Chuyến bay đầu tiên trong lịch sử nhân loại được thực hiện do anh em nhà Wright vào ngày 17/12/1903 tại Mỹ. Chỉ 7 năm sau, vào lúc 10 giờ 30 ngày 10/12/1910, lần đầu tiên một chiếc máy bay cánh quạt, loại bốn cánh nhãn hiệu Farman 2 (một loại máy bay được coi là tiên tiến và phổ biến nhất vào thời đó) đã xuất hiện trên bầu trời Sài Gòn của Việt Nam.
Phi công Van Den Born thực hiện chuyến bay đầu tiên đến Sài Gòn
Từ chiếc phi cơ đầu tiên xuất hiện tại Sài Gòn
Sau khi lượn mấy vòng trên bầu trời, để dân chúng chiêm ngưỡng, máy bay mới hạ cánh xuống một bãi đất phẳng ở trường đua ngựa Polygone de l’Artillerie (nay là vị trí Bộ tư lệnh TP.HCM, thuộc phường 12, quận 10, trên đường Cách Mạng Tháng Tám).
Người phi công lái chiếc máy bay đó có tên Van Den Born, sinh năm 1874, bố là người Bỉ và mẹ là người Pháp. Chuyến bay này được xuất phát từ Tân Gia Ba (Singapore ngày nay), bay đến Sài Gòn - Đông Dương mất gần nửa ngày.
Trước ngày chiếc phi cơ đầu tiên đến Sài Gòn, chính quyền Nam kỳ lúc đó đã bố cáo với dân chúng thành phố biết rằng, sẽ có một sự kiện đặc biệt chưa từng thấy, sắp xảy ra trên bầu trời Sài Gòn. Vì thế người dân mới được biết để đến bãi quần ngựa này khá đông, ước vào khoảng 150.000 người. Nơi đây vốn là bãi tập bắn trọng pháo của lực lượng pháo binh của quân đội Pháp, người Pháp tận dụng để làm nơi đua ngựa. Bãi đất trống khá rộng và bằng phẳng, vì thế đây nơi lý tưởng để biến thành sân cho máy bay thời đó mới đáp xuống được.
Cùng với nhiều người dân Sài Gòn, Chợ Lớn, có mặt tại sân trường đua, vào thời điểm đó còn có Thống đốc Nam kỳ, cùng đại sứ Pháp tại Bangkok Thái Lan để chứng kiến chiếc máy bay hạ cánh an toàn,
Sau cuộc tiếp đón, cũng tại nơi này, chiếc máy bay Farman 2 đã cất cánh để trở lại nơi xuất phát là Singgapore.
Trước đó, từ ngày 8 đến 18/10/1910 được người đứng đầu xứ Đông Dương nhiệt tình ủng hộ và hỗ trợ, viên phi công Van Den Born đã tổ chức thành công “Đại tuần lễ Hàng không tại Nam Kỳ” (Grande semaine d’ Aviation) diễn ra tại Sài Gòn.
Sau sự kiện Sài Gòn đón chiếc máy bay hạ và cất cánh, 3 năm sau, năm 1913, một phi công người Nga tên là Komnousky mới hạ cánh xuống trường đua Hà Nội.
Hàng không Pháp tổ chức bán vé máy bay đi các tuyến nội địa ở Việt Nam
Qua những sự kiện hàng không độc đáo này ở Sài Gòn, làm chính quyền Pháp ở Đông Dương thêm quyết tâm xây dựng phi trường để nối liền Đông Dương mà chủ yếu là Sài Gòn đến các nước trong vùng Đông Nam Á và Châu Á. Mong muốn của người Pháp là trong tương lai sẽ mở một tuyến đường hàng không nối Thủ đô Paris nước Pháp với thành phố Sài Gòn Việt Nam.
Ngày 21/12/1920 có một sự kiện lớn không chỉ với chính quyền Pháp tại Việt Nam mà còn là một dấu mốc lịch sử mở đầu nền hàng không Việt Nam những năm sau này, đó là một đội bay người Pháp thực hiện thành công chuyến bay từ Pháp sang Việt Nam.
Bắt đầu từ năm 1930 Pháp tổ chức khánh thành sân bay Điện Biên Phủ, và ngày 15/2 bay thử nghiệm tuyến Hà Nội - Điện Biên Phủ - Luông Pha Băng - Viên Chăn - Hà Nội.
Tiếp theo là một loạt các sân bay được hoàn thành như: Tân Sơn Nhất (1930), Tuy Hòa (1930), Gia Lâm (6/1936), Vinh (1937), Phú Bài (1940). Riêng ga hàng không Gia Lâm (Hà Nội) là một trong những ga được Pháp trang bị hoàn hảo nhất ở vùng Viễn Đông lúc bấy giờ
Từ năm 1940, hàng không Pháp có tổ chức bán vé máy bay đi các tuyến nội địa ở Việt Nam, nhưng giá vé cao nên chủ yếu chỉ phục vụ hàng ngũ quan chức cao cấp Pháp. Ngoài ra, Pháp còn tổ chức bán vé bay du lịch ở sân bay Gia Lâm với chuyến bay vòng quanh bầu trời Hà Nội.
Đông Dương đã có một số tuyến bay quốc tế như: Việt Nam (Hà Nội) - Pháp do Hãng Air France thực hiện, tuần một chuyến. Sài Gòn - Singapore - Indonesia do Hãng hàng không Hà Lan thực hiện. Hà Nội - Vân Nam do Hãng hàng không Eurasian thực hiện. Hà Nội - Hồng Kông - Pênan do Hãng hàng không Anh Imperial Airways thực hiện. Hà Nội - Hồng Kông - Trùng Khánh do Hãng hàng không Trung Hoa (China National Corporation) đảm nhiệm Tuyến Tokyo - Hà Nội - Tokyo, Tokyo - Hà Nội - Đà Nẵng - Sài Gòn - Băng Cốc do Hãng hàng không Nhật Bản (Dai Nipponkoku Kaisha) thực hiện.
Đến sân bay "quốc tế" đầu tiên của cách mạng Việt Nam ra đời
Tháng 6/1945, Bác Hồ chỉ đạo xây dựng Sân bay Lũng Cò thuộc thôn Đồng Đon, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang để vận chuyển quân sự của mặt trận Đồng Minh cho cách mạng Việt Nam (máy bay L5 của Mỹ cất, hạ vận chuyển đưa đón quân đồng minh, thuốc men, vũ khí từ Côn Minh sang Tân Trào; sân bay dài 400m, rộng 20m). Đây là sân bay do chính chúng ta làm nên và có thể coi là sân bay “quốc tế” đầu tiên của cách mạng Việt Nam.
Sau ngày ra đời, tuy còn rất non trẻ, tháng 2 năm 1956, máy bay của Hàng không dân dụng Việt Nam đã bắt đầu thay thế Hàng không Pháp để phục vụ Uỷ ban quốc tế giám sát việc thực hiện Hiệp định Giơ-ne-vơ tại Việt Nam. Đặc biệt, cùng thời gian này máy bay LI-2 số hiệu VN-198 đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên cơ chở Bác Hồ và các cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và quân đội đi công tác trong nước và các nhiệm vụ đặc biệt khác.
Sau khi kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, ngày 10/10/1954 cùng với việc tiếp quản Thủ đô theo kế hoạch đã định bộ đội ta tiến vào sân bay Gia Lâm tiếp quản các vị trí quan trọng; lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên đài chỉ huy sân bay. Đúng 12 giờ đêm ngày 31/12/1954 từ sân bay Gia Lâm, một bức điện đã phát lên không trung, báo cho toàn thế giới biết: “Kể từ 0 giờ ngày 01/01/1955, theo giờ Hà Nội, Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, sân bay Gia Lâm không còn nằm trong khu quản chế của Đông Dương. Tất cả các máy bay muốn vào, ra miền Bắc Việt Nam, từ vĩ tuyến 17 trở ra, phải xin phép cơ quan điều phái của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đặt tại sân bay Gia Lâm - Hà Nội”.
Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, với tầm nhìn chiến lược sâu rộng, ngày 15/1/1956 Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký ban hành Nghị định số 666/TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Cục Hàng không dân dụng thuộc Thủ tướng phủ. Từ đây, hàng năm, ngày 15/1/1956 được lấy làm ngày truyền thống của ngành Hàng không dân dụng Việt Nam.
Đến năm 1956 trên toàn miền Bắc khôi phục được 6 sân bay ở các tỉnh và thành phố như: Hà Nội, Hải Phòng, Vinh, Sơn La, Lai Châu, Quảng Bình đã tạo ra một đầu mối giao thông quan trọng mà trung tâm là sân bay Gia Lâm.
Cuối năm 1959, số lượng máy bay của Cục Hàng không dân dụng Việt Nam mới chỉ có 10 chiếc, gồm các loại: IL-14, Li-2, AN-2, Mi-4, Aero-45, Trener nhưng đã thực hiện được 3.735 chuyến bay vận tải hành khách và hàng hóa trên các đường bay trong nước, thiết thực góp phần khôi phục nền kinh tế miền Bắc và công cuộc cách mạng chung của cả nước.
Để tăng cường công tác quản lý lực lượng của hàng không dân dụng đồng thời nâng cao vai trò, vị trí của hàng không dân dụng Việt Nam trên trường quốc tế; ngày 7/6/1963, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 39/BT thành lập lại Cục Hàng không dân dụng.
Trong tình hình cả nước có chiến tranh, cán bộ, chiến sĩ không quân vận tải vừa làm tròn nhiệm vụ quân sự, vừa làm nhiệm vụ bay dân dụng. Các tổ lái và máy bay mang ký hiệu của Hàng không dân dụng Việt Nam nhưng thực chất lại là lực lượng quân đội, nằm trong biên chế của Trung đoàn Không quân vận tải 919 của Cục Không quân.
Sau khi đất nước thống nhất, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không giữa hai miền rất lớn, đồng thời đòi hỏi hàng không dân dụng phải trở thành ngành kinh tế kỹ thuật quan trọng của đất nước. Do vậy, ngày 11/2/1976, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 28/CP về việc thành lập Tổng cục Hàng không dân dụng trực thuộc Hội đồng Chính phủ nhưng về mặt tổ chức quản lý và chỉ đạo xây dựng ngành Hàng không dân dụng vẫn trực thuộc Bộ Quốc phòng.
Tổng cục Hàng không dân dụng có các đơn vị sản xuất và phục vụ sản xuất trực thuộc là Đoàn bay 919 hoạt động trên 11 sân bay: Gia Lâm, Tân Sơn Nhất, Phú Quốc, Rạch Giá, Đà Nẵng, Đồng Hới, Phú Bài, Liên Khương, Buôn Ma Thuột, Nha Trang, Quy Nhơn. Lúc này tổng số có 42 chiếc máy bay các loại.
Từ ngày 20/8/1976, Chính phủ cho phép Ngành hàng không dân dụng bán vé hành khách và cước hàng hóa, tuy nhiên đối tượng được mua rất hạn chế, thủ tục chặt chẽ, phức tạp.
Ngày 29/8/1989, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định số 112/HĐBT quy định chức năng, nhiệm vụ và bộ máy tổ chức của Tổng cục Hàng không dân dụng Việt Nam, thực hiện chức năng là cơ quan quản lý nhà nước về hàng không dân dụng và Quyết định 225/CT về việc thành lập Tổng công ty Hàng không VN thực hiện chức năng vận tải hàng không và các dịch vụ đồng bộ.
Nghị định 112/HDBT nêu rõ “Hàng không dân dụng Việt Nam là ngành kinh tế, kỹ thuật của Nhà nước; Tổng cục Hàng không dân dụng là cơ quan trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng”.
Từ thời điểm này, cơ quan quản lý nhà nước về Hàng không dân dụng là cơ quan dân sự, các đơn vị hoạt động kinh tế là một tổ chức kinh tế quốc doanh
Sau 63 năm phát triển, đến thời điểm này, cả nước đã có 22 sân bay. Đội tàu bay của các hãng hàng không tính đến hết tháng 8/2021 là 241 tàu, bao gồm những tàu bay hiện đại bậc nhất hiện nay như Boeing 787-9, Airbus A350…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận