Chuyện dọc đường

Tiền ngân sách sao chi tiêu dễ thế?

24/04/2022, 22:11

Công trình đã phải dỡ bỏ, vậy số tiền ngân sách đã bỏ ra thi công xử lý thế nào? Có ai phải chịu trách nhiệm hay không?

Đến trưa 24/4, công trình trang trí 1,5 tỷ thi công không phép tại cầu Đại An ở Quảng Trị đã bắt đầu được các công nhân đội nắng, vã mồ hôi tháo dỡ.

Đây là dự án trang trí lại cầu Đại An có kinh phí 1,5 tỷ đồng, do Trung tâm phát triển công nghiệp dịch vụ khuyến công và dịch vụ công ích TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị làm chủ đầu tư.

img

Có ý kiến cho rằng, những thanh sắt dựng trên cầu Đại An không khác gì... những song sắt nhà tù!

Trước đó, người dân không khỏi ngỡ ngàng khi thấy cầu Đại An được “khoác tấm áo mới” với hình thù "kỳ quái".

Theo đó, dọc 2 bên lan can cầu, đơn vị thi công đã cho lắp đặt, trang trí thêm các thanh sắt, có hình dáng khá lạ lùng. Điều này đã làm người dân địa phương và cộng đồng mạng bàn luận sôi nổi.

Trong đó chủ yếu là các ý kiến bày tỏ sự không hài lòng về việc trang trí cây cầu đẹp thành cây cầu “dị dạng”. Thậm chí có ý kiến cho rằng, những thanh sắt dựng lên không khác gì những song sắt nhà tù!

Nhiều người cũng cho rằng ngân sách phải bỏ tiền tỷ ra để làm một việc chẳng khác nào “thừa giấy vẽ voi”, không dưng làm mất mỹ quan vốn có của cây cầu là rất khó chấp nhận.

Dù sau đó đại diện chủ đầu tư đã lên tiếng giải thích rằng ý tưởng của dự án nhằm mục đích ban đêm, đèn được gắn ở các đầu thanh sắt hắt xuống hồ Đại An, nhưng dư luận vẫn không thấy thuyết phục, tiếp tục chê “tơi bời”.

Điều đáng nói là công trình trang trí này cũng bị phát hiện thi công trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

Trước nhiều ý kiến trái chiều, công trình đã buộc phải tháo dỡ.

img

Đơn vị thi công tháo dỡ hạng mục trang trí trên cầu Đại An vào sáng 24/4

Vấn đề được đặt ra qua sự việc này là, số tiền ngân sách đã bỏ ra để thực hiện dự án xử lý thế nào? Những người có trách nhiệm có bỏ tiền túi ra đền bù, hay cuối cùng lại “hoà cả làng”?

Ngoài công trình nói trên, tại TP Đông Hà cũng vừa “lộ diện” thêm “công trình trang trí cổng chào đèn led ngang đường Thanh niên” thi công khi chưa được cấp phép và đang phải tạm dừng.

Công trình này có tổng mức đầu tư gần 800 triệu đồng, do Trung tâm Văn hóa thông tin - Thể dục Thể thao thuộc UBND TP Đông Hà làm chủ đầu tư.

Sự việc ở Quảng Trị lại khiến nhiều người nhớ đến câu chuyện ồ ạt xây cồng chào ở An Giang. Tại đây, có những cổng chào xây cách nhau chỉ 500 mét. Có cổng chào 7 tỷ đồng nhưng người dân ai cũng chê “vừa xấu, vừa đắt’.

Hay tại thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum, năm 2021, địa phương này đã đầu tư xây dựng 13 cổng chào, cổng điện tử mới với tổng số vốn hơn 21 tỷ đồng.

Trong số này, có 5 cổng chào nằm trên đường Hồ Chí Minh được xây trái phép. Thậm chí, vi phạm đã được phát hiện ngay từ khi đổ móng công trình, song không hiểu sao những cổng chào này vẫn tiếp tục được xây.

Sau đó, cơ quan chức năng đã ban hành 5 quyết định xử phạt hành chính, buộc yêu cầu phải tháo dỡ. Dù vậy, đến nay việc này cũng chưa được thực hiện.

Và cũng không rõ sẽ có ai phải chịu trách nhiệm về việc tiền tỷ của ngân sách đã được chi tiêu một cách lãng phí như vậy hay không?

Chẳng lẽ, tiền ngân sách- thực chất là tiền thuế của dân- lại có thể được sử dụng một cách dễ dàng, thoải mái như vậy?

img

Vụ TNGT 3 người chết ở Quảng Bình: Tài xế vẫn trong phòng mổ, vợ chưa biết

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.