Cảnh báo vượt mức cần thiết?
Theo hãng tin CNN, ngay khi có rung chấn ở khu vực miền Tây Nhật Bản trong trận động đất cường độ 7,1 độ richter ngày 7/8, giới chức Nhật Bản và địa phương đã ngay lập tức hành động.
Các nhà khí tượng học đã nhóm họp và phát đi cảnh báo sóng thần. Đồng thời, một ủy ban đặc biệt cũng cảnh báo động đất mạnh có thể sẽ xảy ra trong tuần tới. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử ủy ban đặc biệt phát cảnh báo dạng này trên khắp cả nước.
Toàn bộ các tàu cao tốc đều chạy chậm lại để phòng động đất khiến giao thông bị ngừng trệ. Thậm chí Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã phải hủy chuyến công du nước ngoài trong dịp này.
Tuy nhiên, sau đó, Chính phủ Nhật Bản đã dỡ bỏ hầu hết các cảnh báo và thông báo không có tổn thất lớn nào trong trận động đất 7,1 độ richter nói trên. Dù vậy, nhiều khu vực tại Nhật Bản vẫn trong tình trạng đề cao cảnh giác trước nguy cơ xảy ra tình trạng khẩn cấp ngay trong tuần cao điểm kỳ nghỉ hè.
Trước tình hình đó, một vài chuyên gia đã hoài nghi rằng liệu những cảnh báo nói trên có thực sự cần thiết và độ chính xác của chúng đến đâu.
"Nhật Bản nằm trong vùng giao thoa của 4 vùng kiến tạo địa chất khiến nước này dễ xảy ra động đất nhất trên thế giới. Khoảng 10% các trận động đất lớn có cường độ trên 6 độ richter xảy ra ở Nhật Bản", Giáo sư Shoichi Yoshioka tại Đại học Kobe, Nhật Bản giải thích.
Trận động đất tồi tệ nhất gần đây ở Nhật Bản xảy ra tại Tohoku, nằm trên khu vực Rãnh Nankai, năm 2011 với cường độ 9,1 độ richter gây ra sóng thần và thảm họa hạt nhân khiến khoảng 20.000 người thiệt mạng. Chính quyền Nhật Bản đã cảnh báo về khả năng xảy ra một trận động đất vượt 9 độ richter tại khu vực này trong vài thập kỷ tới.
Tuy nhiên, cảnh báo này cũng gây nhiều tranh cãi bởi một số nhà khoa học cho rằng việc quá tập trung vào một sự kiện vô cùng hy hữu tại một địa điểm cụ thể ở Nhật Bản là không có nhiều ý nghĩa nhất là trong bối cảnh nhiều nơi khác cũng có thể xảy ra những mối lo tương tự lại ít được quan tâm chú ý hơn.
Giáo sư, nhà địa chấn học tại Đại học Tokyo, Robert Geller đã bày tỏ hoài nghi về những gì chính quyền Nhật Bản cảnh báo và cho rằng, khả năng xảy ra động đất lớn ở khu vực Rãnh Nankai chỉ là một giả thuyết.
Theo Giáo sư Geller, động đất không xảy ra theo chu kỳ mà có thể xảy ra bất kỳ lúc nào ở bất kỳ nơi nào. Điều này đồng nghĩa việc tính toán khi nào trận động đất tiếp theo xảy ra dựa trên thông tin về trận động đất trước đó là rất ít có cơ sở đúng đắn.
Chính vì thế, cả hai Giáo sư Yoshioka và Geller đều cho rằng, những động thái chuẩn bị an toàn cho người dân trong trận động đất tuần trước là quá mức và không cần thiết.
Giáo sư Yoshioka thừa nhận, đúng là có khả năng sau một trận động đất lớn sẽ có trận động đất lớn tiếp theo xảy ra và đó là lý do giới chức Nhật Bản phát đi cảnh báo chưa từng có tiền lệ. Tuy nhiên, khả năng này là rất thấp và chỉ rơi vào khoảng 1/1000.
Chính vì thế, CNN dẫn lời Giáo sư Geller cho biết, nếu cứ tiếp tục phát cảnh báo quá mức, người dân sẽ cảm thấy quá mệt mỏi và không còn đề cao cảnh giác trước những cảnh báo nghiêm trọng thật sự trong tương lai.
Và nỗi đau từ quá khứ
Tuy nhiên, theo ghi nhận của CNN, khi mọi người trên toàn quốc đều trong tình trạng báo động cao, không có dấu hiệu cho thấy người dân mệt mỏi, hoảng loạn.
Anh Yota Suga, một sinh viên 22 tuổi cho biết, khi nhận được cảnh báo của Chính phủ, anh đã chạy đi mua các loại nhu yếu phẩm, nước sạch, theo dõi bản đồ các khu vực bị cảnh báo, lên kế hoạch hỗ trợ người thân sống ở ven biển đi sơ tán.
"Trận động đất trong ngày đầu năm mới 2024 đã nhắc nhở tôi rằng bạn không thể biết khi nào động đất xảy ra. Tôi nhận ra rằng, sức mạnh thiên nhiên thật kinh hoàng", anh Suga nói, nhắc lại trận động đất 7,5 độ richter xảy ra sáng 1/1 trên bán đảo Noto khiến hàng trăm người thiệt mạng.
Nguyên nhân chính khiến người dân Nhật Bản rất coi trọng cảnh báo động đất là bởi những trận động đất xảy ra quá thường xuyên tại đây và thảm kịch năm 2011 đã để lại "vết sẹo" không thể liền lại trong tâm trí người dân.
"Mỗi lần phải chứng kiến những thảm kịch khiến nhiều người thiệt mạng, nhà cửa bị phá hủy, sóng thần cuốn đi mọi thứ, chúng tôi đều kinh hãi. Nỗi sợ đó lan khắp toàn thể người dân và đó chính là lý do tại sao người Nhật lại luôn chuẩn bị kỹ lưỡng đến vậy", Giáo sư Yoshioka nhận định.
Tuy nhiên, theo 2 Giáo sư Sugimoto và Geller, còn rất nhiều việc cần phải làm.
Cả hai đều cho rằng trận động đất ở Bán đảo Noto đã cho thấy còn một số điểm cần khắc phục trong hệ thống ứng phó của Nhật Bản.
Họ cũng cho rằng, những vấn đề tại Bán đảo Noto cho thấy nguy cơ gì sẽ xảy ra nếu chính quyền quá tập trung vào khả năng xảy ra động đất trên khu vực Rãnh Nankai trong khi các khu vực khác của đất nước cũng đang bị đe dọa.
Giáo sư Sugimoto dẫn ví dụ bà từng làm việc tại Fukuoka nằm ở phía Tây Nam đảo Kyushu. Khu vực này cũng thường xuyên bị tàn phá bởi động đất trong quá khứ nhưng không được đưa vào danh sách có nguy cơ cao xảy ra động đất.
Chính vì thế, mọi người thường không chuẩn bị tốt cho tình huống xảy ra động đất và chính quyền cũng không hỗ trợ tài chính cho người dân để đối phó với động đất. "Khu vực Fukuoka nơi tôi sinh sống không được chính quyền trung ương hỗ trợ", Giáo sư Sugimoto cho biết.
Giáo sư Geller nói thêm, việc quá đề cao khả năng chuẩn bị tốt trước động đất của người dân sống xung quanh khu vực Rãnh Nankai lại là điều không tốt cho phần còn lại của đất nước bởi khi đó người dân sẽ nghĩ chỉ có khu vực Rảnh Nankai là nguy hiểm còn những nơi khác lại khá an toàn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận