Sáng 24/11, tại thành phố Cần Thơ diễn ra buổi tọa đàm "Vật liệu nào thay thế cho cát sông?" do Báo Đại Đoàn Kết tổ chức.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, ông Dương Tấn Hiển, Phó chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết, tổng nhu cầu vật liệu cát cần cho hai dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025 đoạn Cần Thơ - Cà Mau và cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua địa bàn là hơn 11 triệu m3. Đó là chưa kể đến các công trình xây dựng, cầu đường lớn nhỏ địa phương đang triển khai...
Trong khi đó, các mỏ cát trên địa bàn thành phố, trữ lượng chỉ còn khoảng 5,3 triệu m3. Nhưng qua nghiên cứu đánh giá của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, cát của Cần Thơ không đủ quy chuẩn để làm đường cao tốc.
"Về giải pháp, đối với các dự án cao tốc, Cần Thơ rất cần sự hỗ trợ của tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long.
Còn đối với các công trình dân dụng, địa phương có thể sử dụng nguồn cát từ các mỏ trên địa bàn và các tỉnh lân cận khác. Một nguồn khác nữa đó là mua cát thương mại từ Campuchia. Tuy nhiên, chi phí khá cao.
Về lâu dài, Cần Thơ được Quốc hội thông qua Nghị quyết 45 về áp dụng cơ chế đặc thù. Trong đó, có dự án nạo vét luồng Định An, sản phẩm nạo vét có cát và đất. Nguồn này rất lớn, địa phương sẽ tiến hành xử lý và sử dụng nguồn vật liệu này để phục vụ cho các công trình.
Ngoài ra, Cần Thơ còn đang nghiên cứu giảm lượng cát đối với một số công trình, thay vào đó là xử lý kỹ thuật cho phù hợp", Phó chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho hay.
Còn theo tiến sĩ kinh tế Trần Hữu Hiệp, việc sử dụng cát tại khu vực ĐBSCL đang bị mất cân bằng nghiêm trọng. Nhu cầu tăng cao nhưng nguồn cung thì hạn chế.
Theo ông, không chỉ đơn giản đi tìm vật liệu thay thế cát sông, vấn đề lớn hơn cần quan tâm ở đây là cân đối lại nhu cầu sử dụng.
Đơn cử như việc sử dụng nguồn vật liệu khác cho các công trình dân dụng thay vì thói quen sử dụng cát. Việc này đóng vai trò rất quan trọng trong việc làm giảm nhu cầu sử dụng nguồn cát sông...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận