Thời sự Quốc tế

Trung Quốc, Nga đối lập Mỹ và phương Tây về tình hình Afghanistan

18/08/2021, 08:04

Khi Taliban giành toàn quyền kiểm soát tại Afghanistan, các quốc gia như: Mỹ, Anh, Pháp, Hà Lan… đều đóng cửa Đại sứ quán, vội vàng di tản.

Trong khi đó, tại trụ sở Đại sứ quán Nga và Trung Quốc, không hề có sự lo lắng, thậm chí Taliban còn cam kết bảo đảm an toàn.

Hình ảnh trái chiều trong khủng hoảng tại Afghanistan cho thấy, Nga và Trung Quốc dường như đã tiên lượng đúng và chuẩn bị sẵn sàng cho diễn biến ngày hôm nay.

img

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị gặp người đứng đầu về chính trị của Taliban

Kịch bản Mỹ không thể nghĩ tới

Khoảng 3 ngày trước thời điểm Taliban chuẩn bị tiến vào Thủ đô Kabul, Mỹ mới tức tốc tăng 5.000 quân để hỗ trợ sơ tán nhân viên Đại sứ quán. Tại thời điểm Afghanistan thất thủ, mới chỉ có 2.500 quân tiếp viện Mỹ tới được Kabul.

Trở tay không kịp, đêm 15/7, sau khi Taliban cắm cờ tại Dinh Tổng thống Afghanistan, tuyên bố chiến tranh kết thúc, quân Mỹ mới bắt đầu sơ tán.

Lính Mỹ vừa phải tiến hành di tản, vừa phải đối phó với hàng nghìn người dân Afghanistan đổ ra cảng hàng không, leo lên máy bay, cản trở các phương tiện cất cánh. Sân bay Kabul rơi vào hỗn loạn.

Từ London, Bộ trưởng Quốc phòng Anh nghẹn ngào thừa nhận, chính phủ nước này có thể không sơ tán được hết khoảng 4.000 công dân Anh và các đồng minh ở Afghanistan.

Trong một bài bình luận, báo Global Times (Trung Quốc) có đoạn viết: “Sự sụp đổ của Afghanistan là điều có lẽ Mỹ và các nước phương Tây khác không thể nghĩ tới, thậm chí vượt ra ngoài tất cả các dự đoán tồi tệ nhất của họ”.

Mặt khác, từ phía Nga và Trung Quốc, cả hai đều thông báo tiếp tục mở cửa Đại sứ quán, giữ nguyên hoạt động. Thậm chí, một thủ lĩnh của Tổ chức Taliban còn khẳng định, lực lượng này có quan hệ tốt với Nga và sẽ đảm bảo an toàn cho Đại sứ quán Nga tại Kabul.

Chính quyền Moscow tuyên bố, nước này hy vọng thiết lập quan hệ hữu nghị với ban lãnh đạo mới của Afghanistan. Đại sứ Nga tại Afghanistan, ông Dmitry Zhirnov cho rằng, cách tiếp cận của Taliban đối với tình hình ở Afghanistan là ”tích cực”, thậm chí tốt hơn dưới Tổng thống Ashraf Ghani.

“Khi tiến vào Kabul, Taliban đã áp đặt lệnh giới nghiêm và kêu gọi người dân bình tĩnh để tránh cướp bóc và bạo lực”, ông Zhirnov nhấn mạnh.

Moscow - Bắc Kinh tăng cường vai trò tại Afghanistan

img

Phụ nữ và trẻ em Afghanistan ngồi trên đường băng sân bay Thủ đô Kabul

Lúc này, vai trò của Moscow và Bắc Kinh trong giải quyết khủng hoảng Afghanistan càng trở nên nổi bật. Sáng 17/8, theo giờ Việt Nam, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã điện đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov để bàn về tình hình an ninh cũng như những nỗ lực sơ tán các nhà ngoại giao, dân thường một cách an toàn. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Mỹ không cung cấp chi tiết.

Từ phía Nga, cơ quan ngoại giao nước này cho hay, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ và Nga đều đồng tình tiếp tục tham vấn cùng Trung Quốc, Pakistan và các nước khác để thiết lập những điều kiện phù hợp, tiến hành đối thoại về vấn đề Afghanistan trong điều kiện mới.

Trong tuyên bố trên truyền hình nhà nước, đại diện đặc biệt của Tổng thống Nga tại Afghanistan, Giám đốc Vụ châu Á II Bộ Ngoại giao Nga, ông Zamir Kabulov bỏ ngỏ khả năng hợp tác với chính quyền dưới thời Taliban.

“Nếu so sánh khả năng có thể đàm phán giữa những người đồng cấp và đối tác, từ lâu tôi đã nhận thấy, khả năng có thể đạt được thoả thuận với Taliban cao hơn là với chính quyền bù nhìn tại Kabul”, ông Kabulov nói.

Về phía Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh khẳng định: “Taliban đã nhiều lần bày tỏ hy vọng muốn phát triển quan hệ tốt với Trung Quốc và họ mong muốn Trung Quốc tham gia tái thiết, phát triển Afghanistan. Chúng tôi hoan nghênh điều này. Trung Quốc tôn trọng quyền của người dân Afghanistan được độc lập quyết định số phận và sẵn sàng tiếp tục phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với Afghanistan”.

Trung Quốc đã chuẩn bị kỹ cho sự trỗi dậy của Taliban

img

Lính Mỹ giương súng trấn áp người Afghanistan gây rối tại sân bay Thủ đô Kabul

Trung Quốc bắt đầu có những hành động rõ ràng, củng cố quan hệ với các thủ lĩnh Taliban ngay sau khi Mỹ quyết định rút toàn quân khỏi cuộc chiến không hồi kết ở Afghanistan sau 20 năm.

Đáng chú ý nhất chính là sự hiện diện của phái đoàn Taliban tại Thiên Tân (Trung Quốc) vào tháng trước và hình ảnh người sáng lập, thủ lĩnh chính trị của Taliban, ông Mullah Abdul Ghani Baradar chụp ảnh chung với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.

Theo hãng tin Reuters, sau cuộc gặp trên, truyền thông Trung Quốc đã có nhiều bài viết, chia sẻ qua mạng xã hội về khả năng Taliban có thể lên nắm quyền.

“Kể cả khi Taliban không kiểm soát được toàn Afghanistan, tổ chức này vẫn là lực lượng đáng phải cân nhắc”, Niutanqin, một nhà bình luận về các chiến lược ngoại giao, nổi tiếng trên mạng xã hội Trung Quốc có bài viết với nội dung như vậy tại thời điểm Taliban chiếm được đa số tỉnh, thành của Afghanistan.

Cuối tuần qua, tờ báo chí Trung Quốc tiếp tục đăng tải các bài phỏng vấn với lãnh đạo đảng đối lập của Afghanistan trong đó nêu nhận định rằng, chính quyền chuyển tiếp tại nước này cần phải có cả Taliban.

Dù hợp tác với Taliban nhưng truyền thông nhà nước Trung Quốc nhấn mạnh, Afghanistan từng là “nấm mồ của các đế chế” và Bắc Kinh không muốn nhúng chân vào vũng bùn lầy của những cuộc chiến.

Đồng nghĩa, Bắc Kinh khẳng định không có ý định đưa quân tới Afghanistan, lấp chỗ trống của Mỹ cũng như không lún sâu vào xung đột, chiến tranh.

Hơn hết, Trung Quốc quan tâm tới những dự án lớn mà họ đã đầu tư vào khu vực Trung Á thông qua sáng kiến cơ sở hạ tầng và thương mại Vành đai và Con đường (BRI).

Chưa kể, nguy cơ Afghanistan sẽ trở thành căn cứ của các phần tử khủng bố và cực đoan âm mưu gây bất ổn ở Tân Cương, khu vực phần lớn là người Hồi giáo.

Hãng tin Reuters dẫn lời ông Zhang Li, Giáo sư nghiên cứu về Nam Á tại Đại học Tứ Xuyên nhận định: “Trung Quốc có thể đã đưa ra những cam kết hỗ trợ kinh tế, đầu tư cho Afghanistan thời hậu chiến để khuyến khích đôi bên tại Afghanistan dừng tranh đấu, đạt thoả thuận dàn xếp chính trị. Ưu tiên số 1 với Trung Quốc là dừng chiến tranh. Vì hỗn loạn tại quốc gia có chung 76km đường biên giới với Trung Quốc đồng nghĩa họ sẽ đối mặt với nguy cơ chủ nghĩa cực đoan, khủng bố sinh sôi, nảy nở”.

Ngày 17/8, trước áp lực từ lưỡng đảng buộc chính quyền Mỹ giải quyết nhu cầu sơ tán công dân và người Afghanistan liên minh với chính quyền Mỹ, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo phân bổ 500 triệu USD từ Quỹ Hỗ trợ Di dân và Tị nạn khẩn cấp Liên bang Mỹ. Mục đích là “đáp ứng những nhu cầu tị nạn và di cư khẩn cấp, hỗ trợ các nạn nhân của xung đột và những người đối mặt nguy cơ cao trong tình hình tại Afghanistan, kể cả những người nộp đơn xin visa định cư đặc biệt”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.