Cuối tuần qua, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội thông báo tạm dừng chạy 10 mác tàu trên các tuyến đường sắt phía Bắc gồm: Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Đồng Đăng, Hà Nội - Thái Nguyên, Yên Viên - Hạ Long vì quá vắng khách do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Trước đó công ty đã phải tạm dừng nhiều đôi tàu trên các tuyến đi Vinh, Lào Cai... Tuy nhiên, vẫn duy trì chạy hàng ngày 6 mác tàu khách địa phương chạy tuyến Long Biên - Quán Triều, Yên Viên - Hạ Long, Hà Nội - Đồng Đăng vì trên các tuyến này hiện chỉ có duy nhất một đôi tàu khách. Giờ 6 mác tàu này gồm đôi tàu QT1/QT2 Hà Nội - Thái Nguyên, đôi tàu DD5/DD6 Hà Nội - Đồng Đăng, đôi tàu 51501/51502 Yên Viên - Hạ Long chỉ chạy vào Chủ nhật hàng tuần.
Đây cũng là các đôi tàu được Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội kiến nghị các cấp có thẩm quyền xin được Nhà nước hỗ trợ theo hình thức hỗ trợ tàu an sinh do việc tổ chức chạy các đôi tàu này đã khiến công ty phải gánh lỗ hàng năm hơn 20 tỷ đồng. Vì quá lỗ, công ty đã từng cho dừng chạy các tàu này. Sau đó, Tổng công ty Đường sắt VN đề nghị tiếp tục chạy tàu để giữ hạ tầng đường sắt, cùng đó là văn bản đề nghị của một số địa phương và người dân, công ty mới tiếp tục cho chạy lại.
Ông Đỗ Tuấn, Phó phòng Kế hoạch công ty cho hay, Luật Đường sắt 2017, cùng đó là Nghị định 65/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đường sắt đã quy định rõ Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp vận tải đường sắt thực hiện nhiệm vụ chạy tàu an sinh xã hội. Vì vậy, năm 2018 và năm 2019 công ty đã thực hiện đầy đủ các thủ tục, quy trình, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
“Đến nay công ty vẫn chưa được phê duyệt kế hoạch. Lý do các cơ quan chức năng đưa ra là chưa có quy định xác định thế nào là tàu an sinh, ai công nhận tàu đó, tuyến đó là chạy tàu an sinh. Nghị định 65 cũng không nêu cụ thể”, ông Tuấn nói và cho biết, nếu tiếp tục chạy các tàu này trong khi tàu vắng khách bởi dịch Covid-19, con số lỗ sẽ không chỉ dừng lại ở 20 tỷ, càng gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Đáng nói, việc dừng chạy tàu hàng loạt ảnh hưởng rất lớn đến người lao động, nhất là các nhân viên phục vụ trên tàu. Họ phải nghỉ luân phiên hoặc giãn hợp đồng. Được biết, vừa qua, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cũng đã có chính sách về đơn giá tiền lương, chế độ bảo hiểm đối với người lao động trong lúc sản xuất kinh doanh khó khăn. Dẫu vậy, đây chỉ là giải pháp trước mắt, về lâu dài, giải pháp căn cơ vẫn là tháo gỡ cơ chế hỗ trợ từ Nhà nước.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận