Tất bật thi công, nên hình hài
Một buổi chiều cuối tháng 8, công trường thi công dự án cầu Rạch Đỉa (huyện Nhà Bè, TP.HCM) vẫn rất hối hả, khẩn trương. Tiếng máy móc rền vang, các công nhân, kỹ sư, tư vấn giám sát công trình… ai nấy đều tất bật.
Cầu Rạch Đỉa đang thi công trụ cầu và bản mặt cầu cuối cùng.
Dừng tay giải lao, ông Trần Văn Tám, một công nhân thi công chia sẻ: "Hiện chúng tôi đang làm móng đường, tường chắn và phần vỉa hè, mặt đường. Để dự án về đích cuối năm, công nhân chia ca, làm hết công suất. Công việc nặng nhọc nhưng nghĩ đến việc người dân sắp được đi trên cây cầu mới, thoát cảnh kẹt xe, ai cũng thấy vui.
Được biết, đến nay cầu Rạch đĩa đã hoàn thành 9/10 mố trụ cầu, lao lắp dầm 7/9 nhịp cầu, hoàn thành 5/9 nhịp bản mặt cầu; đang thi công trụ cầu, bản mặt cầu còn lại. Về phần đường dẫn, dự án đã hoàn thành xử lý nền đường, sàn giảm tải, cống thoát nước. Tổng sản lượng công trình đã đạt khoảng 80%.
Tương tự, tại công trường xây dựng cầu Phước Long (huyện Nhà Bè), cầu Bà Hom, Tân Kỳ - Tân Quý (quận Bình Tân) hay cầu Nam Lý… không khí thi công cũng đang rất khẩn trương.
Bà Thu Lành, một người dân sống gần cầu Tân Kỳ - Tân Quý cho biết, ngày nào bà cũng đi qua cây cầu tạm bên cạnh cầu mới đang xây dựng. Mỗi lần đi qua đây, bà đều háo hức quan sát xem công nhân đang làm gì, cây cầu có thêm được hạng mục nào.
"Người dân trông mong từng ngày thông xe cầu mới để bớt tình trạng kẹt xe. Sắp vào năm học, người dân càng ngóng hơn. Trước đây, cứ vào giờ cao điểm, học sinh tới trường hoặc về nhà đều kẹt cứng, khổ sở lắm", bà Lành chia sẻ.
Số phận "lận đận" của những cây cầu
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho biết, trong năm 2024, một loạt cây cầu kết nối giao thông quan trọng tại TP.HCM sẽ hoàn thành, thông xe.
Nhiều cây cầu bị "đắp chiếu" nhiều năm đang được gấp rút thi công để về đích trong năm 2024.
Cụ thể là các cầu Phước Long, Rạch Đỉa (huyện Nhà Bè), cầu Bà Hom, Tân Kỳ - Tân Quý (quận Bình Tân), cầu Nam Lý, Bà Dạt, Giồng Ông Tố 2 (TP Thủ Đức).
Riêng cầu Ông Bồn và Tăng Long sẽ thông xe trước một đơn nguyên.
Theo ông Phúc, đây hầu hết đều là những cây cầu phải tạm ngừng thi công nhiều năm để chờ mặt bằng.
Trong đó, cầu Nam Lý (thay thế đập Rạch Chiếc) khởi công lần đầu vào tháng 10/2016, tạm ngừng thi công vào năm 2019, tái khởi công vào tháng 4/2023; cầu Bà Hom, cầu Tân Kỳ - Tân Quý khởi công năm 2018 rồi tạm ngừng, đến cuối năm 2023 mới được khởi động trở lại.
Tương tự, cầu Phước Long theo kế hoạch thực hiện giai đoạn 2016 - 2019. Tuy nhiên, đến tháng 2/2020, khi đã thi công xong một số trụ cầu lại phải "đắp chiếu" vì vướng mặt bằng.
Dự án này phải nằm chờ thêm 4 năm để khởi công trở lại (tháng 7/2023).
Hai dự án cầu Tăng Long và Ông Nhiêu (TP Thủ Đức) cũng mất 7 năm "đứng hình" sau khởi công, được Ban tiếp nhận, gỡ vướng và tái khởi công trong tháng 9/2023.
Thông mặt bằng, chỉ vài tháng là xong
Ông Lương Minh Phúc cho biết thêm, thông thường các đơn vị sẽ vừa thực hiện các gói thầu không vướng mặt bằng (các hạng mục trên mặt nước), vừa thực hiện giải phóng mặt bằng để làm đường dẫn hai bên cầu.
Theo kế hoạch, khi xong các hạng mục không vướng mặt bằng, cũng sẽ hoàn thành việc di dời nhà dân, giao mặt bằng sạch.
"Tuy nhiên trên thực tế, tiến độ giữa hai phần việc này không khớp, công tác giải phóng mặt bằng thường phát sinh vướng mắc, dẫn đến việc thi công dang dở rồi phải tạm dừng", ông Phúc lý giải về số phận của những cây cầu.
Từ những khó khăn trên, chủ đầu tư đặt ra mục tiêu tập trung tháo gỡ mặt bằng, đồng hành trong tất cả các khâu cùng địa phương.
Nhờ đó, hàng loạt cây cầu bị "đắp chiếu" nhiều năm được thi công gấp rút để về đích trong năm 2024.
"Chỉ cần có mặt bằng, chậm nhất trong 8 tháng, nhà thầu sẽ hoàn thành các hạng mục còn lại và đưa công trình vào sử dụng.
Những công trình cầu đường đang tăng tốc đề về đích cuối năm nay đã chứng minh điều đó.
Chúng tôi phấn đấu không lặp lại điệp khúc như trước đây là phải dừng chờ mặt bằng, không biết ngày nào hoàn thành", ông Phúc khẳng định.
Cầu Nam Lý trên đường Đỗ Xuân Hợp (TP Thủ Đức) dài 450m, chia làm hai nhánh rộng 20m và đường dẫn dài 300m, rộng 30 - 37m. Công trình có tổng vốn 919 tỷ đồng.
Cũng trên địa bàn TP Thủ Đức, cầu Tăng Long trên đường Lã Xuân Oai dài 680m (phần cầu dài 231m) do chậm tiến độ khiến tổng mức đầu tư án từ 450 tỷ đồng tăng lên 688 tỷ đồng.
Cầu Phước Long trên đường Phạm Hữu Lầu (nối quận 7 và huyện Nhà Bè) dài 380m, tổng vốn đầu tư gần 398 tỷ đồng, sau tăng lên 748 tỷ đồng. Cầu giúp giảm tải cho cầu Phú Xuân 2 trên đường Huỳnh Tấn Phát
Cầu Rạch Đỉa nối quận 7 và huyện Nhà Bè trên đường Lê Văn Lương tổng mức đầu tư hơn 512 tỷ đồng, giúp giảm tải cho cầu Rạch Đỉa 2 trên đường Nguyễn Hữu Thọ, giảm kẹt xe tại nút giao Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh.
Cầu Bà Hom trên Tỉnh lộ 10 (quận Bình Tân) tổng vốn khoảng 374 tỷ đồng. Nằm ở cửa ngõ phía Tây, cầu Bà Hom hoàn thành giúp giảm kẹt xe trên tỉnh lộ 10, kết nối giao thông với tỉnh Long An.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận