Xe buýt bị kẹt cứng giữa vòng vây xe gắn máy |
Bất cứ thời điểm nào trên các tuyến đường của TP.HCM hiện nay đều có thể nhận thấy xe máy chiếm đến 90% phương tiện lưu thông trên đường. Xe buýt bị “bao vây” giữa một rừng xe máy. TS. Lương Hoài Nam cho rằng, khi xe máy là phương tiện giao thông đô thị chính với trên 90%, nó trở thành yếu tố kìm hãm, cản trở sự phát triển của GTCC. TP.HCM với số lượng phương tiện bình quân trên 1km đường với 2.000 xe máy, 140 xe ô tô các loại, xe buýt không còn đường thông thoáng để chạy nhanh, đúng giờ, an toàn.
“Khi xe buýt không chạy nhanh, đúng giờ, an toàn sẽ không trở thành lựa chọn ưu tiên của người dân. Xe buýt gây tai nạn với người đi xe gắn máy thì bị coi là “hung thần” đường phố. Không ai có thể phát triển nổi thứ bị gọi là “hung thần” đó. Điều này khiến người dân bỏ xe buýt để đi xe cá nhân”, TS. Nam nói.
"Cần ban hành lộ trình hạn chế xe máy hoạt động theo tuyến, theo khu vực, tiến tới năm 2030 sẽ dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận của TP.HCM”. TS. Lê Đỗ Mười |
Cấm xe máy, dân đi bằng gì? Đây là câu hỏi mà nhiều người đặt ra. Cấm xe máy phải phát triển mạnh GTCC. Nhưng loại hình GTCC nào có thể thay thế xe máy? Muốn loại bỏ xe máy phải có metro, tàu điện mặt đất? Theo TS. Lương Hoài Nam lập luận này không đúng, bởi nhiều thành phố ở Trung Quốc, Yangon (Myanma) đã cấm xe máy khi chưa có metro.
Những nước như Singapore, Hong Kong có mạng lưới metro, tàu điện mặt đất lớn cũng chỉ trên dưới 10 tuyến và 150 bến, không thể phủ kín để thay thế xe cá nhân được. Đối với khả năng tài chính của nước ta và đơn giá đầu tư metro cao tới 140 triệu USD/km và tổng đầu tư toàn mạng trên dưới 30 tỷ USD, metro là loại hình GTCC quá tốn kém và chỉ có thể đầu tư dần dần. Số tiền 3 tỷ USD có thể đầu tư 30.000 xe buýt phủ kín thành phố, nhưng chưa đủ để làm 30km đường metro. Thậm chí, khi đã có metro, tàu điện mặt đất, loại hình này cũng chỉ chạy ở các trục chính, không thể vào tận các khu dân cư.
Để phủ kín giao thông toàn thành phố họ đã lấy xe buýt để thay xe cá nhân. Với hàng trăm tuyến đường, hàng nghìn bến, khoảng cách giữa các bến chỉ dưới 1km (15 phút đi bộ). “Vì vậy, cần đặt vấn đề là lấy xe buýt thay thế xe máy trên diện rộng. Lấy tàu metro, tàu điện mặt đất thay thế xe buýt trên các tuyến trục chính”, TS. Lương Hoài Nam nói.
Trong kế hoạch giảm ùn tắc giai đoạn 2016 - 2020, cùng với việc hạn chế xe máy, TP.HCM đã đưa ra các kế hoạch phát triển GTCC. Cụ thể, sẽ tiến hành rà soát và tối ưu hóa mạng lưới VTHKCC để hình thành mạng lưới xe buýt liên thông và phủ khắp. Phấn đấu đến năm 2020 sẽ có khoảng 200 - 220 tuyến xe buýt kết nối các khu dân cư mới, các tuyến đường chưa có xe buýt, kết nối ngoại thành... Tiếp tục đổi mới phương tiện xe buýt, đến năm 2020 có 5.239 xe theo hướng thân thiện môi trường. Nâng cao chất lượng phục vụ, đặc biệt là thái độ, cung cách phục vụ của tài xế, nhân viên. Thực hiện thí điểm một số tuyến đường có bố trí làn đường dành riêng hoặc ưu tiên cho xe buýt như: Võ Thị Sáu, Điện Biên Phủ, xa lộ Hà Nội...
Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, việc thí điểm làn đường dành riêng cho xe gắn máy ở hai tuyến đường Võ Thị Sáu, Điện Biên Phủ đang được sở phối hợp với các đơn vị nghiên cứu kỹ và báo cáo UBND thành phố trước khi có kế hoạch triển khai.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận