Nỗi nhớ vượt đại dương
Tết Nguyên đán 2024 lại tiếp tục là một năm nữa thuyền trưởng Hoàng Trung Hiếu (40 tuổi), Công ty CP Vận tải biển Tân Cảng đón Tết trên tàu. Trong 16 năm đi biển, anh cũng có thâm niên đón Tết trên tàu ngót nghét 14 năm.
Chừng ấy thời gian đã làm vơi đi phần nào nỗi nhớ nhà của người thuyền trưởng, song sự chạnh lòng trong những ngày cuối năm cũ, đầu năm mới cũng không khỏi khiến anh Hiếu bồi hồi.
Sinh ra và lớn lên ở Hải Phòng, mang cách sống và tư tưởng truyền thống của người Bắc nên với anh, Tết vẫn là thời điểm anh muốn quây quần bên gia đình, đoàn viên với người thân. Thế nhưng, công việc cuốn anh vào guồng quay của cuộc sống mà ở đó, anh phải đón những năm mới không có người thân bên cạnh.
Gia đình anh Hiếu hiện chỉ có mẹ, vợ anh và con gái. Thiếu vắng người đàn ông trong gia đình trong những ngày Tết cũng khiến không khí gia đình trầm lắng hơn.
Những ngày này, khi vợ con gửi những hình ảnh mua sắm, trang trí nhà cửa làm anh dấy lên những cảm xúc bâng khuâng. Thế nhưng, người thuyền trưởng hạnh phúc vì luôn được gia đình động viên.
Anh khoe cách đây không lâu, cô con gái 11 tuổi đã gửi các thuyền viên xuống tàu một bức thư tay cho bố để hỏi thăm tình hình. Cô bé nhắn bố giữ gìn sức khỏe và bình an, nếu buồn hãy về nhà đón Tết với gia đình.
"Gia đình neo người, tôi lại không thể ở nhà đưa vợ con đi chơi. Cuộc sống của người đi biển thực sự phải đánh đổi rất nhiều", anh Hiếu tâm sự.
Ấy vậy, anh cũng phải tự động viên bản thân và các thuyền viên trên tàu cố gắng, nỗ lực vì một cuộc sống tốt hơn.
Trên tàu, anh Hiếu cũng cùng các anh em trang hoàng câu lạc bộ, gói bánh chưng và sắp xếp mâm ngũ quả để có không khí Tết. Khi tàu cập cảng ở các quốc gia Đông Nam Á, tàu của anh cũng tranh thủ mua nhiều lương thực, thực phẩm để chuẩn bị cho ngày Tết như lá dong, đỗ xanh...
Tuy nhiên, anh thừa nhận vẫn thiếu thốn nhiều điều. "Có những nơi không có lá dong, anh em đành gói bánh chưng bằng lá chuối và buộc bằng dây nilon. Bánh chưng chỉ mang tính hình thức, còn hương vị không đúng truyền thống", anh thổ lộ.
Đêm giao thừa, anh Hiếu cùng các thuyền viên trên tàu sẽ hội ngộ tại câu lạc bộ, đọc lời chúc mừng năm mới của công ty và tặng quà, lì xì đầu năm với những lời chúc năm mới. Họ cũng lên lầu lái để đốt pháo hoa tượng trưng, kéo những hồi còi đón giao thừa.
Những tưởng, không khí ấy sẽ giúp các thuyền viên bớt nhớ nhà nhưng theo lời người thuyền trưởng, khoảnh khắc giao thừa vẫn khiến nhiều người tâm trạng, đặc biệt với các thủy thủ trẻ.
Thuyền trưởng của tàu Tân Cảng Glory tiết lộ đã có lần khi tàu ghé cảng của Colombo vào đúng dịp tết Nguyên đán, anh vô tình thấy hai thủy thủ trẻ ngồi khóc. Khoảnh khắc đó khiến anh vô cùng bất ngờ.
Tuy vậy, anh thấu hiểu và đồng cảm bởi bản thân cũng từng trải qua những cảm xúc như thế. Chờ khi các thủy thủ ổn định cảm xúc, anh mới động viên, an ủi các đồng nghiệp.
Cũng không tránh khỏi những phút chạnh lòng trong dịp Tết đến xuân về, nhất là khi năm nay là lần đầu tiên anh Nguyễn Công Tùng, thủy thủy tàu Tân Cảng Glory đón Tết trên tàu. Từ lúc giáp Tết, ngó nghiêng mọi người ở nhà nô nức chuẩn bị năm mới trên mạng xã hội khiến nỗi nhớ nhà dâng lên trong anh dạt dào như sóng ngoài biển khơi.
Theo anh Tùng, anh mới xuống tàu cách đây không lâu và thời điểm đó, anh tự nhủ "chơi hết Tết rồi đi". Thế nhưng, công việc tới, anh cũng xách balo lên đường nhập tàu. Ban đầu, chàng thủy thủ sinh năm 1990 thấy hụt hẫng, nhưng anh vui vì được sự chỉ bảo, động viên của những người đồng nghiệp.
Không giấu được sự bỡ ngỡ lần đầu đón năm mới trên tàu, anh Tùng nhớ lại từ hôm 23 tháng Chạp, cúng ông Công ông Táo cũng đã cho anh trải nghiệm mới mẻ. Anh kể ngày này, các thuyền viên cùng nhau làm cỗ, gói bánh chưng.
"Do trên tàu không có cá chép nên thuyền trưởng đã photo một hình cá chép để cúng ông Công ông Táo. Tôi có nhiệm vụ hóa vàng cho cá chép", anh Tùng dí dỏm và cho biết, các tục lệ về ngày Tết trên tàu cũng giống trên bờ nên giúp anh nhanh chóng hòa nhập. Các thuyền viên cũng coi nhau như người thân nên anh đỡ nhớ nhà hơn.
Kéo biển lại gần bờ
Năm 2023, gia đình thuyền trưởng Nguyễn Ngọc Quân (Công ty TNHH MTV Vận tải Biển Đông) đón thêm thành viên mới.
Gia đình có con nhỏ, lại một mình vợ anh vừa chăm con, vừa sắm sửa, lo toan và trang hoàng nhà cửa trong dịp Tết. Điều này khiến người thuyền trưởng có phần bùi ngùi, thương vợ con.
Năm nay, lại một cái Tết nữa anh Quân phải xa nhà. Vốn tưởng với hàng chục năm đón Tết giữa đại dương, nhưng thuyền trưởng tàu Biendong Frighter vẫn đau đáu, thương bà xã ở nhà vất vả.
Cách đây mấy ngày gọi điện video về nhà, anh thấy vợ một tay ẵm con nhỏ, một tay cầm dây đèn nháy trang trí, rồi sắp xếp bày biện bàn thờ. Khi nào con buồn ngủ, chị lại ru ngủ rồi tiếp tục làm. Người con lớn đang học cấp 2 nhưng còn vụng về nên chỉ giúp mẹ được tới đâu hay tới đó.
"Vất vả là thế, chịu nhiều thiệt thòi mà cô ấy vẫn cười tươi, động viên tôi làm việc tốt và sớm về đoàn tụ với gia đình. Cơ bản gia đình vợ cũng có người đi tàu nên cô ấy hiểu và thông cảm cho nghề nghiệp của chồng", anh Quân chia sẻ.
Tuy ở xa, chạnh lòng vì không được ở bên người thân quây quần, xong với anh Quân, việc được kết nối và gọi điện về cho gia đình trong những ngày này vẫn hạnh phúc chán so với thời chưa có công nghệ.
Giờ đây, anh có thể ở giữa đại dương nhưng vẫn biết bà xã sắm cành đào như thế nào. Có công nghệ, anh thấy mình như vẫn ở cạnh gia đình.
"Hiện nay, nhiều tàu đã trang bị sóng Vsat của tàu. Bất cứ lúc nào, tôi cũng có thể gọi điện, gọi hình ảnh trực tiếp về nhà nên đỡ nhớ nhà hơn", anh Quân bộc bạch.
Người thuyền trưởng nhớ lại trước đây, anh có những cái Tết trên tàu không thể gọi điện về hỏi thăm gia đình. Đó là cái Tết năm 2007, khi anh làm thủy thủ cho một tàu dầu. Con tàu cập cảng ở Châu Phi vào đúng ngày 30 Tết.
Năm đó, ban chỉ huy và quản lý của tàu là người Ấn Độ, chỉ có phó 3 và các thợ máy, thủy thủ là người Việt Nam.
"Tàu vừa cập cầu, anh em thuyền viên mỗi người ôm cái cọc bích neo tàu ngẩn ngơ. Ai cũng nhớ nhà mà không thể liên lạc về vì thời đó, công nghệ thông tin chưa phát triển như hiện nay", anh chia sẻ. Sau cùng, anh em tự động viên nhau tụ tập ở câu lạc bộ để chơi trò chơi, vượt qua những cảm giác chênh vênh, hụt hẫng.
Dù vậy, anh khẳng định với các thuyền viên, dù mang tâm trạng như thế nào thì cũng phải hoàn thành công việc tốt nhất. Ngay sau đêm giao thừa và sáng mùng 1 Tết, tâm lý của các thủy thủ đều phải trở lại bình thường bởi với họ lúc này, điều quan trọng là con tàu luôn an toàn trên mọi hành trình.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận