Chuyện dọc đường

Thành phố văn minh, nghĩa tình kiểu gì?

10/08/2019, 06:59

Đường phố tiềm ẩn hiểm họa với du khách, người dân sợ bị "khủng bố" ngay trong chính nhà mình thì "văn minh" làm sao được?

img
Phở Hòa bị "khủng bố" bằng sơn, mắm tôm

Trong tuần qua có 2 sự việc tại TP Hồ Chí Minh được dư luận cả nước quan tâm. Đó là vụ quán phở Hòa ở đường Paster bị các đối tượng giang hồ dùng sơn, mắm tôm “khủng bố”. Đây là cách thức mà các nhóm xã hội đang sử dụng thường xuyên khi đi đòi nợ. Sự việc thứ hai là một cụ già người Nhật Bản bị người đạp xích lô ngang nhiên chiếm đoạt 2,9 triệu đồng cho một cuốc xe chưa đầy 1km.

Sau khi báo chí phản ánh, lực lượng chức năng đã vào cuộc quyết liệt. Công an đã bắt 5 đối tượng “khủng bố” quán phở Hòa. Cùng với đó tìm ra người đạp xích lô “chặt chém” du khách Nhật Bản. Sở Du lịch cũng đã xin lỗi và tặng vé khứ hồi để mời ông cụ quay trở lại TP.HCM du lịch với hy vọng du khách sẽ có được những trải nghiệm tốt hơn kỳ nghỉ có sự cố vừa qua. Những động thái trên là rất tốt, cho thấy chính quyền thành phố khá quyết liệt trong việc xử lý những sự việc khiến thành phố mất điểm.

Tuy nhiên, từ hai sự việc trên, người dân có quyền đặt câu hỏi, TP Hồ Chí Minh sẽ xây dựng thành phố “văn minh, hiện đại, nghĩa tình” kiểu gì khi ra đường là thấy rất nhiều chuyện bất cập.

Điều mà người dân mong muốn là phải ngăn chặn những sự việc tương tự, không để nó xảy ra chứ không phải chờ xảy ra rồi mới đi xử lý hậu quả. Chính quyền thành phố có làm được không?

Vấn nạn cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê… tồn tại bấy lâu này và ngày càng hoành hành với sự xuất hiện công khai của các băng nhóm đòi nợ trên phố. Nhiều cơ quan chức năng nói rằng việc phát hiện và xử lý vấn nạn này rất khó vì nói diễn ra âm thầm trong dân và do dân chủ động đi vay.

Tôi thì lại cho rằng điều này không khó. Công an Thành phố chỉ cần lập chuyên án, đánh mạnh vào một số tụ điểm, xử lý nghiêm các đối tượng là đủ sức răn đe ngay. Và người dân cũng dần cảnh tỉnh trước khi nhắm mắt đưa chân trở thành những con nợ trong tay các băng đảng. Những đường dây buôn bán ma túy, mại dâm xuyên quốc gia công an còn phá được thì những vụ việc này không hề khó.

Tình trạng “chặt chém”, quấy rối du khách, báo chí cũng phản ánh nhiều. Mặc dù cơ quan chức năng đã vào cuộc nhưng chỉ mang tính tượng trưng. Vấn nạn này vẫn tiếp tục công khai và nhức nhối hơn. Hãy dạo một vòng quanh các khu vực đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Du, quanh Dinh Độc Lập, Nhà thờ Đức Bà, Bảo tàng chứng tích chiến tranh…, đâu đâu cũng thấy cảnh người bán hàng rong, gánh dừa… đeo bám, chèo kéo khách du lịch. Chiêu trò của những người này là dụ cho khách du lịch gánh quang gánh để chụp hình lưu niệm. Sau khi chụp hình xong, họ sẽ chèo kéo bằng được du khách mua trái dừa để uống, nải chuối hay túi dứa để ăn. Giá một trái dừa bình thường chỉ hơn 10.000 đồng, nhưng tùy mặt khách mà có khi được giao giá tới cả trăm nghìn đồng.

Nếu nói xử lý những việc này quá khó thì thật không ai tin, bởi nó diễn ra công khai, ngày này qua ngày khác. Nếu nói đây là chuyện nhỏ, biết mà không xử lý triệt để thì thật vô trách nhiệm. Bởi chính những hành động nhỏ đó làm mất điểm của thành phố trong mắt du khách. Chỉ một ví dụ thội, tại sao Hội An làm được mà thành phố của ta không làm được?

Thành phố văn minh kiểu gì mà chủ quán bị “khủng bố” ngay trong nhà mình. Thành phố nghĩa tình kiểu gì mà du khách nước ngoài lâu lâu bị “chặt chém”, bị cướp giật ngay ở khu vực trung tâm?

Xây dựng thành phố “văn minh, hiện đại, nghĩa tình” là mục tiêu lớn của thành phố. Nhưng muốn làm được việc lớn, trước hết phải làm được những việc tưởng chừng như nhỏ này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.