Vận tải

Trò chuyện với cô gái “sống trên mây”

20/10/2016, 16:22
image

Nữ tiếp viên hàng không Huỳnh Thị Ngọc Mai cho biết đã mơ đến nghề tiếp viên từ khi ngồi ghế nhà trường.

TV Mai

Nữ tiếp viên hàng không "sống trên mây" Huỳnh Thị Ngọc Mai

Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10), PV Báo Giao thông đã trò chuyện với nữ tiếp viên hàng không xinh đẹp của Vietnam Airlines Huỳnh Thị Ngọc Mai.

Bạn đến với nghề tiếp viên hàng không như thế nào?

Tiếp viên hàng không là nghề nghiệp mà tôi đã yêu thích ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Ước mơ được khoác trên mình tà áo dài, đem vẻ đẹp và bản sắc văn hóa Việt Nam đến với bạn bè thế giới. Đây là nghề nghiệp tôi đã lựa chọn và rất tâm huyết nên tôi luôn nỗ lực làm việc, tích lũy kinh nghiệm từ các anh chị tiếp viên đi trước cũng như không ngừng học tập trau dồi kiến thức, nâng cao nghiệp vụ  để “sống” với nghề nghiệp của mình.

Có ý kiến cho rằng tiếp viên hàng không “sống trên mây” theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, bạn thấy nhận định này có đúng không, vì sao?

Tôi nghĩ tiếp viên “sống trên mây” cùng với đồng nghiệp và những hành khách thân thương của mình thì đúng hơn. Nghề tiếp viên rất vất vả, đòi hỏi phải có sức khỏe tốt, tinh thần vượt khó, chịu được áp lực về thay đổi thời tiết cũng như chênh lệch múi giờ khi thực hiện nhiệm vụ bay trên các tuyến đường bay khác nhau. Chính các yếu tố đó cũng phần nào ảnh hưởng đến cách nhìn nhận của người ngoài nghề đối với nghề nghiệp của chúng tôi. Nhưng chính sự hài lòng của khách hàng luôn là niềm vui cũng như là nguồn động viên để chúng tôi phục vụ sau khi kết thúc mỗi chuyến bay.

Trước kia, tiếp viên hàng không là một nghề rất danh giá, hiện đại, tiêu biểu cho sự đổi mới vì hàng không là một trong số ít ngành hội nhập từ rất sớm. Nhưng nay xã hội phát triển hơn, nghề này có vẻ không còn hào nhoáng nữa. Theo cảm nhận của bạn điều này có đúng không?

Tôi nghĩ tiếp viên hàng không cũng chỉ là một nghề nghiệp như bao nghề khác trong xã hội nên tôi chưa bao giờ xem đây là một nghề nghiệp hào nhoáng vì nhiệm vụ của chúng tôi là đem đến cho khách hàng của mình sự an toàn, tiện nghi, thoải mái và hài lòng với các sản phẩm hữu hình cũng như vô hình cung cấp cho khách. Thế nên, để làm tốt các nhiệm vụ trên,  người tiếp viên cần phải đầu tư thời gian, tâm huyết  để có được định hướng nghề nghiệp đúng đắn cũng như trang bị cho bản thân các kiến thức, kỹ năng cần thiết để phục vụ hành khách. Bản thân tôi nghĩ  tiếp viên hàng không luôn là một nghề vất vả, làm dâu trăm họ.

Bạn có thể chia sẻ để độc giả Báo Giao thông hiểu thêm về công việc của tiếp viên hàng không?

Chúng tôi sẽ được phân lịch bay theo tháng/giai đoạn 10 ngày. Căn cứ vào lịch bay được phân công và các quy định trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi sẽ thực hiện nhiệm vụ bay cá nhân. Trước khi thực hiện chuyến bay, dựa trên khả năng bay của từng TV, TVT sẽ phân công từng vị trí làm việc cũng như briefing các nội dung về An toàn, An ninh, Dịch vụ. Trong quá trình phục vụ, tất cả các tình huống bất thường phát sinh, chúng tôi sẽ báo cáo Tiếp viên trưởng để cùng phối hợp giải quyết. Ngoài các ngày có lịch bay, chúng tôi cũng có các nghỉ theo quy định và nguyện vọng, nghỉ sau chuyến bay, có các lịch học, tập huấn chuyên môn, tổ chức đi du lịch, về nguồn,.. cùng các đồng nghiệp.

TCT Hàng không VN, Đoàn tiếp viên cũng có những quy định về phân công/phân loại tiếp viên theo năng lực và chất lượng lao động. Nếu tiếp viên đáp ứng được các yêu cầu về giờ bay, điểm tiếng Anh, đảm bảo sức khỏe, đạt kết quả huấn luyện tốt, có điểm đánh giá tốt trên mỗi chuyến bay, cũng như có ngoại hình phù hợp sẽ được phân công thực hiện nhiệm vụ trên tất cả các tuyến đường bay của VNA. Đoàn tiếp viên luôn khuyến khích, động viên và tạo điều kiện để tiếp viên phát huy hết khả năng của mình.

Đặc thù công việc có ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống thường ngày của bạn?

Do tính chất công việc là không ổn định giờ giấc, di chuyển nhiều, ảnh hưởng thời tiết nên chúng tôi luôn phải chủ động xây dựng cho bản thân một chế độ rèn luyện sức khỏe, cũng như nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý để có thể đáp ứng được yêu cầu công việc.

Được đi nhiều, tiếp xúc với nhiều người. Bạn có thể chia sẻ những kỷ niệm, những trải nghiệm mà mình có được khi làm tiếp viên hàng không?

Với chúng tôi, cảm giác đặc biệt, khó tả luôn đến từ các chuyến bay đưa đón hành khách vào các dịp Tết truyền thống của Việt Nam vào cuối mỗi năm. Cảm giác bản thân mình phục vụ hành khách để họ được đoàn tụ với người thân, những câu chúc mừng năm mới với khuôn mặt rạng rỡ từ hành khách và tiếp viên luôn là những kỷ niệm đáng nhớ và để lại nhiều dư âm khó quên.

Nhưng như tôi đã nói, tiếp viên hàng không là nghề làm dâu trăm họ. Hành khách cũng có người này, người kia. Điều này đòi hỏi bản thân tôi luôn phải tự rèn luyện cho mình sự nhẫn nhịn và kiên nhẫn và chia sẻ thông cảm với khách hàng. Đôi khi do khách hàng chưa hiểu nên mới dẫn đến sự hiểu nhầm với tiếp viên. Chính sự kiên nhẫn, lắng nghe, cảm thông và tận tình giải thích của tiếp viên sẽ phần nào giải tỏa sự bực dọc của khách. “Vì khách hàng luôn luôn đúng”.

Cảm ơn bạn. Chúc bạn một ngày 20/10 hạnh phúc, ấm áp bên gia đình!

Xem thêm Video Kỷ niệm ngày cưới khó quên trên tàu bay A350 của Vietnam Airlines

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.