Kinh tế

Tiếp tục đấu thầu vàng miếng với giá đặt cọc 88 triệu đồng/lượng

13/05/2024, 17:04

Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức phiên đấu thầu vàng miếng SJC tiếp theo vào ngày mai (14/5). Giá tham chiếu để tính giá đặt cọc là 88 triệu đồng/lượng.

Đấu thầu 16.800 lượng vàng SJC 

Theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước, phiên đấu thầu vàng miếng sẽ được tổ chức vào lúc 9h30 sáng thứ Ba (14/5), tại Cục Dự trữ và Quản lý ngoại hối. Khối lượng vàng miếng SJC dự kiến đấu thầu là 16.800 lượng.

Tuy nhiên, phiên đấu thầu này sẽ có một số thay đổi đáng kể so với các phiên trước đó. Giá tham chiếu để tính giá đặt cọc là 88 triệu đồng/lượng. Mức giá tham chiếu này cao hơn 2,7 triệu đồng so với giá tham chiếu của phiên đấu thầu gần nhất diễn ra sáng 8/5.

Tiếp tục đấu thầu vàng miếng với giá đặt cọc 88 triệu đồng/lượng- Ảnh 1.

Tiếp tục đấu thầu 16.800 lượng vàng SJC vào ngày mai 14/5.

Thành viên tham gia đấu giá sẽ phải đặt cọc 10% giá trị khối lượng đăng ký (theo giá tham chiếu).

Khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu là 5 lô (tương đương 500 lượng), thấp hơn 2 lô (200 lượng) so với quy định tại các phiên đấu thầu trước đó.

Khối lượng đấu thầu tối đa một thành viên được phép đặt thầu là 40 lô (tương đương 4.000 lượng), nhiều hơn 20 lô (2.000 lượng) so với quy định tại các phiên đấu thầu trước đó.

Bước giá dự thầu là 10.000 đồng/lượng, bước khối lượng dự thầu là 1 lô (100 lượng).

So với các phiên đấu thầu lần trước, Ngân hàng Nhà nước đã có những thay đổi đáng kể về khối lượng tối thiểu và khối lượng tối đa của mỗi thành viên dự thầu.

Trước đó, phiên đấu thầu vàng miếng SJC gần nhất diễn ra sáng 8/5 (cũng là phiên thứ hai đấu thầu thành công) với 3 thành viên trúng thầu, tổng khối lượng trúng thầu 34 lô (3.400 lượng). Giá đấu trúng thầu duy nhất trong phiên này là 86.050.000 đồng/lượng.

Sau hai phiên đấu thầu thành công, đã có 6.800 lượng vàng miếng SJC được cung ứng ra thị trường thông qua hình thức đấu thầu.

Ngày 13/5, Giá vàng miếng SJC đảo chiều tăng mạnh 2,5 triệu đồng lượng sau khi lao dốc vào đầu giờ sáng, vượt 90,5 triệu đồng/lượng (bán ra). Đến 14h, giá vàng 9999 của SJC quay đầu giảm 500 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra, về mức 90 triệu đồng/lượng (bán ra).

"Sẽ sửa nghị định 24"

Giải trình làm rõ vấn đề này trong phiên thảo luận báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước diễn ra sáng 13/5, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, những năm gần đây, do ảnh hưởng dịch Covid-19 và lạm phát tăng cao nên giá vàng quốc tế tăng mạnh, khiến giá vàng trong nước tăng theo.

Đáng chú ý, từ năm 2022 trở lại đây, thị trường vàng trong nước bộc lộ hạn chế, chênh lệch giá trong nước và quốc tế duy trì ở mức cao.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước giải thích nguyên nhân chênh lệch giá trong nước cao so với quốc tế do giá thế giới tăng khi kim loại quý trong nước phụ thuộc thị trường quốc tế. Cùng đó, nguồn cung vàng trong nước hạn chế.

Về giải pháp, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục đấu thầu vàng với khối lượng phù hợp để tăng cung cho thị trường. Việc này nhằm ổn định giá, giảm chênh lệch giữa giá trong nước và thế giới.

Bên cạnh việc tăng biện pháp hỗ trợ quản lý thị trường vàng, Phó thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết sẽ thanh tra doanh nghiệp, tổ chức tín dụng kinh doanh, mua bán vàng miếng; chỉ đạo doanh nghiệp kinh doanh chấp hành nghiêm quy định về hóa đơn thanh toán, kiểm soát giao dịch mua bán vàng.

Ngân hàng Nhà nước cũng phối hợp cùng Bộ Công an, Bộ Công thương… kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi buôn lậu, đẩy giá vàng lên cao.

Theo ông Hà, giá vàng trong nước đã chuyển biến khi mở cửa phiên giao dịch ngày 13/5, giảm 3 triệu đồng so với tuần trước. Dự kiến ngày mai, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tổ chức đấu thầu vàng miếng.

Về lâu dài, Ngân hàng Nhà nước sẽ đề xuất thêm giải pháp quản lý thị trường vàng, trong đó sẽ sửa Nghị định 24.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.