Chiều 11/10, trên trang web đấu giá của Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam niêm yết hàng loạt biển số xe ô tô sẽ đưa ra đấu giá trong tháng 10.
Đáng chú ý, danh sách này có cả 6 biển số VIP (trong tổng số 11 biển) đã được tung lên sàn hôm 15/9, gồm: 51K-888.88 (TP.HCM, đã trúng đấu giá với giá 32,340 tỷ đồng); 30K-555.55 (Hà Nội, chốt giá 14,12 tỷ đồng); 30K-567.89 (Hà Nội, giá 13,075 tỷ đồng); 36A-999.99 (Thanh Hóa, giá 7,47 tỷ đồng), 98A-666.66 (Bắc Giang, trúng giá 3,075 tỷ đồng) và 47A-599.99 (Đắk Lắk, chốt giá 1,37 tỷ đồng).
Theo công ty tổ chức đấu giá, sau khi có kết quả và biên bản đấu giá dành cho 11 biển số trên, ngày 18/9, Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) đã ban hành quyết định phê duyệt trúng kết quả cho toàn bộ tài sản này.
Đồng thời, Cục CSGT gửi thông báo kết quả cho 11 khách hàng trúng đấu giá và tính thời hạn nộp đủ tiền theo quy định là đến hết ngày 3/10.
Tuy nhiên, hết thời hạn nộp tiền nhưng 6 khách hàng trúng đấu giá các biển số nêu trên vẫn chưa nộp tiền trúng đấu giá với tổng số tiền hơn 71 tỷ đồng.
Sau đó, Cục CSGT căn cứ quy định tại điểm a, Khoản 3 Điều 19 Nghị định số 39/2023 để ban hành các quyết định về việc hủy kết quả đấu giá đối với 6 biển số, đưa ra đấu giá lại.
Ngoài việc bị hủy các kết quả, những người trúng đấu giá 6 biển số cũng không được hoàn lại tiền đặt trước (40 triệu đồng/trường hợp), mà khoản này sẽ được nộp vào ngân sách Nhà nước.
Trao đổi với Báo Giao thông, một đấu giá viên tại Hà Nội từng tham gia tổ chức thành công nhiều cuộc đấu giá tài sản cho biết, thực tế từng ghi nhận không ít tình huống khách hàng đấu giá thì trả rất cao, song cuối cùng họ không nộp tiền và chịu mất khoản phí đã đóng cọc.
Theo chuyên gia, với các trường hợp từ bỏ, nếu xảy ra thì họ cũng chỉ từ bỏ quyền mua tài sản theo quy chế đấu giá và các quy định khác của pháp luật. Trong khi đó, luật hiện hành không có chế tài xử phạt nào áp dụng, ngoài việc thu giữ tiền cọc để cho vào ngân sách Nhà nước.
Clip: Những phút cuối phiên đấu giá biển 51K-888.88.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận