Phiên họp nhằm kiểm tra, đôn đốc các công việc sau phiên họp lần thứ 7 và bàn các giải pháp, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ các công trình, dự án ngành giao thông vận tải (GTVT).
Phiên họp được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa đầu cầu trụ sở Chính phủ với 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang có các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng cho biết: Từ phiên họp thứ 7 của Ban chỉ đạo đến nay, chúng ta đã khởi công cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang giai đoạn 1 đoạn qua địa phận tỉnh Tuyên Quang; khánh thành dự án cao tốc quốc lộ 45 – Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu…
Theo Thủ tướng, các thành viên Ban chỉ đạo đã đi kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nhất là khó khăn liên quan đến giải phóng mặt bằng, vật liệu xây dựng, bảo đảm tiến độ, nâng cao chất lượng các dự án.
"Chúng ta cũng đang chuẩn bị thủ tục để triển khai các dự án khác và xây dựng một số cơ chế, chính sách để giải quyết khó khăn, vướng mắc, trình Quốc hội xem xét, quyết định", Người đứng đầu Chính phủ nói.
Cũng từ sau phiên họp thứ 7 của Ban chỉ đạo, Thủ tướng đã có ba công điện để thúc đẩy các dự án, công trình quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT.
Thủ tướng nêu rõ, phiên họp nhằm nắm tình hình, chỉ đạo bảo đảm tiến độ triển khai các dự án, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo môi trường đầu tư thông thoáng không chỉ cho các dự án trong diện Ban chỉ đạo theo dõi mà còn cho các công trình giao thông khác để triển khai thời gian tới.
Ngày 10/10 vừa qua, Thủ tướng quyết định bổ sung thêm 10 công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT gồm các dự án đường bộ cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang; Hòa Liên - Túy Loan; Dầu Giây - Tân Phú; Tân Phú - Bảo Lộc; Bảo Lộc - Liên Khương; TP.HCM - Chơn Thành; Cao Lãnh - An Hữu; Mỹ An - Cao Lãnh.
Như vậy, đến nay, có 86 dự án/dự án thành phần trên địa phận 48 tỉnh, thành phố thuộc diện theo dõi của Ban chỉ đạo.
Theo ông, Chính phủ sẽ tập trung phân cấp, ủy quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi cho cấp dưới, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết, tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, nhiều đại biểu đã thảo luận và đề cập rất đúng về vấn đề này.
Trước đây, khi chúng ta chưa có nhiều tuyến đường, đặc biệt chưa có các tuyến cao tốc, Bộ GTVT có thể trực tiếp quản lý, hình thành các hạt quản lý đường bộ. Song đến nay, chúng ta đã có nhiều tuyến đường hơn, tới hàng chục nghìn km, thì phải đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền.
Thủ tướng lấy ví dụ, sau khi làm xong một tuyến đường thì Bộ GTVT có thể bàn giao cho địa phương quản lý, phát huy tính chủ động, sáng tạo, kịp thời của các địa phương.
Mặt khác, Thủ tướng cho rằng sắp tới cần nghiên cứu sửa đổi quy định về nguồn vốn từ ngân sách nhà nước (gồm ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương) đầu tư xây dựng các công trình GTVT theo hướng ai làm tốt nhất thì giao làm.
Vừa qua, Trung ương đã giao cho một số địa phương triển khai một số công trình giao thông và thực tiễn cho thấy địa phương đã làm rất tốt.
"Dù từ nguồn vốn Trung ương hay vốn địa phương, thì tuyến đường nào cũng là của đất nước ta" - người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận