Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Thủ tướng tại buổi làm việc với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và 19 tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước (do Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp làm đại diện chủ sở hữu) về việc triển khai sản xuất, kinh doanh năm 2024 và thúc đẩy đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
Phát triển chưa tương xứng
Thủ tướng cho rằng hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của 19 tập đoàn, tổng công ty còn chưa thực sự tương xứng với số vốn, tài sản đang nắm giữ; Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu chưa cao, đầu tư cho phát triển còn hạn chế. Trong đó, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư của các đơn vị này chỉ đạt 80% kế hoạch - thấp hơn mức bình quân của cả nước (95%).
Nguyên nhân do một số lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty, việc quản lý vốn của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chưa phát huy mạnh mẽ tính tích cực, chủ động, sáng tạo dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Bên cạnh đó, vướng mắc pháp lý còn nhiều, nhất là về đất đai, đầu tư công, phân cấp phân quyền; Chính sách đối với cán bộ làm kinh doanh, quản lý vốn còn bất cập, chưa phù hợp với tình hình thực tế; Hệ thống quản lý doanh nghiệp chưa phù hợp với kinh tế thị trường, còn nhiều cấp trung gian, gây ách tắc...
Năm 2024 là năm bản lề thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm ở giai đoạn 2021-2025, yêu cầu nhiệm vụ năm 2024 cao hơn, trong khi dự báo tình hình quốc tế, trong nước tiếp tục khó khăn.
Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và 19 tập đoàn, tổng công ty tập trung tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn về pháp lý liên quan về thuế, đất đai, bất động sản, nhà ở; Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào ba đột phá chiến lược của đất nước là thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực; Làm mới ba động lực tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng; Bổ sung các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ...
Tái cấu trúc các tập đoàn, tổng công ty
Thủ tướng cũng đề nghị cần tái cấu trúc các tập đoàn, tổng công ty theo các kế hoạch đã được phê duyệt. Trọng tâm là tái cấu trúc về quản trị, nâng cao chất lượng nhân lực; Tái cấu trúc về tài chính và tái cấu trúc về ngành nghề, nguyên vật liệu đầu vào, gắn với việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cắt giảm thủ tục hành chính, chủ động, tích cực hơn nữa, phát huy tinh thần tấn công mạnh mẽ, bản lĩnh, tự tin, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Về nhân sự, Thủ tướng yêu cầu bố trí đúng, trúng con người trên cơ sở căn cứ vào tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, quy định của Đảng, Nhà nước, bảo đảm công khai, dân chủ, khách quan, minh bạch.
Với các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng giao Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp khẩn trương trình Thường trực Chính phủ đề án cơ cấu lại Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), nhà máy đóng tàu Dung Quất trong quý I/2024.
Đáng chú ý, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu trong tháng 2 này, trình đề án tổng thể các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 giai đoạn 2021-2026.
Giao nhiệm vụ cho các Tập đoàn gồm Điện lực Việt Nam, Dầu khí Việt Nam, Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Xăng dầu Việt Nam, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu trong năm 2024, các đơn vị này phải bảo đảm cân đối về điện, xăng dầu, khí đốt. Còn Bộ Công thương cần đổi mới cơ chế quản lý đầu mối kinh doanh xăng dầu theo hướng giảm đầu mối, giảm khâu trung gian. Việc sửa đổi, bổ sung nghị định mới về xăng dầu cần khẩn trương trình chính phủ trong tháng 3.
Ngoài ra, Bộ Công thương còn được giao khẩn trương xây dựng giá điện khí, gió, mặt trời phù hợp cơ chế thị trường, trình Chính phủ trong quý II...
Về kết quả kinh doanh của Vietnam Airlines, đến hết năm 2023, vốn chủ sở hữu của hãng hàng không quốc gia âm gần 17.000 tỷ đồng, lỗ lũy kế vượt 40.000 tỷ.
Nợ vay tài chính của công ty ở mức gần 27.400 tỷ đồng...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận