Chỉ có giấy và bút
Năm 1999, trước khi Bộ GTVT khởi công dự án đường Hồ Chí Minh (tháng 5/2000), tòa soạn báo Tuổi trẻ phân công tôi và phóng viên Đình Thắng làm một chuyến đi có tên "Hành trình đường Trường Sơn huyền thoại".
Nhiệm vụ của chuyến đi là ghi nhận lại tất cả những gì thuộc về con đường lịch sử, trước khi nó được làm mới, bắt đầu từ Km0 ở thị trấn Lạt (Tân Kỳ, Nghệ An) về đến Chơn Thành (Bình Phước). Chuyến đi hết 26 ngày. Với những chuyến công tác đường rừng như thế này, công nghệ quan trọng.
Chúng tôi mang theo 2 cái máy ảnh cơ, vài chục cuốn phim trắng đen và khoảng chục cuộn phim màu. Những thứ như máy ảnh kỹ thuật số hay điện thoại thông minh đều chưa có. Cuối tháng 4/1999, chúng tôi gửi xe máy theo đường tàu hỏa ra Nghệ An. Hai phóng viên đi máy bay ra, lấy xe và đi Tân Kỳ, bắt đầu hành trình.
Từ thị trấn Tân Kỳ, chúng tôi rong ruổi trên 2 chiếc xe moto Bonus (dòng xe 125cc của Đài Loan (Trung Quốc sản xuất), xuôi đường 15A về Vinh, dọc sông Lam xuôi về Hà Tĩnh, xuyên đèo Đá Đẽo qua Quảng Bình, theo đường 12A qua các huyện miền núi Minh Hóa, Tuyên Hóa về phà Xuân Sơn, Phong Nha - Kẻ Bàng, ngược đường 20 Quyết Thắng thăm hang Tám Cô.
Rồi xuyên Dakrong, Tà Rụt về A Sầu, A Lưới, theo đường 14 đi qua đoạn bãi vàng Phước Sơn - Khâm Đức, xuôi Kon Tum, qua Buôn Mê Thuột về Chơn Thành, điểm cuối của đường Hồ Chí Minh tại Bình Phước. Đêm ngủ ở Nghĩa trang Trường Sơn, ngủ nhờ nhà dân, trường học hoặc bất cứ chỗ nào có thể ngủ được…
Gian nan chuyển tin bài
Chuyến đi rất vất vả, ăn uống ngủ nghê bờ bụi, nhưng việc chuyển bài vở, chuyển hình ảnh về tòa soạn mới là gian nan nhất. Chẳng hạn hôm ở Quảng Bình, tôi phải phóng xe 45km từ Phong Nha - Kẻ Bàng ra thị xã Đồng Hới (Quảng Bình) để rửa ảnh. Rồi ra bến xe, nhờ hành khách đi xe đò cầm hộ về TP.HCM. Sợ nhất là thất lạc vì lúc đó mấy ai có điện thoại di động. Luôn luôn có độ trễ 2-3 ngày. Không như bây giờ, giơ điện thoại lên, chấm một cái, chuyển/nhận ngay tức thì.
Bài viết thì viết trên giấy Bãi Bằng khổ A4 mang theo. Kê trên đầu gối, nằm bò ra vệ đường mà viết. Ngoài chuyển theo xe đò, đôi khi chúng tôi ghé bưu điện để fax (điện tín thư).
Ở nhiều bưu cục, chúng tôi phải trình chứng minh nhân dân, thẻ nhà báo, ký vào biên bản về việc có fax "tài liệu" đi, rồi mới được fax. Trước khi fax, có nơi còn photocopy một bản làm "vật chứng".
Các cô bưu điện viên bảo: "Đó là quy định!". Không như bây giờ, đi tác nghiệp bất kỳ nơi đâu chỉ với một cái điện thoại, gõ chữ, chụp hình, quay và dựng video rồi nhấn nút gửi là xong với đủ nền tảng miễn phí: Mail, Zalo, Viber, Facebook…
Thoát cái đã 25 năm. Không ai còn chụp ảnh, tráng phim. Máy fax là thứ không có trong đầu của các nhà báo trẻ. Và giờ đây, công nghệ làm báo đã tiến một bước rất dài, có đóng góp rất quan trọng của thành tựu ChatGPT. Đó là bước tiến vĩ đại.
"Con dao hai lưỡi"
ChatGPT (Chat Generative Pre-training Transformer) là một chatbot do OpenAI phát triển. Đây là AI (trí tuệ nhân tạo), giúp tạo các cuộc trò chuyện tự động và trả lời các nội dung ở bất cứ lĩnh vực nào nó tích lũy, nhờ được "đào tạo" bởi các nhà khoa học lập trình.
Sau ChatGPT, hàng loạt chatbot được tạo ra, với đủ loại app, cứ search là thấy: Bing, AI Chat, Claud AI, Google Gemini, Microsoft Copilot, Perplexity AI, Pi AI, OpenAi GPT Playground, Poe by Quora, Chatsonic… Ở đây, khi nói đến công nghệ này, chúng tôi tạm gọi chung là ChatGPT.
AI và ChatGPT thay đổi rất nhiều thứ, từ hình thức làm việc, phương pháp tư duy và cả hoài nghi về việc nó có thể làm thay nhà báo. Hiện nay, ở Việt Nam, nhiều nhà báo đã có tài khoản ChatGPT, đa phần là các tài khoản miễn phí. Nhưng số khác có trả phí để được dùng tư liệu chính xác hơn, đầy đủ và nhiều tính năng hơn.
Phóng viên Quốc Hùng, báo Sài Gòn Giải Phóng cho biết, anh mở một tài khoản và trả phí 4 triệu đồng một năm. ChatGTP làm thay anh các phần việc: Chuyển văn bản dạng file PDF hoặc giọng nói sang dạng word, tóm tắt hàng chục trang tài liệu chỉ còn một trang theo dạng gạch đầu dòng các nội dung chính. Trong một số trường hợp, ChatGPT còn giúp anh làm biểu đồ (công việc mà báo chí rất cần) khi được cung cấp đủ số liệu. "Rất đáng đồng tiền bát gạo", anh nhận xét.
Nhà báo Trương Bảo Châu, Phó tổng thư ký báo Tuổi trẻ cho biết, ChatGPT giúp chị kiểm tra thông tin những chi tiết trong bài viết của phóng viên khi chị nghi ngờ có sai sót, nhất là các thuật ngữ hoặc sự kiện.
Nhưng một số cũng không dùng. Phóng viên Trần Xuân Thái của Tạp chí Kinh tế Việt Nam nói: "Đó là con dao hai lưỡi, nó làm mình lười biếng và thui chột".
Cũng như Xuân Thái, các nhà báo lớn tuổi, chậm tiếp cận công nghệ hoặc bảo thủ dùng ChatGPT rất hạn chế. Các nhà báo trẻ thì thỏa sức tung hoành hơn. Nhưng cũng đáng cảnh báo: Một số phóng viên lười biếng đã nhờ ChatGPT viết tin bài. Đó thực sự là một thảm họa về đạo đức nghề nghiệp. Ngay cả việc nhờ ChatGPT tóm tắt tài liệu cũng gây hại không nhỏ: Làm cho nhà báo lười đọc tài liệu. Mà lười đọc thì khó mà tích lũy kiến thức.
AI đang thay con người làm nhiều việc và trên thế giới, nó đang được sử dụng để làm thử nhiều số báo, nhiều thể loại. Đã có những tranh luận nhưng bất phân thắng bại: AI có thay thế nhà báo được hay không?
Tôi theo phe "không". Bởi AI hiện chỉ đang làm công việc với nguồn tư liệu mà nó tích lũy được, tức chỉ tổng hợp và phân tích nhỏ những nội dung nó được nạp vào, chứ không thể tư duy. Cho tới khi AI biết tư duy, thì lúc đó nó không chỉ làm thay nhà báo mà có thể làm… thay đổi thế giới, như ta thường thấy trong phim khoa học viễn tưởng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận