Thời sự Quốc tế

Từ vụ nổ tàu Titan lộ mánh khóe của công ty vận hành

23/06/2023, 11:24

OceanGate nhiều lần khẳng định Boeing và NASA tham gia hợp tác thiết kế và chế tạo tàu Titan nhưng sau khi vụ nổ xảy ra, sự thật mới hé lộ.

Tuyên bố hợp tác với nhiều tổ chức công nghệ uy tín...

Theo đài ABC News, trong nhiều phát ngôn công khai trước đây, Công ty OceanGate – đơn vị chế tạo tàu lặn Titan cho biết, con tàu lặn nước sâu duy nhất của công ty này là sản phẩm được thiết kế và chế tạo với sự hỗ trợ của nhiều công ty, tổ chức lớn, uy tín như nhà sản xuất máy bay Boeing, Đại học Washington, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Mỹ (NASA).

Tuy nhiên, sau khi tàu lặn Titan mất tích, đài ABC News liên lạc với các đơn vị này thì nhận được câu trả lời rằng sự đóng góp của họ trong quá trình chế tạo tàu lặn Titan không như những gì OceanGate tuyên bố.

Khi được hỏi liệu OceanGate có nói quá về vai trò của các đối tác trong quá trình phát triển tàu lặn Titan hay không, đại diện công ty đã từ chối bình luận.

img

Tàu lặn Titan

Trước đây, công ty OceanGate Expeditions – đơn vị khai thác thám hiểm với tàu lặn Titan từng giới thiệu: “Đây là phương tiện hiện đại được thiết kế và chế tạo bởi công ty OceanGate dưới sự hợp tác của các chuyên gia từ NASA, Boeing, Đại học Washington. Tàu ra mắt lần đầu tiên vào năm 2018”.

Song, hiện tại trang web của OceanGate Expeditions không còn truy cập được.

Giám đốc điều hành, nhà sáng lập OceanGate Stockton Rush, một trong những người có mặt trên con tàu xấu số, cũng từng đưa ra những tuyên bố tương tự về mối quan hệ hợp tác giữa công ty với Boeing hay NASA trong cuộc phỏng vấn với phóng viên David Pogue của Đài CBS News vào năm 2022.

...thực tế là không liên quan hoặc hợp tác rất ít

Song, trong phản ứng mới nhất, ông Kevin Williams – Giám đốc điều hành Phòng thí nghiệm vật lý ứng dụng của Đại học Washington cho biết, trường đại học này và phòng thí nghiệm hoàn toàn không liên quan tới quá trình thiết kế, chế tạo hay thử nghiệm tàu lặn Titan.

Đại diện trường Đại học Washington – bà Victor Balta cho biết, OceanGate và Phòng thí nghiệm vật lý ứng dụng ban đầu đã ký thỏa thuận hợp tác nghiên cứu trị giá 5 triệu USD nhưng đã kết thúc hợp tác khi mới hoàn thành khối lượng công việc tương đương giá trị 650.000 USD.

Phần nghiên cứu đó liên quan tới việc phát triển một tàu lặn khác của OceanGate đó là tàu lặn nước nông Cyclops I, theo bà Balta.

Cyclops I là tàu thân thép chỉ có thể xuống tới độ sâu khoảng 500m trong khi tàu Titan được làm từ sợi carbon và titanium có thể xuống độ sâu 4.000m.

Ngoài ra, theo bà Balta, OceanGate đã ký hợp đồng với trường để sử dụng bể thử nghiệm cho 9 lần thử nghiệm từ năm 2016-2022 nhưng "không có nhà nghiên cứu nào của Đại học Washington liên quan tới bất cứ cuộc thử nghiệm nào kể trên và nhân sự của trường cũng không xác nhận hay đánh giá thiết bị của OceanGate để làm kết quả cho các thử nghiệm đó".

Còn với Boeing, khi được hỏi về chi tiết mối quan hệ giữa nhà sản xuất máy bay này với OceanGate, đại diện công ty cho hay, Boeing không liên quan tới quá trình thiết kế hay chế tạo tàu lặn nước sâu.

Tuy nhiên, nhìn lại lịch sử, trong thông cáo báo chí năm 2021, OceanGate từng cảm ơn đối tác Boeing vì đã hỗ trợ thiết kế và chế tạo tàu lặn Titan.

Bên cạnh đó, OceanGate cũng nhiều lần nhắc đến mối quan hệ tương tự với NASA. Song, khi được hỏi về thông tin này, NASA xác nhận không tư vấn về chất liệu hay sản xuất tàu lặn Titan theo thỏa thuận với OceanGate.

Theo ABC News, OceanGate đã sử dụng những tuyên bố hợp tác trên để củng cố mức độ tin cậy của công ty với các tổ chức công nghiệp như Hiệp hội Công nghệ biển và những người muốn mua vé tham gia trải nghiệm thám hiểm của OceanGate.

Trong đánh giá về thị trường các phương tiện lặn có người điều khiển trong giai đoạn 2017-2018, Hiệp hội Công nghệ biển từng đánh giá: “OceanGate đã đầu tư 6 năm để thiết kế và thử nghiệm tàu chịu lực mạnh, hợp tác với các tổ chức công nghệ như Phòng thí nghiệm vật lý ứng dụng tại Đại học Washington và công ty Boeing”.

Song sau đó, nhiều thành viên trong Hiệp hội Công nghệ biển chuyên về tàu lặn đã lên tiếng bày tỏ quan ngại rằng OceanGate chưa đạt được các tiêu chuẩn an toàn trong ngành công nghiệp này.

Theo thông tin mới nhất, đêm 22/6, theo giờ VN, tàu lặn Titan đang thực hiện chuyến lặn ngắm xác tàu Titanic ở độ sâu 3.800m dưới đáy Đại Tây Dương đã gặp nạn và bị nổ thảm khốc khiến toàn bộ 5 người trên tàu thiệt mạng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.