trái công vụ của Đỗ Thị Nhàn là thủ đoạn để nhận hối lộ

Trước đó, trong phần đối đáp, vị đại diện VKSND TP.HCM cho rằng, Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước) là người có nghiệp vụ cao trong lĩnh vực ngân hàng, thanh tra giám sát ngân hàng và đã sử dụng nghiệp vụ ấy để che giấu sai phạm tại SCB.

Động cơ, mục đích phạm tội của Đỗ Thị Nhàn khác với Nguyễn Văn Hưng (cựu Phó chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước) và các bị cáo còn lại trong đoàn thanh tra.

Tập đoàn của tỷ phú Lý Gia Thành gửi văn bản đến phiên xử bà Trương Mỹ Lan- Ảnh 3.

Bị cáo Đỗ Thị Nhàn.

Theo VKS, sau khi thanh tra, là trưởng đoàn thanh tra, bị cáo Nhàn biết rõ thực trạng SCB rất xấu, cần phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước và chuyển sai phạm cho cơ quan điều tra.

Tuy nhiên, bị cáo đã 4 lần nhận hối lộ từ SCB thông qua bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB), tổng cộng 5,2 triệu USD.

Trong quá trình tranh luận, luật sư bào chữa đề nghị xem xét lại tội danh nhận hối lộ của bị cáo, bởi hành vi của bị cáo cùng với một số người khác trong đoàn thanh tra là một chuỗi khép kín nhưng chỉ mình thân chủ bị tội danh này, có khung hình phạt cao.

Tuy nhiên, vị đại diện VKS cho rằng, tại phiên toà, mặc dù Trương Mỹ Lan không thừa nhận thông qua bị cáo Văn đưa hối lộ để Nhàn bưng bít sai phạm cho SCB, nhưng có đủ căn cứ xác định bị cáo Nhàn đã nhận hối lộ của bị cáo Lan.

"Các luật sư cho rằng thời điểm bà Nhàn nhận tiền là sau khi đã hoàn thành trách nhiệm thanh tra là không đúng. Hồ sơ vụ án thể hiện, lần đầu đưa tiền là trước khi có kết quả thanh tra. Nguồn tiền từ SCB ở TP.HCM chuyển ra SCB Cầu Giấy, Hà Nội, sau đó đổi ra thành USD rồi bỏ vào thùng xốp giao cho bị cáo Nhàn", đại diện VKS nói.

Từ các lập luận trên, đại diện VKS khẳng định, hành vi làm trái công vụ của bị cáo Nhàn chỉ là phương thức, thủ đoạn để thực hiện mục đích nhận hối lộ của bị cáo.

Vì vậy, VKS áp dụng 2 tình tiết tăng nặng đối với bị cáo Đỗ Thị Nhàn là phạm tội nhiều lần, dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt để thực hiện hành vi là có căn cứ.

Bị cáo Đỗ Thị Nhàn bị VKSND TP.HCM đề nghị HĐXX tuyên phạt chung thân.

Đối với phần bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Hưng, luật sư cho rằng, bị cáo không phải là người chủ mưu, cầm đầu. Tranh luận với quan điểm của luật sư, đại diện VKS khẳng định, bị cáo Hưng có vai trò chủ mưu, cầm đầu.

Tập đoàn của tỷ phú Lý Gia Thành gửi văn bản đến phiên xử bà Trương Mỹ Lan- Ảnh 4.

Bị cáo Nguyễn Văn Hưng.

Bị cáo là người ra quyết định thanh tra, là người trực tiếp chỉ đạo Đỗ Thị Nhàn và có trách nhiệm báo cáo kết quả thanh tra lên Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ.

Tại cơ quan điều tra, bị cáo Hưng đã khai nhận các chỉ đạo của mình đối với Đoàn Thanh tra thông qua Đỗ thị Nhàn, chỉ đạo trực tiếp các thành viên đoàn thông qua các cuộc họp. Các bị cáo trong Đoàn Thanh tra đã tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo của bị cáo Hưng.

Từ đó, bị cáo Hưng chỉ đạo bà Nhàn xây dựng báo cáo, dự thảo thanh tra không trung thực, không đúng thực trạng tài chính yếu kém của SCB, không kiến nghị chuyển sai phạm cho cơ quan điều tra...

Cũng theo vị đại diện VKS, bị cáo Nguyễn Văn Hưng đã nhiều lần nhận tiền từ SCB, tổng cộng là 390.000 USD. Bị cáo Nguyễn Văn Hưng cũng tự nhận thức và thừa nhận việc nhận tiền, quà của SCB để chỉ đạo làm trái công vụ, là vi phạm quy định pháp luật.

Vì vậy, cơ quan tiến hành tố tụng truy tố bị cáo Hưng và các bị cáo trong đoàn thanh tra về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ là có căn cứ, đúng pháp luật.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.