Thị trường

Vì sao giá thịt lợn tăng bất thường?

18/03/2020, 06:38

Mặc dù Chính phủ nhiều lần yêu cầu giảm giá thịt lợn song giá loại thực phẩm thiết yếu này vẫn đang “nhảy múa” ở mức cao bất thường.

img
Bất chấp yêu cầu của Chính phủ, giá thịt lợn vẫn đang giữ mức cao trên thị trường

Trong khi đó, người tiêu dùng có tìm “đỏ mắt” cũng không thấy thịt nhập khẩu.

Ai đang “làm giá” thịt lợn?

Theo khảo sát của PV Báo Giao thông, tính từ đầu tháng 3, giá lợn hơi tại một số tỉnh miền Bắc đã tăng hơn 10 nghìn đồng/kg, lên mức phổ biến 85-86 nghìn đồng/kg, có nơi “neo” ở mức 90 nghìn đồng/kg, thậm chí lên đến 95 nghìn đồng/kg đối với những dòng lợn nuôi sinh học.

Tại các chợ dân sinh, thịt lợn bán ra vẫn giữ ở mức cao, phổ biến là 150-180 nghìn đồng/kg. Chị Lan, tiểu thương chợ Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, trong vòng vài tuần trở lại đây, lợn hơi bất ngờ quay đầu tăng nhanh khiến thịt lợn bán ra cũng tăng theo. “Hiện, giá thịt lợn đang giữ giá ở mức cao, song lợn xuất chuồng không dễ mua, giờ chọn những con lợn ngon trong dân cũng phải trả với giá cao hơn vài giá so với thị trường, còn lợn trang trại thì phải mua số lượng lớn mới có giá tốt, đa phần là những cơ sở giết mổ lớn mới mua được”, chị Lan cho hay.

Về phía cơ sở giết mổ, ông Hồ Văn Liêm, chủ cơ sở giết mổ Hồ Văn Liêm (huyện Mê Linh, Hà Nội) cũng khẳng định: Trước động thái của Chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp lớn phải giảm giá lợn hơi những đến giờ vẫn chưa có dấu hiệu giảm, số ít thì chỉ giảm 1-2 nghìn đồng cho lợn xấu thì giới kinh doanh không xem đó là giảm giá.

“Cả mấy tuần nay rất khó mua lợn hơi, giá giao động khoảng 85-86 nghìn đồng/kg. Song giờ lại càng chật vật khi nhiều công ty đóng cửa không xuất lợn trước diễn biến số người mắc Covid-19 tăng nhanh”, ông Liêm nói và cho biết thêm: Việc tái đàn trong dân không nhiều và nhỏ lẻ bởi một số hộ tái đàn vẫn bị chết. Đa số người dân bỏ trang trại, số ít khác thì chuyển vào khu núi Ngọc Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc để mở trang trại mới nhằm cách xa những vùng dịch.

Mới đây, tại cuộc khảo sát thực tế tại tỉnh Phú Thọ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định: “Nếu doanh nghiệp chăn nuôi bán giá 75 nghìn đồng/kg lợn hơi thì đã có lãi rất cao, khi giá thành sản xuất trong tình hình dịch bệnh chỉ xoay quanh 40.000 đồng/kg”. Do đó, ông Cường nhấn mạnh: Tới đây sẽ yêu cầu 17 tập đoàn, doanh nghiệp lớn dứt khoát phải hạ giá thịt heo xuống mức hợp lý theo yêu cầu của Chính phủ.

Thịt lợn nhập khẩu “nhỏ giọt”

Giải pháp đưa thịt lợn đông lạnh nhập khẩu vào bình ổn thị trường rất cần những siêu thị làm đầu tàu dẫn lái, cân đối lợi nhuận để giảm giá thì mới thực sự có hiệu quả. Đồng thời, làm tốt khâu lưu thông để giảm các khâu giá trung gian.
PGS. TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả


Việc giá thịt lợn tăng cao liên tục trong thời gian dài đã đe dọa đến mục tiêu kiểm soát lạm phát, khi riêng giá thịt lợn tháng 1/2020 tăng gần 8,3% so với tháng 12/2019, đẩy CPI tăng 6,34% so với cùng kỳ năm 2019. Đáng nói, yêu cầu nhập khẩu thịt lợn làm giảm áp lực giá trong nước cũng được Chính phủ đưa ra từ cuối năm 2019, song tới nay vẫn chỉ dừng lại con số ít ỏi.

Đại diện Công ty Cổ phần Dịch vụ thương mại tổng hợp Vincommerce (sở hữu hệ thống các siêu thị VinMart, VinMart +) cho biết, toàn bộ hệ thống siêu thị Vinmart không bán thịt lợn đông lạnh nhập khẩu. Tương tự, đại diện hệ thống siêu thị BigC cũng cho biết, BigC hiện đang tiêu thụ thịt lợn trong nước và chưa bán các loại thịt lợn đông lạnh nhập khẩu.

Riêng hệ thống các siêu thị của BRG mới có kế hoạch nhập khẩu thịt đông lạnh. Ông Nguyễn Thái Dũng, Tổng giám đốc Công ty bán lẻ BRG cho biết: Thịt lợn đông lạnh nhập khẩu từ Mỹ dự kiến khoảng một tháng nữa mới về đến Việt Nam và được bán tại các siêu thị của chuỗi BRG. Tuy nhiên, giá của loại thịt lợn ba chỉ này sẽ đắt hơn giá thịt tươi trên thị trường. “Thịt đông lạnh có rất nhiều loại, nếu nhập khẩu thịt để làm thành phẩm sản xuất xúc xích, thức ăn gia súc, chế biến... thì chỉ dùng loại thịt rẻ, còn loại thịt cao cấp dùng để chế biến bữa ăn thì giá luôn ở mức cao”, ông Dũng nhận định.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Trần Duy Đông ,Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công thương) nhận định: Việc nhập khẩu thịt lợn đông lạnh trong 2 tháng đầu năm với sản lượng 13.816 tấn là chưa đảm bảo được số lượng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bởi theo kế hoạch Bộ NN&PTNT sẽ phải nhập khẩu 100 nghìn tấn trong quý I/2020. Hơn nữa, nguồn thịt lợn nhập chủ yếu là móng giò, chân giò, xương… để phục vụ cho nhà máy chế biến. Ngoài ra, những sản phẩm từ thịt lợn như chân giò hun khói, chân giò muối chủ yếu đi vào quán bar, khách sạn, quán nhậu… lượng thịt ba chỉ, thịt mông rất ít.

Lý giải về thực tế trên, đại diện Bộ NN&PTNT cho biết, do sự lan rộng một cách nhanh chóng của dịch bệnh khiến việc nhập khẩu gặp khó khăn, thời gian cũng bị kéo dài và nhiều doanh nghiệp nhập khẩu cũng bị tác động mạnh về kinh tế trước tác động của dịch Covid-19. “Theo kế hoạch, Bộ đã cử đoàn công tác trực tiếp sang các nước để thúc đẩy việc nhập khẩu, tháo gỡ khó khăn trong thời gian tới”, vị đại diện cho hay.

Theo ông Đông, thời gian tới, Bộ NN&PTNT cần tích cực thúc đẩy việc nhập khẩu đủ số lượng thịt lợn dự kiến. Bên cạnh đó, Bộ Công thương đã làm việc với Sở Công thương các tỉnh để thúc đẩy các doanh nghiệp chế biến dùng sản phẩm thịt đông lạnh để chế biến và đưa những sản phẩm chế biến vào các siêu thị để tiêu dùng thay vì nhập khẩu từ các nước. “Mặt khác, người dân cũng cần chuyển thói quen tiêu dùng đồ ăn chế biến, thịt đông lạnh để giảm tải thị trường”, ông Đông chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.