Điện ảnh

Tiếc nuối của phim "Trịnh Công Sơn" vừa đột ngột rút khỏi rạp

15/06/2022, 19:30
image

Trong khi bản 136 phút "Em và Trịnh" vẫn giữ nguyên, bản phim "Trịnh Công Sơn" 95 phút chính thức bị khỏi rạp vì doanh thu kém.

Rời rạp vì doanh thu ảm đạm

Ngày 15/6, tất cả các cụm rạp của CGV, Galaxy, Lotte Cinema đồng loạt thông báo rút bản phim "Trịnh Công Sơn" 95 phút khỏi rạp vì doanh thu kém, kể từ ngày 17/6.

Trong khi đó, "Em và Trịnh" - bản 136 phút vẫn được giữ nguyên tại rạp và chính thức khởi chiếu vào ngày 17/6.

img

Trịnh Công Sơn (Avin Lu) và Dao Ánh (Hoàng Hà) thời trẻ

Theo thống kê của Box Office Vietnam, tính đến ngày 15/6, phim "Trịnh Công Sơn" ghi nhận mức doanh thu 1,6 tỷ đồng. Trong khi đó, "Em và Trịnh" đạt hơn 23 tỷ đồng.

Quyết định tung hai phiên bản điện ảnh về Trịnh Công Sơn, ra mắt cùng thời điểm của ê-kíp phim là điều chưa từng có trong lịch sử điện ảnh Việt.

"Trịnh Công Sơn" tập trung nội dung vào thời trẻ của nhạc sĩ (Avin Lu đóng). Phim tái hiện những năm nhạc sĩ sống trong chiến tranh, vượt khổ đau sáng tác những tình khúc bất hủ.

Từ đó, người hâm mộ được nhìn thấy hình ảnh Trịnh Công Sơn chưa từng kể, những niềm ưu tư dành cho những cảm xúc chớm nở trong lòng với Bích Diễm (Lan Thy), Dao Ánh (Hoàng Hà) và người tri âm Khánh Ly (Bùi Lan Hương).

Ở bản 136 phút, ngoài câu chuyện thời thanh xuân, phim có thêm tuyến truyện giữa Trịnh Công Sơn trung niên (Trần Lực) và Michiko Yoshii (Nakatani Akari).

Phim khắc họa chân dung nhạc sĩ gần gũi hơn, khi không còn ở đỉnh cao sự nghiệp, canh cánh nỗi lo cạn hứng sáng tác và mối tình lệch tuổi với nữ sinh Nhật Bản.

Điểm cộng từ những nhân tố mới

Ngay từ những thước phim đầu tiên, "Trịnh Công Sơn" đã gây xao xuyến bởi những thước phim đẹp đến nao lòng.

Từ những con đường mộng mơ xứ Huế, căn nhà có khung cửa sổ đầy chất thơ của gia đình họ Trịnh đến căn chòi nhỏ trên núi B'lao - nơi người nhạc sĩ dạy học cho đám trẻ.

img

Bùi Lan Hương trong tạo hình Khánh Ly

Ngay cả quán bar nho nhỏ nơi ông gặp Khánh Ly (Bùi Lan Hương) đều được bộ phận thiết kế thực hiện vô cùng kỳ công và đẹp mắt. Bức tranh đời sống âm nhạc những năm 1960-1970 có lẽ chưa tác phẩm nào thể hiện đẹp như "Trịnh Công Sơn".

Ngay từ khi công bố, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đã khiến giới làm nghề và khán giả phải phấn khích, tò mò khi mạnh dạn khai thác dựa trên câu chuyện về cuộc đời Trịnh Công Sơn - một dòng phim vốn thường bị né tránh.

Đó còn chưa kể, ai cũng phải choáng ngợp khi nhìn vào con số liên quan đến "Trịnh Công Sơn" và "Em và Trịnh".

Cụ thể, 50 tỷ đồng là tổng kinh phí đoàn phim chi cho "Trịnh Công Sơn" và "Em và Trịnh". Tác phẩm của Phan Gia Nhật Linh vốn được kỳ vọng khi có khâu chuẩn bị kỹ lưỡng với 5 năm thực hiện 40 diễn viên chủ chốt, 3.000 diễn viên quần chúng, 1.000 bộ trang phục trong suốt 65 ngày quay...

Trong khi đó, 39 là số ca khúc được thực hiện cho bộ phim - một điều chưa bộ phim điện ảnh Việt nào thực hiện được. , sống động về không gian, bối cảnh, trải dài từ Huế, Đà Lạt đến Sài Gòn.

Điểm nhấn trong "Trịnh Công Sơn" có lẽ là chuyện tình với hai nàng thơ nổi tiếng nhất trong cuộc đời nhạc sĩ họ Trịnh là Dao Ánh và Khánh Ly.

Cả hai đều là những nàng thơ nổi tiếng nhất của ông. Một người là “người tình âm nhạc” không thể thay thế, một người là tri kỷ mà Trịnh đã viết hơn 300 lá thư suốt những năm tháng “dệt mộng yêu thương”.

Ba diễn viên trẻ Avin Lu, Bùi Lan Hương (vai Khánh Ly) và Hoàng Hà (vai Dao Ánh) có sự kết hợp ăn ý khi thể hiện những mối quan hệ ấy.

Riêng Bùi Lan Hương và Hoàng Hà đã gây ấn tượng mạnh với khán giả ngay từ lần đầu chạm ngõ điện ảnh.

Nếu như Hoàng Hà mang lại sự tự nhiên, dễ chịu với cả ba hình ảnh: cô bé ngây thơ, hồn nhiên nhưng bạo dạn trong chuyện tình cảm; nàng thiếu nữ hết lòng vì một tình yêu vụng trộm; hay sự trưởng thành của người con gái bắt đầu lo toan cho một tương lai mờ mịt - thì Bùi Lan Hương lại là một "ca lạ" của "Trịnh Công Sơn".

Không ngoa khi nói, nếu không phải Bùi Lan Hương sẽ không ai tái hiện được một Khánh Ly chân thực đến thế, tính đến thời điểm hiện tại.

Từ ngoại hình, đến khí chất và cả nét "buồn tự nhiên" mà Trịnh Công Sơn đã dùng để miêu tả Khánh Ly đã được Bùi Lan Hương thuyết phục khán giả khó tính nhất.

Mà nói như đạo diễn Bảo Nhân: "Bùi Lan Hương diễn như không diễn. Hương có đôi mắt như chứa bầu trời cảm xúc bên trong. Là ca sĩ đóng phim duy nhất mà khán giả không nhiều nghi ngại. Bùi Lan Hương nghiêm túc và có suy nghĩ rõ ràng cho vai diễn của mình".

Phim về một nhạc sĩ, âm nhạc vừa là điểm mạnh, vừa là yếu tố có thể khiến phim bị mất điểm. Nhưng với "Trịnh Công Sơn" âm nhạc đã trở thành linh hồn của tác phẩm dưới bàn tay của "phù thủy âm nhạc" Đức Trí.

Âm nhạc lúc được vang lên trực tiếp qua tiếng hát diễn viên, khi văng vẳng từ những đĩa than, đài radio. Khi thì là những lời hát thô mộc, lúc lại miên man trong những điệu nhạc không lời.

img

Hoàng Hà trong tạo hình nàng thơ Dao Ánh của Trịnh Công Sơn

"Trịnh Công Sơn" khép lại như một thước phim ngắn gọn về giai thoại cuộc đời của một nghệ sĩ tài hoa.

Trịnh Công Sơn từ một chàng trai lãng mạn tuổi hoa niên đến một người đầy những trăn trở cuộc đời và cuối cùng của người đàn ông bình thản chấp nhận cái buồn như một lẽ hiển nhiên: “Còn gì đau khổ hơn khi người ta xem khổ đau là chuyện bình thường em nhỉ?”.

Đáng xem, nhưng chưa... "đã"

95 phút để tua nhanh về cả chục năm đằng đẵng của của một người nghệ sĩ, việc khán giả cảm thấy mạch phim hơi gấp gáp là điều khó tránh khỏi.

Trong 95 phút, đạo diễn nỗ lực xây dựng cùng lúc ba chân dung nhạc sĩ: Trải đời ở tuổi trung niên, nồng nhiệt vào thuở thanh xuân và chuộng hòa bình giữa thời bom đạn. Tuy nhiên, các tuyến truyện không được khai thác kỹ, việc chuyển mạch liên tục khiến câu chuyện bị lưng chừng.

img

Avin Lu (phải) chưa thể hiện rõ "chất" Trịnh Công Sơn trên màn ảnh

Nhưng, tiếc nuối lớn nhất của "Trịnh Công Sơn" có lẽ là Avin Lu trong vai Trịnh Công Sơn thời trẻ. Dù rất nỗ lực và có nhiều đất diễn, nhưng nam diễn viên sinh năm 1995 vẫn chưa lột tả trọn vẹn được tính cách của một chàng Trịnh kiệm lời nhưng rất đa cảm.

Trên màn ảnh, khán giả lại thấy một Trịnh Công Sơn rất khác thông qua Avin Lu. Trịnh Công Sơn trên màn ảnh là một chàng trai với cánh mắt đờ đẫn khi nhìn Bích Diễm, Dao Ánh rồi Thanh Thúy...

Trong khi đó, những cảm xúc khi thì đơn phương, thất vọng, lúc nhung nhớ, sâu đậm và nồng cháy và cũng có khi nhẹ nhàng, âu yếm bên mình như tri kỷ lại chính là chất liệu để Trịnh Công Sơn cho ra đời nhiều bản nhạc tình kinh điển, âm vang đến tận ngày nay.

img

Về tổng thể, có thể còn đâu đó những tiếc nuối, song, "Trịnh Công Sơn" vẫn là một thước phim đẹp, nên xem về người nhạc sĩ vĩ đại của nền âm nhạc Việt Nam.

Đặc biệt, khi "Diễm xưa", "Tuổi nào cho em", "Ca khúc da vàng"... vang lên trong rạp phim trở thành chuyến tàu du hành ngược thời gian về cả một quãng thời tuổi trẻ rực rỡ, diễm tình nhưng cũng đầy tiếc nuối.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.