Tiến độ phải kiểm soát chặt, chất lượng luôn phải đi đầu
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết trong năm 2022, lĩnh vực xây dựng cơ bản đối diện với nhiều khó khăn và thách thức nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn đạt nhiều dấu ấn.
Dẫn ví dụ dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, từ mưa lũ, bão giá vật liệu đến những biến động về xăng dầu, hạn mức của ngân hàng... xong vẫn cơ bản hoàn thành giai đoạn 2017-2020 và được thông xe vào cuối tháng 12 vừa qua.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ chỉ đạo tại Hội nghị
Đánh giá cao những nỗ lực đổi mới của Ban QLDA đường Hồ Chí Minh trong việc thay đổi tổ chức điều hành, đảm bảo tiến độ các dự án, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng khuyến nghị Ban cần tiếp tục thay đổi tư duy, nhận thức và trách nhiệm với công việc để tiếp tục hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Lãnh đạo Bộ GTVT đề nghị sau dự án Cam Lộ - La Sơn, đơn vị cần họp bàn lại những công việc đã làm được, những tồn tại để rút kinh nghiệm, tìm ra cách làm mới cho giai đoạn 2, lường trước những khó khăn khi triển khai dự án.
“Những tồn tại cần phải được nghiên cứu sâu để làm bài học kinh nghiệm cho những dự án sau này”, Thứ trưởng nhấn mạnh và khẳng định, 3 vấn đề lớn nhất với các dự án là: Tiến độ; chất lượng; phòng chống tiêu cực tham nhũng và thất thoát trong quản lý dự án.
“Phải kiểm soát chặt tiến độ, chất lượng cũng luôn phải đi đầu. Khi triển khai dự án, ngoài lựa chọn nhà thầu, phải tập trung công tác GPMB. Về nguồn vật liệu, cần đòi hỏi chi tiết và cụ thể, bám chặt vào các quy định hiện hành để thực hiện. Ai lơ là khâu nào sẽ phải chịu trách nhiệm”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nói, đồng thời lưu ý mối quan hệ giữa chủ đầu tư, ban QLDA, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế và nhà thầu thi công, đề nghị các đơn vị “phải thay đổi tận gốc mối quan hệ này trong vấn đề xây dựng”.
Hết 31/12, giải ngân được hơn 4.200 tỷ đồng
Trước đó, báo cáo tại Hội nghị, ông Lê Thanh Bình - Phó Giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho hay: Trong năm 2022, nhiều khó khăn như thời tiết có nhiều bất lợi, mưa nhiều và liên tiếp, cộng thêm giá cả nguyên, nhiên, vật liệu có thời điểm tăng đột biến, khan hiếm ảnh hưởng nhiều đến tiến độ, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trong 6 tháng đầu năm, một số nhà thầu chậm tiến độ,... nhưng ban đã cơ bản hoàn thành thi công dự án.
Ông Lê Thanh Bình – Phó Giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh
Trong đó, dự án La Sơn - Hoà Liên hiện đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng. Với dự án Nha Trang - Cam Lâm, phần nền đường đã cơ bản được thi công. Công tác triển khai thi công dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ, hiện ban cũng đã hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, thiết kế kỹ thuật,, lựa chọn nhà thầu xây lắp.
Coi dự án Cam Lộ - La Sơn là dự án trọng điểm trong năm 2022, ông Bình khẳng định Ban đã bám sát hiện trường đôn đốc tiến độ thi công, tích cực phối hợp với các địa phương giải quyết các tồn tại về công tác GPMB, nhằm quyết tâm hoàn thành dự án trong năm 2022.
“Hiện nay, địa phương đã triển khai di dời các công trình công cộng còn lại và cơ bản hoàn thành bàn giao mặt bằng trong tháng 12/2022, đảm bảo an toàn khi đưa dự án vào khai thác”, ông Bình cho hay.
Hiện tại, dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đoạn Cam Lộ - La Sơn cơ bản đã hoàn thành. Để đạt được kết quả này, lãnh đạo Ban QLDA đường Hồ Chí Minh nhấn mạnh đã đôn đốc quyết liệt, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc như cắt chuyển khối lượng của các nhà thầu chậm tiến độ, tranh thủ tối đa những ngày thời tiết thuận lợi, tăng ca, tăng kíp thi công bù khối lượng những ngày mưa,... để hoàn thành thảm bê tông nhựa toàn bộ tuyến chính vào 30/11/2022 và cơ bản hoàn thành dự án vào cuối tháng 12/2022.
Đối với dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, hiện đơn vị đang làm việc với địa phương để bàn giao nốt phần mặt bằng còn lại. Cùng đó, đôn đốc nhà đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công dự án. Năm 2022, thi công được khoảng 40% hợp đồng, đến nay cơ bản hoàn thành lớp nền đường, sản lượng toàn dự án đạt khoảng 60% hợp đồng.
Về công tác giải ngân, đến ngày 31/12/2022, Ban đã giải ngân được hơn 4.200 tỷ đồng, đạt 86,6% kế hoạch vốn được giao sau điều chỉnh. Dự kiến đến hết thời hạn giải ngân vốn 2022 (31/01/2023), giải ngân hơn 4.800 đạt 98,18% KH vốn được giao.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận