Xã hội

Thường trực Ban Bí thư: Cán bộ vị trí càng cao càng phải gương mẫu về ATGT

06/07/2023, 17:18

Bà Trương Thị Mai, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương yêu cầu cán bộ giữ vị trí càng cao càng phải gương mẫu đảm bảo ATGT.

Phải có sự quyết tâm, giải pháp mạnh hơn, hiệu quả hơn

Sáng nay (6/7), Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai Chỉ thị 23 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) trong tình hình mới.

img

Bà Trương Thị Mai, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương.

Phát biểu kết luận hội nghị, bà Trương Thị Mai, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đánh giá cao ý nghĩa cũng như kết quả nổi bật trong 10 năm thực hiện Chỉ thị số 18; đánh giá cao sự vào cuộc của các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng trên cả nước nhằm bảo đảm TTATGT thời gian qua.

Bà Trương Thị Mai cho rằng, thực hiện tốt chủ trương tại Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 4/9/2012 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT, tình hình TTATGT có chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông (TNGT) đã giảm cả về số vụ, số người chết, số người bị thương so với 10 năm trước.

Đặc biệt, gần đây, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) phối hợp với các lực lượng được giao nhiệm vụ đã kiên quyết đẩy mạnh việc kiểm tra chấp hành pháp luật về giao thông.

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, trung bình mỗi ngày đã xử lý trên dưới 2.000 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn; tăng cường xử lý phương tiện giao thông vận tải quá khổ, vi phạm trọng tải, tốc độ, góp phần giảm 14,8% tỷ lệ TNGT, hơn 16% tỷ lệ người chết, 7,19% người bị thương.

"Đây là những chuyển biến mới, tích cực, góp phần tiếp tục hình thành văn hóa giao thông. Kết quả này không chỉ trực tiếp tác động đến đảm bảo TTATGT, mà đồng thời còn góp phần kéo giảm tội phạm do sử dụng rượu, bia", bà Trương Thị Mai khẳng định.

Đánh giá về thực tế TTATGT, bà Trương Thị Mai cho rằng, vấn đề này đang là nỗi lo của Đảng, Nhà nước và nhân dân, bởi đằng sau những con số về người tử vong, người bị thương là sự mất mát của nhiều gia đình.

"Đó là trẻ em bị mồ côi cha mẹ; đó là một bộ phận người bị thương tật. Trước những thực trạng này, phải có sự quyết tâm để có giải pháp mạnh hơn, hiệu quả hơn, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân", bà Mai nói.

img

Lực lượng CSGT tăng cường xử lý nghiêm vi phạm giao thông đã tạo chuyển biến mới, tích cực, góp phần tiếp tục hình thành văn hóa giao thông.

Nâng cao năng lực quản lý điều hành hệ thống giao thông thông minh

Bà Trương Thị Mai đề nghị, cần thực hiện đồng bộ những nhiệm vụ, giải pháp trong Chỉ thị số 23, nhất là trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; yêu cầu cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm và gương mẫu đối với vấn đề TTATGT.

"Nghiêm cấm mọi hành vi can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm pháp luật về giao thông trong chấp hành pháp luật, đảm bảo TTATGT, nhất là đối với cán bộ, đảng viên. Cán bộ giữ vị trí càng cao sẽ càng phải gương mẫu, có như vậy mới có thêm được động lực, tạo thêm thuận lợi cho công tác bảo đảm TTATGT, đáp ứng được yêu cầu của Đảng, nguyện vọng chính đáng của nhân dân", bà Trương Thị Mai nhấn mạnh.

Về ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn, bà Trương Thị Mai cho rằng, vấn đề này liên quan tới nhiều yếu tố, đòi hỏi phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo liên tục, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và phải có nguồn lực. Đề nghị các địa phương phải thực hiện nghiêm việc di dời trụ sở, trường học, bệnh viện, khu sản xuất lớn ra ngoài khu trung tâm; phải phát triển phương tiện giao thông vận tải công cộng; điều chỉnh quy mô dân số hợp lý.

"Tôi nghĩ, vấn đề này đang còn nhiều thách thức. Chẳng hạn như sự gia tăng về dân số, phương tiện giao thông, hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian qua tại các thành phố lớn. Hà Nội có khoảng trên dưới 9-10 triệu dân, nhưng có tới 7-8 triệu phương tiện giao thông, trong đó hơn 1 triệu ô tô; TP.HCM có 11-12 triệu dân, nhưng cũng có 8-9 triệu phương tiện giao thông, hơn 850 nghìn ô tô", bà Trương Thị Mai dẫn chứng và cho biết, hiện nay hạ tầng đang chịu áp lực rất lớn.

Để giải quyết ùn tắc giao thông, yêu cầu cần tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ; nâng cao năng lực quản lý điều hành hệ thống giao thông thông minh; sớm có giải pháp để hạn chế phương tiện cá nhân tại các thành phố lớn, qua đó góp phần giảm thiểu tình trạng ùn tắc và TNGT.

Bà Mai cũng yêu cầu, cần sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua hai dự án Luật là Luật Đường bộ và và Luật TTATGT đường bộ.

"Quá trình chuẩn bị hai dự án luật này để trình Quốc hội, rất mong các đồng chí quan tâm bổ sung chính sách của Nhà nước đối với TTATGT và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, quy định rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước, xây dựng quy hoạch mạng lưới giao thông", bà Trương Thị Mai đề xuất.

Đồng thời, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cũng nhấn mạnh, cần bổ sung sự tham gia của MTTQ, tổ chức chính trị xã hội, cộng đồng dân cư, các cơ sở giáo dục đào tạo, báo chí... để tuyên truyền, giáo dục về việc đảm bảo TTATGT khi xây dựng hai dự án luật này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.