Quản lý

TP.HCM sẽ có trung tâm dịch vụ logistics tầm cỡ khu vực

06/09/2023, 10:32

Bộ GTVT đưa ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nhằm phát triển hạ tầng giao thông của TP.HCM.

TP.HCM sẽ có trung tâm dịch vụ logistics tầm cỡ khu vực - Ảnh 1.

Bộ GTVT tập trung phát triển đồng bộ dịch vụ hỗ trợ vận tải, vận tải đa phương thức, nâng cao chất lượng dịch vụ logistics ở TP.HCM (Ảnh minh họa).

Hiện đại hóa hạ tầng, phát triển vận tải

Ban cán sự Đảng bộ GTVT vừa ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 31 ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiện vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết 87 ngày 2/6/2023 của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 31/2022 của Bộ Chính trị.

Về hạ tầng, Bộ GTVT sẽ tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành các dự án trọng điểm vào năm 2026 như: cao tốc Bến Lức - Long Thành; nhà ga T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch thuộc Vành đai 3 TP.HCM.

Cùng đó, đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương; phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy nhanh chuẩn bị đầu tư mở rộng đoạn cao tốc TP.HCM - Long Thành. Nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành, TP.HCM - Cần Thơ; đoạn ưu tiên Nha Trang - TP.HCM thuộc tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Bộ GTVT cũng sẽ phối hợp, hỗ trợ TP.HCM và các địa phương đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án đường Vành đai 3 TP.HCM và các tuyến đường có tính chất kết nối nội vùng, liên vùng đầu tư bằng nguồn vốn địa phương; chuẩn bị đầu tư dự án đường Vành đai 4 TP.HCM, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài theo quy hoạch đã được phê duyệt và đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch.

Bộ GTVT sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành hoạt động vận tải, áp dụng công nghệ vận tải tiên tiến, phát triển đồng bộ dịch vụ hỗ trợ vận tải, vận tải đa phương thức, nâng cao chất lượng dịch vụ logistics ở TP.HCM.

Về vận tải, Bộ GTVT sẽ tập trung đầu tư phát triển hạ tầng vận tải hành khách, hạ tầng logicstics, nâng công suất bốc dỡ và kho chứa cảng biển, đón đầu các chuỗi cung ứng, hình thành trung tâm cung ứng dịch vụ logicstics tầm cỡ khu vực; Từng bước cơ cấu lại thị phần, ưu tiên phát triển thị phần vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không nhằm giảm áp lực cho vận tải đường bộ. 

Bộ GTVT cũng sẽ ưu tiên thực hiện các giải pháp khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ vận tải công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cả nhân để hạn chế ùn tắc giao thông; đẩy mạnh việc chuyển đổi phương tiện giao thông đường bộ từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng xanh để giảm ô nhiễm môi trường.

Hoàn thiện thể chế, đa dạng nguồn lực đầu tư

Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, Bộ GTVT tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách, trong đó phối hợp với UBND TP.HCM xây dựng "Đề án thúc đẩy liên kết vùng, phát huy vai trò nòng cốt, đầu tàu của thành phố trong liên kết phát triển nhằm thực hiện các đột phá chiến lược về phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo động lực, không gian phát triển mới cho vùng Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long và các khu vực, địa phương trong cả nước".

Bộ GTVT sẽ nghiên cứu, cập nhật Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn năm 2050.

Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với TP.HCM và các địa phương trong lập quy hoạch có tính chất kỹ thuật, đảm bảo tích hợp các quy hoạch ngành vào quy hoạch địa phương; gắn kết giữa phát triển GTVT với các ngành công nghiệp, dịch vụ, logistics, phát huy tiềm năng thế mạnh của thành phố.

Về nguồn lực, Bộ GTVT ưu tiên bố trí và phân bổ hợp lý nguồn vốn từ ngân sách nhà nước kết hợp với đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội cho các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông TP.HCM, nhất là hình thức đối tác công tư (PPP).

Cùng đó, tiếp tục thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA, nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ quốc tế; huy động vốn ngoài ngân sách để đầu tư các trung tâm logistics, cảng cạn gắn với các đầu mối vận tải lớn, đường sắt đô thị.

Để phát huy tính chủ động, phát huy tối đa mọi nguồn lực trong phát triển giao thông của thành phố, Bộ GTVT cũng se tiếp tục tham mưu tăng cường phân cấp, phân quyền cho TP.HCM trong đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông do Trung ương quản lý. Bên cạnh đó, phối hợp với địa phương trong xúc tiến đầu tư mạng lưới đường sắt kết nối vùng TP.HCM.

Chương trình hành động của Bộ GTVT nhằm cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của các nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ với những nhiệm vụ, giải pháp thiết thực gắn với kế hoạch tổ chức thực hiện theo lộ trình cụ thể.

Đây cũng là căn cứ để cấp ủy đảng, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, phấn đấu cao nhất đạt được mục tiêu Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ đã đề ra.

Đồng thời, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và quyết tâm chính trị của cán bộ, đảng viên, người lao động ngành GTVT về vị trí, vai trò của TP.HCM là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, có sức lan tỏa thúc đẩy phát triển vùng Đông Nam Bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.