Bài học từ lô hàng lỗi
Nhà máy sản xuất, chế tạo dụng cụ cơ khí của Công ty TNHH Dụng cụ An Mi (An Mi Tools) có diện tích 11.500m2, tọa lạc tại thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên.
Với những sản phẩm trọng tâm như chế tạo dụng cụ cắt; chế tạo chi tiết cơ khí chính xác; tự động hóa và chế tạo máy… đây là “cứ địa” thổi lửa ước mơ “Made in Vietnam” của Giám đốc điều hành - ông chủ Nguyễn Hồng Phong.
Dây chuyền chế tạo dụng cụ cắt gọt CNC, sản phẩm xuất khẩu chính của An Mi Tools
Ông Phong khoe, khách hàng của công ty là các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp FDI như Samsung, Toyota, Honda… và doanh nghiệp lớn trong nước.
15 năm phát triển, ông chủ An Mi Tools tự hào đã có chỗ đứng trên thị trường. Bí quyết giúp An Mi Tools được các đối tác lớn lựa chọn là nhờ hệ thống máy móc chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe.
Song, để có được ngày hôm nay, ông Phong cho biết, không dễ dàng gì khi đây là lĩnh vực đòi hỏi chính xác cao, cạnh tranh gay gắt. Hiện công ty đang xuất khẩu đi Nhật, Đức, Indonesia, châu Âu... với tỷ trọng 30 - 35% doanh thu. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là dụng cụ cắt gọt và sản phẩm cơ khí chính xác.
Năm 2017, những viên gạch đầu tiên được đặt xuống tại Lô L3, khu công nghiệp dệt may Phố Nối B, tỉnh Hưng Yên, đánh dấu mốc quan trọng cho hành trình chinh phục thị trường ngoại của An Mi Tools.
Năm 2018 nhà máy bắt đầu sản xuất và sau 1 năm đã xuất khẩu được lô hàng đầu tiên cho đối tác Đức với trị giá 6.000 euro (khoảng hơn 150 triệu đồng).
“Đơn hàng nhỏ nhưng chúng tôi rất vui sướng, bởi chúng tôi đã chạm đến ước mơ. Công ty thành lập riêng một nhóm chuyên trách đơn hàng này. Thời điểm đó, tôi hồi hộp lắm. Nhóm này chịu trách nhiệm từ quy trình sản xuất, đến cách thức giao hàng và xử lý những sai sót để đơn hàng cập bến suôn sẻ”, ông Phong kể.
Giao thành công đơn hàng đầu tiên, rồi đến đơn hàng thứ 2, nhưng đến đơn hàng thứ 3 với trị giá khoảng 10.000 euro (tương đương 250 triệu đồng) thì gặp trục trặc khi đối tác phản hồi 20% lô hàng bị rỉ sau một thời gian.
“Thời điểm đó, chúng tôi mất ăn mất ngủ vì khó tìm ra nguyên nhân, do chưa có kinh nghiệm. Chúng tôi phải truy ngược lại tất cả các khâu, như vệ sinh sau gia công, bôi dầu chống rỉ, bao gói hút chân không... mất rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc”, vị doanh nhân trải lòng.
Ông cho biết, mất nhiều tháng trời, cuối cùng, nguyên nhân được xác định là công nhân đóng gói không tuân thủ tốt việc đeo găng tay. Tất cả lô hàng phải thu hồi và phải đổi lô hàng mới cho đối tác.
Thiệt hại lớn, nhưng ông Phong cho rằng, đó là bài học sâu sắc, mở đường cho những đơn hàng lớn sau này. “Cũng nhờ đó tôi mới nghiệm ra rằng, ý thức và tư duy, trình độ của người lao động là quan trọng nhất nếu doanh nghiệp muốn trở thành đại bàng”, ông nói.
Mục tiêu nghìn tỷ
Ông Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc điều hành An Mi Tools
Hiện nay, doanh thu của công ty khoảng vài trăm tỷ đồng mỗi năm. Mục tiêu được ông chủ doanh nghiệp này đặt ra là khoảng 800 - 1.000 tỷ đồng vào năm 2025 và 2.000 tỷ đồng năm 2030. Riêng trong năm 2023, An Mi Tools đặt mục tiêu tăng trưởng 65% so với năm ngoái, tương đương mức doanh thu 345 - 350 tỷ đồng.
Tự tin với mốc tăng trưởng đặt ra, ông Phong cho biết, kể cả thời điểm dịch Covid-19 bùng phát nghiêm trọng, công ty vẫn đạt mức tăng trưởng là 20 - 30% doanh thu.
Để thuyết phục được đối tác nước ngoài lựa chọn sản phẩm của mình, đầu tiên công ty phải tạo dựng được niềm tin về sản phẩm dịch vụ, sau đó từng bước chứng minh chất lượng và sự ổn định chất lượng theo thời gian. Giá cả cũng phải cạnh tranh, bởi đó yếu tố tiên quyết.
Ông Nguyễn Hồng Phong
Cho rằng mục tiêu trên không phải là quá tham vọng, ông Phong tự tin: “Tất cả dựa trên cơ sở đánh giá đầu tư về nguồn lực như nhà xưởng, con người, máy móc, đội ngũ tinh nhuệ. Đó là mục tiêu khả thi”.
Ông kể, ngay từ khi xây dựng nhà máy, An Mi Tools đã sử dụng hệ thống máy mài chính xác, hệ thống đo kiểm hiện đại được nhập khẩu từ các hãng sản xuất lớn tại Đức, Nhật Bản, Thụy Sĩ.
Nhờ đó, doanh nghiệp đã cho ra đời dụng cụ cắt đa dạng, với những sản phẩm thế mạnh là dao với thiết kế riêng cho từng ứng dụng gia công như phay chữ T, dao nhiều bậc, dao định hình…
Ông cũng cho biết thêm, thời điểm chưa xuất khẩu, công ty thường chỉ đạt mức tăng trưởng doanh thu ngưỡng 10 - 20%. Tuy nhiên, sau khi thâm nhập được thị trường ngoại, đơn hàng nội địa cũng tăng hơn nhờ uy tín được nầng tầm.
“Các sản phẩm khi đạt chuẩn và được đối tác nước ngoài ghi nhận đã là thành công về chất lượng. Lúc này, đối tác sẽ quan tâm đến giá thành. Do đó, chúng tôi sẵn sàng đặt ra mức lợi nhuận thấp hơn thị trường, ngưỡng 15% (thông thường 20 - 30%) để hạ giá thành”, ông Phong nói và cho biết, chiến lược khác của ông là “bản lý lịch tài chính sạch”.
Theo ông Nguyễn Vân, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội (HANSIBA) đánh giá, An Mi Tools là công ty tiềm năng về cơ khí chính xác. Đa phần doanh nghiệp Việt Nam chỉ gia công, những doanh nghiệp xuất khẩu trong lĩnh vực này không nhiều.
“Qua thời gian làm việc với An Mi Tools - một hội viên của HANSIBA, tôi rất ấn tượng với mô hình nhân sự ở đây, họ rất coi trọng việc đào tạo bài bản về quản trị ở các khâu. Những doanh nghiệp như An Mi Tools là điển hình cho những doanh nghiệp trong hiệp hội học hỏi”, ông Vân cho biết.
Ông Nguyễn Hồng Phong cho biết, các sản phẩm xuất khẩu của công ty hiện nay chủ yếu là dụng cụ cắt gọt như mũi khoan, dao phay, dao doa, dụng cụ đặc biệt theo yêu cầu và hàng chế tạo chính xác như gá kẹp, chấu cặp máy tiện phay, bộ tháo lắp dụng cụ. Đây cũng là các sản phẩm được các doanh nghiệp lớn như Samsung lựa chọn hợp tác. Giá hàng hóa xuất khẩu cao hơn giá bán trong nước từ 20 - 30%.
Theo ông Nguyễn Vân, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội, độ lớn thị trường dụng cụ cắt gọt toàn cầu năm 2020 được xác định khoảng 65 tỷ USD. Hiện doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cơ bản phải nhập khẩu để sử dụng.
“Việc An Mi Tools sản xuất được sản phẩm này góp phần khẳng định chỗ đứng của công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, giúp Việt Nam giảm phụ thuộc hàng nhập khẩu, giúp doanh nghiệp sản xuất trong nước đẩy mạnh năng lực gia công, rút ngắn thời gian, tối ưu chi phí”, ông Vân đánh giá.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận