Ảnh minh họa |
- Tớ có bi ve rồi! Cho tớ chơi chung với!
- Không được. Thằng Còi, mày bị sida không thể chơi chung với bọn tao được.
- Đúng rồi. Mẹ tao bảo nó bị sida, trên người nhiều vi khuẩn vi trùng lắm. Nếu lại gần nó sẽ bị lây nhiễm và chết sớm đấy.
- Không sao đâu. Mẹ tớ bảo bệnh này uống thuốc đều đều là sẽ sống lâu mà.
- Ơ! Cái thằng này dai như đỉa vậy. Thôi bọn mình kiếm chỗ khác chơi đi!
- Mày nói đúng! Chúng ta đi thôi.
Đám trẻ chừng 7 đến 10 tuổi nhặt vội những viên bi bỏ vào trong túi áo, túi quần rồi quàng vai nhau rời khỏi bãi đất trống dưới gốc cây hoa sữa cổ thụ đầu xóm, nơi mà chúng vẫn thường tụ tập chơi hàng ngày trong cái nhìn dõi theo thèm thuồng, buồn bã của Còi. Hôm nay, Còi mặc cái quần dài chấm đầu gối, xoăn tít như cái lò xo. Cái áo cọc xin xỉn màu nhựa cây. Hai tay nó mân mê mấy hòn bi ve kêu két két được mẹ mua cho từ tối qua. Nó chờ nhanh tới sáng mai để xin được nhập hội chơi cùng mấy đứa trong xóm. Vậy mà chúng vừa thấy Còi ra thì tìm cách tránh xa như tránh tà. Còi nhớ chiều qua thằng Hợi còn hếch mắt về phía nó bảo:
- Mày phải có bi ve tao mới cho chơi. Còi vui biết mấy. Còi về xin mẹ hai ngàn tiền lẻ chạy sang quán bà Năm mua về mấy hòn đẹp mắt. Bọn nó chẳng thể biết được cả đêm Còi đã sung sướng, đã chờ đợi một cách hào hứng và nâng niu món đồ chơi ấy như thế nào. Sợ mất, nó gói bi trong mảnh giấy nhỏ rồi đặt ngay ở đầu giường. Thậm chí trong giấc mơ đêm qua, Còi còn mơ thấy mình được cười nói, được búng những hòn bi vào lỗ kêu lách cách và tự hào vì được lũ bạn trầm trồ khen ngợi. Vậy mà… Mặt Còi buồn xo. Nó ngồi thụp xuống gốc cây hoa sữa, tựa lưng vào thân cây xù xì, ngửa mặt lên những tán cây chi chít từng chùm hoa sữa, hít một hơi hương hoa thơm nồng. Bần thần nghĩ ngợi một lúc rồi chợt nhớ đã đến giờ uống thuốc, nó lững thững đi về.
- Mẹ ơi, con về rồi!
- Còi chơi về rồi đó hả con? Chơi cùng các bạn có vui không? Chị Áy đang lúi húi nấu cơm dưới bếp, nghe con trai gọi liền quay ra mỉm cười, hỏi. Thấy con không vui, biết là có chuyện, nụ cười tròn đầy trên môi người đàn bà bất hạnh méo xệch rồi chợt tắt. Còi nhìn mẹ:
- Các bạn bảo con bị sida nên không chơi với con mẹ ạ. Câu nói của con trai khiến trái tim chị Áy thắt lại. Bảo con trai vào ngồi xuống bên cạnh mình, giọng chị rủ rỉ:
- Chờ mẹ nấu cơm xong, hai mẹ con mình cùng chơi trò gấp thuyền, vẽ tranh, được không?
- Vâng! Còi trả lời. Ôm con vào lòng, giọt nước mắt tủi hờn của chị lăn tròn xuống hai hõm má.
Vợ chồng chị Áy lập nghiệp ở nơi đất khách. Họ lấy nhau nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, họ quyết định đợi vài ba năm sau khi có chút vốn liếng mới sinh con. Anh Lý, chồng chị làm thuê trên phố mấy tháng mới về thăm nhà một lần. Đang khỏe mạnh bình thường, bỗng nhiên anh Lý thấy da mình đen sạm lại, người xanh xao, sút cân rất nhanh. Anh quyết định trở về quê. Cùng thời gian ấy, chị Áy sinh thằng Còi. Chị giục anh Lý đi khám. Bác sĩ bảo anh bị dương tính với HIV và đang ở giai đoạn cuối.
- Nghĩa là sao, bác sĩ?
- Nghĩa là anh đã bị nhiễm HIV, căn bệnh thế kỉ khó chữa nhất hiện nay. Người mắc bệnh này chỉ có thể cầm chừng bằng thuốc và không thể kéo dài lâu... Anh Lý không tin là thật. Nhưng sau khi bình tĩnh lại và được bác sĩ nêu ra các nguyên nhân dẫn đến căn bệnh, anh mới nhớ ra cách đây mấy năm, trong một lần đi đào móng công trình ở mấy ngôi nhà hoang ngoại ô thành phố, anh vô tình dẫm phải cái kim tiêm. Tưởng bình thường nên anh không mấy để ý. Thời gian trôi qua, tự dưng đương khỏe mạnh, anh nhận thấy sự thay đổi lạ ở trong người dẫn đến sức khỏe yếu, không thể tiếp tục làm việc.
Nghe bác sĩ bảo người nhiễm HIV có nguy cơ lây nhiễm sang đường tình dục, đường máu, anh Lý hối vợ và con làm xét nghiệm. Chị Áy bàng hoàng, mặt mũi tái xanh khi biết mình và con cũng có kết quả dương tính với HIV.
- Chuyện chẳng may chứ đâu phải tại anh. Có trách là trách ông trời đã quá tàn nhẫn với gia đình mình. Chị Áy đã nói thế với chồng sau rất nhiều những dằn vặt của anh. Rồi chị hỏi thăm tìm đến trung tâm chăm sóc đặc biệt của huyện, nơi dành cho những người bị nhiễm HIV để được tư vấn, cấp thuốc. Và bắt đầu từ đó, mỗi tuần, mỗi tháng, anh chị đều lặn lội cả trăm cây số đi nhận thuốc về uống.
Vợ chồng anh Lý mới về đến đầu làng đã thấy hàng chục cặp mắt tò mò, soi mói của mọi người. Không ngờ cái hung tin cả nhà anh bị nhiễm HIV lại loan về làng nhanh đến thế. Thay vì cái nhìn thân thiện, cười nói, hỏi thăm, giờ ai nấy tụm ba, tụm năm thậm thụt to nhỏ. Có người tỏ ra quan tâm nhưng chỉ đứng từ xa hỏi vài ba câu rồi vội đi ngay. Rồi mỗi khi gặp ai trong gia đình anh đi trên đường, người làng lại tìm cách né tránh bằng cách vụt nhanh qua, đi chậm lại hoặc rẽ đi đường khác. Họ xem gia đình anh chẳng khác nào những kẻ tội phạm nguy hiểm. Hiểu cảm giác của mọi người nên những lúc ra đồng hay chợ búa, chị Áy thường chọn những thời điểm ít người nhất mới dám đi.
Sống với mẹ con chị Áy được bảy năm thì anh Lý chết. Ngày đưa ma anh, người trong làng vì sợ nên chỉ được vài ba người đến qua loa rồi về. Có người bảo:
- Sống đã sợ gần, chết lại càng phải tránh xa. Có người còn đóng kín cửa khi đám ma đi qua vì sợ hơi người chết bay vào nhà. Mộ của anh Lý cũng được đem chôn tận chân núi cách xa làng mạc để ít ai nhìn thấy. Ngày mưa gió cũng như ngày nắng nực, chỉ duy nhất mẹ con chị Áy len lỏi giữa đám gai góc, cỏ lau men theo con đường mòn nhỏ tí vào cúng kiếng, nhang khói. Đám trẻ chăn trâu, chăn bò cũng không dám bén mảng đến nơi ấy, thành ra cái nghĩa địa dành riêng cho anh Lý chết vì bệnh “lạ” ấy càng trở nên rậm rịt.
Cuộc sống của mẹ con chị Áy cứ thế trôi đi trong lặng lẽ. Thằng Còi rất muốn được đi học như bao đứa bạn của nó trong xóm. Nhưng khổ nỗi hễ Còi cứ đến lớp là cả lớp lại chạy ra ngoài vì sợ. Cô giáo làm công tác tư tưởng được vài hôm rồi đâu lại vào đó. Cô hỏi vì sao thì chúng bảo ba mẹ chúng dặn không được ngồi gần thằng Còi vì sợ lây bệnh sida. Thằng Còi bị kì thị, chị Áy buồn hơn con. Chị nghĩ bụng. Thôi thì thà không biết chữ còn hơn phải chịu cảnh bị chúng bạn chửi rủa, xa lánh. Thế rồi chị đành nói khéo với cô để con nghỉ học ở nhà. Được cái, thằng Còi rất khéo tay. Những cái chong chóng lá dừa, cái đồng hồ lá chuối, chị dạy một lần, nó nhớ và làm giống y chang mẹ. Rồi những bức tranh về cây cỏ, hoa lá, người, vật… nó vẽ cũng rất đẹp. Một hôm ra ngoài đồng về, chị thấy con đang loay hoay vẽ mấy đứa trẻ đang cầm tay nhau đứng thành vòng tròn dưới gốc cây cổ thụ, trên khuôn mặt đứa nào cũng cười tí toét, rạng rỡ. Chị tò mò thì Còi vui vẻ chỉ vào bức tranh thuyết minh:
- Đây là con, đây là bọn thằng Hợi, thằng Tình, thằng Thắng, con Liên. Chúng con đang cùng nhau chơi trò bịt mắt bắt dê. Còn đây là cây hoa sữa đầu xóm mình. Còn có mấy bụi hoa cúc, hoa mười giờ nhà bà Năm nữa này mẹ. Còi nói về bức tranh như chính ước mơ của nó bấy lâu khiến chị Áy cảm thấy thương con đến thắt ruột.
- Chị Áy có nhà không?
- Cháu chào bà Năm. Mẹ con chị Áy từ trong nhà bước ra sân khi nghe giọng bà Năm vồn vã từ ngõ. Bà dúi vào tay thằng Còi hộp bút màu với dăm quả ổi hái trong vườn rồi nhìn chị Áy mỉm cười:
- Tôi thấy thằng Còi có năng khiếu vẽ nên có hộp bút màu cho thằng bé!
- Cháu cảm ơn bà Năm. Thằng Còi sung sướng nhận lấy hộp màu rồi chạy tót vào nhà tìm giấy vẽ.
- Thằng bé trông thật tội. Bị bệnh nặng mà vẫn lạc quan vui vẻ! Ngắm nhìn gương mặt bầu bĩnh, đôi mắt to tròn ngây thơ cùng nụ cười hiền lành của thằng bé, ai nói nó bị bệnh cơ chứ. Bà Năm chép miệng, lắc đầu nói.
- May có thằng Còi, ngôi nhà này mới đỡ ảm đạm, lạnh lẽo. Với cháu, nó là nguồn sống, nguồn động viên duy nhất bà ạ. Nhà ở đầu xóm, thế nên bà Năm là người hiểu hơn ai hết hoàn cảnh, cuộc sống và nỗi lòng của mẹ con chị Áy. Ngày hai bữa lo cho cuộc sống của hai mẹ con, chị Áy vẫn không quên đến tháng lại lặn lội bắt xe lên huyện lấy thuốc về để hai mẹ con uống.
- Bà Năm đã hiểu hoàn cảnh của mẹ con cháu, không xa lánh mẹ con cháu, cháu lấy làm mừng lòng lắm.
- Bà Năm mỉm cười vẻ gượng gạo:
- Xin lỗi cô Áy. Đôi lúc, tôi không hiểu chuyện nên cũng cứ né tránh. Mấy hôm trước có đoàn bác sĩ trên huyện về tuyên truyền về căn bệnh HIV. Họ nói rất rõ để mọi người hiểu và chia sẻ với người bị bệnh. Vậy mà mấy năm nay, ai nấy đều tìm cách né tránh, xa lánh mẹ con chị. Chắc hai mẹ con khổ tâm lắm!
- Dạ… Không sao bà ạ. Cháu hiểu suy nghĩ của mọi người mà. Mẹ con cháu không dám trách một ai cả.
- Còi ơi Còi! Giọng ai như giọng của thằng Hợi ngoài ngõ. Còi chạy ra, thằng Hợi cười khà khà:
- Mày ra gốc cây hoa sữa đầu xóm chơi bắn bi với tụi tao nhé!
- Hợi nói thật không? Còi tròn xoe mắt hỏi.
- Tao không nói xạo mày nữa đâu.
- Được rồi. Tao sẽ ra ngay đây! Mặt thằng Còi chưa bao giờ hớn hở hơn thế. Nó chạy khoe với mẹ rồi vào nhà lấy đùm bi ve, tủm tỉm cười, nhảy chân sáo ra đầu xóm. Bà Năm nhìn chị Áy cười, gật đầu. Dõi theo bóng con, chị Áy hạnh phúc đến rưng rưng cả nước mắt.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận