Vận tải

TP.HCM: Thu phí sử dụng vỉa hè, lòng đường có nên không?

10/02/2023, 13:00

Sở GTVT TP.HCM vừa có dự thảo đề án thu phí sử dụng tạm một phần lòng đường, vỉa hè. Trước vấn đề này có người đồng ý, người còn băn khoăn...

Vỉa hè dành cho người… bán hàng!

img

Hầu hết vỉa hè trên các tuyến đường ở TP đều bị chiếm dụng buôn bán. Ảnh: Đỗ Loan

Ghi nhận của PV Báo Giao thông trên hàng loạt tuyến đường ở TP Thủ Đức, các tuyến đường trung tâm quận 1, quận 3... phần lớn bị chiếm dụng vỉa hè, lòng đường để buôn bán, giữ xe.

Đơn cử như đường Đỗ Xuân Hợp, Nguyễn Duy Trinh, Võ Văn Ngân, Tô Ngọc Vân… (TP Thủ Đức), đây là những tuyến đường khá hẹp, vỉa hè nhỏ nhưng vẫn bị người dân lấn chiếm không còn lối dành cho người đi bộ.

Chạy vào trung tâm thành phố, tình trạng lấn chiếm vỉa hè còn nhức nhối hơn, các tuyến đường như: Phó Đức Chính, Lê Thị Hồng Gấm, Huỳnh Thúc Kháng… vỉa hè đều bị xẻ để buôn bán và lòng đường trở thành bãi đậu ô tô.

Vỉa hè, lòng đường bị chiếm dụng là vậy, nên mới đây Sở GTVT TP.HCM đã đề xuất thu phí một số tuyến đường, vỉa hè. Trước vấn đề này, nhiều ý kiến của người dân cho rằng hiện nay chưa cho thuê mà lấn chiếm tràn lan không xử lý được thì làm sao dám đảm bảo rằng khi cho thuê sẽ đảm bảo được trật tự ATGT và mỹ quan đô thị.

Bà Phạm Thị Lan, ở phường Phước Long B, TP Thủ Đức cho biết: “Vỉa hè hiện nay bị chiếm dụng hết, đi tập thể dục phải xuống đường thậm chí lòng đường cũng bị chiếm làm chỗ để xe. Thành phố hãy dẹp tình trạng này để trả lối đi bộ cho dân, còn việc thu phí nên chọn những vị trí phù hợp, đủ điều kiện cho thuê. Tuy nhiên việc thu phí cũng tính toán kỹ, vì không khéo tiền cho thuê không vào ngân sách”.

Cùng quan điểm này, ý kiến của nhiều người dân cũng cho rằng, cần nói không với lấn chiếm vỉa hè. Không thể bất lực quản lý đô thị, rồi đồng tình cho thuê vỉa hè để thu thuế, điều này đi ngược với công tác quản lý.

Sở GTVT nói gì?

Từ thực trạng nêu trên, nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, khắc phục các tồn tại thời gian qua trong công tác quản lý và sử dụng lòng đường, hè phố trên địa bàn TP, Sở GTVT đã chủ trì dự thảo quyết định thay thế Quyết định số 74.

Lý do để đưa ra dự thảo này, theo Sở GTVT TP.HCM, dự thảo thay thế quyết định số 74/2008 lần này có một số nội dung đáng lưu ý như quy định rõ về 7 trường hợp sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè phải đóng phí.

Cụ thể gồm điểm tổ chức kinh doanh dịch vụ mua bán hàng hóa, điểm bố trí các công trình và tiện ích phục vụ công cộng có thu tiền sử dụng, điểm bố trí lắp đặt các công trình tạm, điểm trông giữ xe phục vụ hoạt động văn hóa...

Cơ sở để xây dựng các tuyến đường vỉa hè có thu phí, Sở GTVT TP đề nghị các quận huyện rà soát địa bàn quản lý, cung cấp danh mục các tuyến đường dự kiến đáp ứng điều kiện để tổ chức các hoạt động sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên. Sau đó gửi về Sở GTVT để trình UBND TP.

Sở GTVT TP.HCM cho biết hiện nay chưa có quy định sử dụng hè phố, chưa phân cấp cho Sở GTVT và các quận huyện quản lý, chưa tập trung định hướng xã hội, khai thác hiệu quả sử dụng lòng đường, hè phố…

Quan điểm của Sở GTVT là quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố phải đảm bảo tuân thủ luật giao thông đường bộ, mục đích sử dụng cho giao thông. Các trường hợp sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố vào mục đích khác, trường hợp đặc biệt sẽ do UBND TP quyết định nhưng không được làm ảnh hưởng đến trật tự ATGT.

img

Vỉa hè trở thành nơi đậu xe có thu phí của cá nhân tự tổ chức

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Vũ Hạnh Phúc, Chánh văn phòng Ban ATGT TP.HCM cho rằng, việc thu phí tạm lòng đường vỉa hè chỉ với những tuyến đường đủ điều kiện và không ảnh hưởng đến ATGT do đó đề xuất của Sở GTVT TP.HCM là phù hợp.

Theo ông Phúc, mức thu phí cần khảo sát mỗi địa bàn khu vực và ý kiến của người dân cho hợp lý. Song song đó là vừa xử lý nghiêm, giám sát tình trạng lấn chiếm vỉa hè vừa quản lý tốt việc thu phí sẽ tăng thêm nguồn thu cho ngân sách TP và làm đẹp mỹ quan đô thị.

Ông Nguyễn Bá Hoàng, chuyên gia giao thông cũng cho biết, ủng hộ việc thành phố thu phí vỉa hè lòng đường, chuyển từ dịch vụ cá nhân cho thuê vỉa hè sang nhà nước quản lý và cho thuê. Tuy nhiên cùng với việc thu phí vỉa hè, lòng đường thành phố cũng cần quy hoạch thiết kế để làm sao vỉa hè thông thoáng cho người dân đi bộ, không ảnh hưởng đến ATGT, số tiền thu phí cần được đầu tư chỉnh trang vỉa hè, hạ tầng giao thông đô thị.

Về vấn đề này, ông Trần Văn Mau, Chủ tịch UBND phường Phước Long B (TP Thủ Đức) cho biết, tại phường hầu hết là các tuyến đường nhỏ, vỉa hè không đủ điều kiện để cấp phép cho thuê. Với những tuyến đường vỉa hè bị lấn chiếm buôn bán, phường thường xuyên ra quân xử lý.

Theo đề án của Sở GTVT TP.HCM, điều kiện sử dụng tạm thời một phần vỉa hè vào mục đích khác phải đảm bảo dành ít nhất 1,5m cho người đi bộ, nếu vỉa hè hiện hữu không đảm bảo chiều rộng thì phải có lộ trình thay thế tạm thời, đảm bảo an toàn cho người đi bộ.

Cá nhân, tổ chức sử dụng tạm thời một phần vỉa hè phải đóng phí trong 7 trường hợp, gồm: điểm tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa; điểm bố trí các công trình, tiện ích phục vụ giao thông công cộng có thu tiền sử dụng; điểm lắp đặt các công trình tạm, các trụ quảng cáo tạm; tổ chức hoạt động văn hóa (thể thao, diễu hành, lễ hội); điểm trông, giữ xe phục vụ hoạt động văn hóa; điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ thi công công trình của hộ gia đình; điểm trông, giữ xe có thu phí.

Đối với lòng đường, điều kiện sử dụng tạm thời phải bảo đảm phần lòng đường còn lại có bề rộng bố trí tối thiểu 2 làn ô tô cho một chiều đi và không áp dụng trên một số tuyến đường đặc thù do UBND TP.HCM quyết định. 3 trường hợp sử dụng tạm thời một phần lòng đường phải đóng phí, gồm: tổ chức hoạt động văn hóa và trông, giữ xe ô tô phục vụ hoạt động văn hóa có thu tiền sử dụng; điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị; bố trí điểm trông, giữ xe có thu phí.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.