Người dân tỉnh Đồng Nai đang quan tâm việc xử lý khu phức hợp, căn hộ cao cấp tọa lạc trên đường Đồng Khởi, thành phố Biên Hoà.
Khu này có hai nhà hàng là Eros Palace Luxury và Eros Palace hoạt động nhộn nhịp, đón lượng khách khủng nhiều năm. Cứ dịp cuối tuần, đường Đồng Khởi trở nên ngột ngạt, ách tắc giao thông vì khách đến hai khu nhà hàng này dự tiệc.
Thế nhưng, điều ngạc nhiên là những toà nhà trên lại xây dựng khi chưa có giấy phép.
Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông , những ngày qua, khu Eros Palace Luxury và Eros Palace vẫn hoạt động bình thường.
Trong khi đó, tỉnh Đồng Nai đã lập đoàn liên ngành để kiểm tra quá trình xây dựng trái phép khu dự án này.
5 năm trước, nhiều công trình tại dự án vừa nêu bị ra quyết định xử phạt và có cả quyết định cưỡng chế do xây dựng khi chưa có phép. Tuy nhiên đến nay các công trình vi phạm vẫn tồn tại và chưa chốt được phương án xử lý.
Dự án khu phức hợp thương mại, dịch vụ và căn hộ cao cấp do Công ty cổ phần xây dựng dân dụng công nghiệp số 1 Đồng Nai làm chủ đầu tư. Toàn bộ dự án được triển khai tại khu đất thuộc thửa số 1, tờ bản đồ số 4 có diện tích 23.000m2. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 679 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2016-2022.
Theo thiết kế, dự án Khu phức hợp thương mại, dịch vụ và căn hộ cao cấp có 3 khối công trình: A, B, C. Tại khu A, chủ đầu tư đã xây dựng Trung tâm hội nghị tổ chức sự kiện Eros Palace Luxury quy mô bốn tầng lầu và một tầng hầm, diện tích xây dựng khoảng 3.500m2. Theo tìm hiểu của phóng viên, công trình này đã đưa vào sử dụng từ năm 2017, nhưng thời điểm triển khai xây dựng chưa được Sở Xây dựng cấp phép và đến nay vẫn chưa có giấy phép xây dựng theo quy định.
Trong khi đó khu B được thiết kế làm trung tâm thương mại dịch vụ, quy mô dự kiến năm tầng lầu và một tầng hầm. Tòa nhà chính của công trình đã đổ bê tông cốt thép tầng một với diện tích xây dựng hơn 4.300m2. Công trình này khi xây dựng cũng chưa được Sở Xây dựng cấp phép. Nhưng sau khi hoàn thiện phần móng, đổ các trụ cọc nhô lên, cơ quan chức năng mới kiểm tra, phát hiện và đình chỉ, đến nay công trình đã tạm ngưng xây dựng và hiện cũng chưa được cấp giấy phép xây dựng.
Đối với khu C, chủ đầu tư thiết kế công trình có công năng làm văn phòng kết hợp căn hộ cao cấp được quy hoạch từ 12-14 tầng lầu, hai tầng hầm với tổng diện tích sàn xây dựng hơn 69.000m2. Khu C hiện có công trình nhà hàng Eros Palace với diện tích hơn 2.200m2 đã đi vào hoạt động. Nhà hàng này được Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng tạm số 09/GPXDT, trong đó ràng buộc điều kiện chủ đầu tư cam kết tự tháo dỡ khi cần thiết, không yêu cầu bồi hoàn.
Theo tìm hiểu của phóng viên, vào ngày 10/7/2014, dự án trên được UBND thành phố Biên Hòa cấp chủ trương đầu tư tại Quyết định số 4334. Đến ngày 26/9/2017, UBND thành phố Biên Hòa có thêm Quyết định số 11857 về việc điều chỉnh chấp thuận đầu tư dự án trên.
Tuy nhiên sau đó qua rà soát, UBND thành phố Biên Hòa phát hiện tại khu A của dự án trên xảy ra tình trạng xây dựng không phép nên ban hành quyết định xử phạt hành chính số 3628 ngày 16/8/2017.
Còn ở khu B vào năm 2018, ngành chức năng cũng phát hiện chủ dự án đang cho thi công phần móng của tòa nhà chính. Sau đó công trình này bị đình chỉ thi công và vào giữa tháng 5/2018, UBND thành phố Biên Hòa tiếp tục ban hành quyết định xử phạt 2090. Đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư thời hạn 60 ngày để hoàn tất hồ sơ.
Ngày 25/8/2018, Công ty này gửi hồ sơ lên Sở Xây dựng Đồng Nai xin cấp giấy phép xây dựng. Sở Xây dựng đề xuất UBND tỉnh Đồng Nai cho chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục pháp lý. Đến ngày 30/8/2018, UBND tỉnh Đồng Nai giao UBND thành phố Biên Hòa nhanh chóng cưỡng chế, tháo dỡ công trình vi phạm hoặc xem xét cho công trình được tồn tại nhưng phải hoàn thiện thủ tục pháp lý dự án. Tuy nhiên qua lấy ý kiến, Sở Công thương cho rằng không bổ sung quy hoạch ngành thương mại của khu đất trên. Vì vậy đến ngày 16/10/2018, UBND thành phố Biên Hòa đã ban hành quyết định 4657 buộc tháo dỡ toàn bộ công trình vi phạm.Theo tìm hiểu, khu đất trên được UBND tỉnh Đồng Nai cho Công ty cổ phần xây dựng dân dụng công nghiệp số 1 Đồng Nai thuê từ ngày 1/1/1996 đến ngày 31/12/2045, với mức giá 3.600 đồng m2/năm, sau 5 năm sẽ tăng giá một lần. Sau đó mức giá đã được tăng lên 90.000 đồng/m2/năm.
Chia sẻ với Báo Giao thông, một lãnh đạo UBND thành phố Biên Hòa cho biết, đã xây dựng kế hoạch cưỡng chế từ năm 2019. Tuy nhiên, kinh phí cưỡng chế lớn, lãng phí, cộng thêm việc chờ doanh nghiệp xin tỉnh chấp thuận tiếp tục triển khai dự án nên thành phố chưa tổ chức cưỡng chế.
Ngày 9/6/2021, UBND tỉnh Đồng Nai lại có văn bản giao UBND thành phố Biên Hòa xem xét đề xuất xử lý việc ban hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục. Trong đó nêu rõ buộc chủ đầu tư nộp lại số lợi bất hợp pháp đối với công trình vi phạm tại dự án khu phức hợp thương mại, dịch vụ và căn hộ cao cấp.
Qua đối chiếu các quy định pháp luật, UBND thành phố Biên Hòa xác định công trình vi phạm nêu trên không đảm bảo điều kiện đất hợp pháp (do đất có nguồn gốc đất công). Vì vậy không thể thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả (nộp lại số lợi bất hợp pháp) và cho phép lập các thủ tục tiếp theo để tồn tại. Tuy nhiên, đây là công trình quy mô lớn, phải xin ý kiến chỉ đạo của các cơ quan cấp trên nên đến nay UBND thành phố Biên Hòa chưa tổ chức cưỡng chế dứt điểm công trình vi phạm.
Về số phận của dự án trên, theo UBND thành phố Biên Hòa, hiện có một tổ liên ngành vừa được lập gồm: Sở Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường; Kế hoạch - Đầu tư; Tài chính; Tư pháp, Thanh tra tỉnh và UBND thành phố Biên Hòa. Tổ liên ngành sẽ kiểm tra dự án về các nội dung liên quan đến thủ tục đầu tư, đất đai (trọng tâm là việc giao và cho thuê đất), xây dựng, nghĩa vụ tài chính người sử dụng đất đối với nhà nước. Đánh giá việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân liên quan trong thực hiện dự án. Qua đó, phát hiện, chấn chỉnh những thiếu sót, hạn chế và những vấn đề tồn tại và báo cáo kết quả, tham mưu tỉnh xử lý các vấn đề liên quan dự án.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận