Khi có cao tốc, tai nạn giao thông giảm hẳn
Chiều 19/10, tại nhà Quốc hội, Ủy ban Quốc phòng và An ninh tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 9, thẩm tra về kết quả thực hiện nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) năm 2023.
Trình bày tờ trình, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2023, tai nạn giao thông (TNGT) được kiềm chế, kéo giảm về số vụ và số người chết so với cùng kỳ năm 2022.
Toàn quốc xảy ra 8.335 vụ TNGT, làm 4.765 người tử vong, 5.802 người bị thương, giảm về số vụ và số người chết nhưng tăng về số người bị thương.
Đặc biệt, số vụ TNGT do người điều khiển phương tiện vi phạm quy định nồng độ cồn trong các dịp cao điểm đã giảm sâu so với các năm trước.
Báo cáo về nguyên nhân giúp kéo giảm TNGT, ông Khuất Việt Hùng nhấn mạnh việc Bộ Công an đã có kế hoạch về đảm bảo trật tự ATGT trong toàn ngành, duy trì kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm theo chuyên đề như nồng độ cồn, quá tải...
Một nguyên nhân khác kéo giảm TNGT là việc khánh thành đưa vào khai thác nhiều công trình kết cấu hạ tầng giao thông mới, đặc biệt là các đường thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
"Khi có những tuyến đường, kết cấu hạ tầng đảm bảo an toàn thì số vụ TNGT cũng giảm hẳn", Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia nhìn nhận.
Ông Hùng lấy ví dụ, kể từ thời điểm đưa tuyến quốc lộ 1 thực hiện đầu tư giai đoạn có dải phân cách giữa vào sử dụng, mỗi năm giảm 619 vụ TNGT. Riêng tỉnh Ninh Bình, sau khi đưa đoạn cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn vào khai thác, mỗi năm thành phố giảm 30-50 người tử vong vì TNGT.
Tuy nhiên, vẫn còn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm nhiều người tử vong và bị thương. Trong đó, nhiều vụ liên quan tới xe kinh doanh vận tải, như vụ TNGT liên quan tới nhà xe Thành Bưởi ở Đồng Nai khiến 5 người tử vong.
Vì sao vẫn để lọt nhiều nhà xe vi phạm như Thành Bưởi?
Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng nhấn mạnh tình trạng TNGT đặc biệt nghiêm trọng trên đường bộ liên quan tới xe kinh doanh vận tải.
Đáng lo ngại, có những doanh nghiệp có phương tiện vi phạm trong thời gian dài mà không bị phát hiện hoặc không bị đình chỉ, xử lý kịp thời.
Chia sẻ tại cuộc thảo luận, Thiếu tướng, Chuẩn đô đốc Đỗ Văn Yên cho rằng, cần phải nêu rõ hơn tình trạng TNGT nghiêm trọng, làm nhiều người tử vong thời gian vừa qua.
"Nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải chấp hành chưa nghiêm các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải, vậy cần xác định làm rõ hơn trách nhiệm quản lý nhà nước liên quan tới vấn đề này", ông Yên nói.
Còn theo Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh, cần bổ sung thêm về vấn đề quản lý lĩnh vực vận tải, đặc biệt là vận tải hành khách vào trong báo cáo.
Sau một loạt sự cố, tai nạn nghiêm trọng liên quan tới các nhà xe như vụ tai nạn xe Thành Bưởi khiến 5 người tử vong, cần giải quyết bằng được những lỗ hổng trong quản lý nhà xe.
"Đã có camera giám sát hành trình, có phù hiệu và khi nhà xe vi phạm đã tước phù hiệu nhưng tại sao nhà xe vẫn có thể ngang nhiên vi phạm tới 247 lần và gây ra vụ tai nạn nghiêm trọng mới đây nhất tại tỉnh Đồng Nai. Thực tế còn vướng mắc ở điều gì?", ông Đức đặt vấn đề.
Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề xuất cần gắn trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị kinh doanh vận tải bằng ô tô trong việc đảm bảo ATGT.
Đề xuất đưa ATGT làm tiêu chí đánh giá đạo đức học sinh
Liên quan tới vấn đề ATGT với học sinh, các đại biểu cũng chỉ ra thực trạng gia tăng số vụ và số học sinh bị thương, thiệt mạng vì TNGT.
Thiếu tướng Đặng Văn Lẫm, Phó Tư lệnh Quân khu 7 cho biết, trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã đề nghị một biện pháp là đưa việc chấp hành pháp luật về trật tự ATGT là tiêu chí đánh giá đạo đức cuối năm của học sinh sinh viên. Theo ông Lẫm, đây chưa phải biện pháp căn bản.
Thiếu tướng Lẫm chỉ ra một kinh nghiệm đang áp dụng để đảm bảo ATGT cho học sinh ở TP.HCM là thống nhất quy định màu sơn cho các xe chở học sinh, khác với các màu xe của các phương tiện khác để dễ nhận biết. Các đối tượng tham gia giao thông trên đường cũng dễ quan tâm chú ý hơn đến các loại xe này.
Phát biểu tiếp thu, giải trình một số ý kiến, Thứ trưởng Lê Đình Thọ chia sẻ, một trong những vấn đề lớn dẫn đến TNGT chính là ý thức.
Ông chỉ ra một số bộ phận người tham gia giao thông, điều khiển phương tiện còn ý thức kém. Ví dụ nhiều tài xế xe tải chạy ban đêm, bất chấp quy định về giờ giấc, vấn đề sức khoẻ, cạnh tranh để có lợi nhuận do đó dễ dẫn đến quá tải, mệt mỏi và để xảy ra TNGT.
Kết luận cuộc họp, Trung tướng Nguyễn Minh Đức đánh giá, báo cáo của Chính phủ đã tương đối đầy đủ.
"Điểm mừng trong năm vừa qua cả hai tiêu chí về TNGT đều giảm sâu cho thấy nỗ lực của hai cơ quan đảm nhiệm chính là Bộ Công an, Bộ GTVT và các bộ ban ngành liên quan", ông Đức nói.
Ông Đức cho rằng, cần phân tích thật sâu công tác tuyên truyền giáo dục về đảm bảo trật tự ATGT. Hiện nay luật pháp đã có, xử phạt đã nghiêm, nhưng tại sao vẫn xảy ra tình trạng vi phạm.
"Cần phải "cột" trách nhiệm đảm bảo ATGT cho từng địa phương, chứ chỉ riêng lực lượng chức năng không làm xuể ", ông Đức kiến nghị.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, có 33 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có số người chết do TNGT giảm so với cùng kỳ năm 2022. Nhiều tỉnh thành như Thừa Thiên Huế, Hà Nội… giảm trên 20%. Đặc biệt, Đà Nẵng giảm tới 40% số người chết do TNGT.
Trong khi đó, có 29 địa phương có số người chết do TNGT tăng so với cùng kỳ 2022 trong đó 9 tỉnh tăng trên 40% như Phú Thọ, Nam Định, Thái Bình, Đồng Nai…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận