Hải quân Mỹ hụt hơi
Theo Business Insider, Hải quân Mỹ hiện vẫn được đánh giá là mạnh nhất trên thế giới khi sở hữu tới 11 tàu sân bay cùng nhiều tàu ngầm hạt nhân được trang bị những loại vũ khí cùng tính năng hiện đại nhất.
Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng đang diễn ra tại nhiều điểm nóng trên biển đòi hỏi Mỹ phải tăng cường hiện diện và tầm ảnh hưởng, Hải quân Mỹ phải đối mặt với một vấn đề khác. Đó là sự trì trệ của ngành đóng tàu.
"Trong giai đoạn đầu những năm 90, Hải quân Mỹ sở hữu tới 500 tàu chiến các loại nhưng đến giai đoạn những năm 2000 và 2010, ngành đóng tàu Mỹ không còn theo kịp yêu cầu của Hải quân trong việc triển khai các tàu chiến, sửa chữa bảo dưỡng cho các tàu này" - chuyên gia Steven Wills thuộc Trung tâm Chiến lược Hàng hải đánh giá.
Bên cạnh đó, chi phí hỗ trợ xây dựng các cơ sở hạ tầng cho Hải quân Mỹ cũng bị cắt giảm mạnh trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh khiến năng lực của ngành đóng tàu bị tụt hậu kéo theo một loạt sai lầm nghiêm trọng.
Theo ông Wills, số lượng tàu chiến của Mỹ lúc này giảm xuống chỉ còn 300 chiếc.
Ông Doug Livermore, cựu sĩ quan tình báo cao cấp và giám đốc phụ trách các chiến dịch đặc biệt của Hải quân Mỹ thừa nhận hải quân Mỹ không còn phát triển mạnh mẽ như đáng lẽ họ có thể làm được.
Trong bản dự thảo ngân sách công bố tháng trước, Hải quân Mỹ đã giảm số lượng tàu khu trục lớp Arleigh Burke được đóng mới từ 7 chiếc xuống còn 6 chiếc và số lượng tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Virginia từ 2 chiếc xuống còn 1 chiếc trong khi 19 tàu chiến khác sẽ bị loại biên.
"Số tàu chiến phải thải loại nhiều hơn so với số tàu đóng mới, đồng nghĩa Hải quân Mỹ đang thụt lùi thay vì đi lên" - ông Salvatore Mercogliano, chuyên gia về lịch sử hàng hải tại Đại học Campbell nhận xét.
Hải quân Trung Quốc dần vươn lên
Trong khi đó, Lầu Năm Góc dẫn Báo cáo Sức mạnh Quân sự Trung Quốc 2023 cho thấy Hải quân Trung Quốc hiện đang có 370 tàu chiến, nhiều hơn một chút so với Hải quân Mỹ. Nhưng điều đáng nói là dự tính đến năm 2035, Hải quân Trung Quốc sẽ sở hữu hạm đội với số tàu chiến nhiều hơn gấp rưỡi so với Hải quân Mỹ.
Ngay cả tàu ngầm vốn được coi là "át chủ bài" giúp Hải quân Mỹ duy trì vị trí thống trị trên biển trong thời gian dài cũng đang phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc khi lực lượng Hải quân nước này đặt ưu tiên cao cho việc xây dựng hạm đội tàu ngầm.
Theo ước tính của Lầu Năm Góc, Trung Quốc hiện đang sở hữu 60 tàu ngầm và con số này sẽ lên tới 80 vào năm 2035 dù Trung Quốc cũng sắp cho loại biên một số tàu thân vỏ cũ.
Hầu hết các tàu ngầm của Trung Quốc hiện vẫn sử dụng năng lượng diesel nhưng một số tàu ngầm tấn công mới của nước này đã chuyển sang sử dụng năng lượng hạt nhân và được trang bị tên lửa đạn đạo giúp tàu có thể chạy nhanh hơn và có tầm hoạt động rộng hơn.
Trong khi đó, Mỹ đang sở hữu 67 tàu ngầm trên khắp thế giới chứ không phải chỉ riêng khu vực Thái Bình Dương.
Nói về tàu sân bay, tuy hiện nay Hải quân Mỹ vẫn đang chiếm ưu thế khi Trung Quốc mới chỉ có 2 tàu loại này và còn rất thiếu kinh nghiệm hoạt động thực tế nhưng theo ông Livermore, tốc độ phát triển của Hải quân Trung Quốc là rất đáng kể.
"Đầu những năm 2000, Hải quân Trung Quốc không có gì để so sánh với Hải quân Mỹ. Họ chỉ có tàu ngầm chạy bằng diesel cùng một vài tàu ngầm hạt nhân loại cũ rất ồn ào. Nhưng tốc độ phát triển của họ rất nhanh", ông Livermore nói thêm.
Một yếu tố mà các chuyên gia nhấn mạnh đó chính là năng lực đóng tàu của Trung Quốc. Nước này hiện là nhà đóng tàu lớn nhất thế giới và hoàn toàn có thể đẩy mạnh năng lực đóng tàu nếu chiến tranh xảy ra. Theo thông tin từ Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ, tổng năng lực đóng tàu của Trung Quốc lên đến 23,2 triệu tấn, nhiều hơn rất nhiều so với con số dưới 100.000 nghìn tấn của Mỹ.
"Chỉ một cơ sở đóng tàu lớn nhất của Trung Quốc cũng có năng lực đóng tàu nhiều hơn tất cả các cơ sở đóng tàu của Mỹ cộng lại. Mỹ vừa phải duy trì số lượng tàu hiện có cũng như đóng thêm rất nhiều tàu mới trong khi chúng ta không đủ nhân công hay các cơ sở đóng tàu để làm điều này", ông David Sacks, chuyên gia nghiên cứu châu Á tại Hội đồng Quan hệ Quốc tế cảnh báo.
Đã qua rồi cái thời Mỹ có thể đóng những tàu hàng với số lượng lớn để từ đó nhanh chóng mở rộng hạm đội Hải quân lên gấp 15 lần trong Thế chiến 2. Hiện nay, trong trường hợp chiến tranh xảy ra, Trung Quốc mới là nước có thể nhanh chóng đóng một loạt các tàu chiến với quy mô lớn và tốc độ nhanh chóng đến vậy.
Chính vì thế, theo ông Wills, Mỹ cần phải bắt tay ngay vào mở rộng năng lực đóng tàu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận