Mực nước giảm 1,7-3 m/năm
Đang vào mùa nước lên nhưng lòng sông Đà lại xuất hiện ngày càng nhiều bãi bồi, quy mô ngày càng lớn. Cách Hà Nội khoảng 70 km, lòng sông chảy qua địa phận huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ, nổi lên nhiều bãi bồi kéo dài hàng trăm mét.
Hiện tại, mực nước từ thượng nguồn vẫn về rất chậm, một phần do thủy điện tích nước, một phần do từ đầu năm 2023 đến nay lượng mưa ít.
Sông Đà là phụ lưu lớn nhất trong hệ thống sông Hồng, bắt nguồn từ độ cao 2.440 m của vùng núi Ngụy Sơn, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Con sông này có nhiều nhà máy thủy điện như Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Huội Quang và Bản Chát.
Chia sẻ với Báo Giao thông, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng Phòng Quản lý vận hành và tưới tiêu, Cục Thuỷ lợi, Bộ NN&PTNT, cho biết lòng dẫn hạ du hệ thống sông Hồng - Thái Bình hiện nay đang bị biến động rất lớn so với trước đây do khai thác cát quá mức, dẫn đến việc giảm nguồn cung bùn cát từ thượng lưu.
Số liệu mực nước thực đo từ 2000-2022 tại các trạm thủy văn vùng hạ du cho thấy xu thế mực nước trung bình tháng 1, tháng 2 giảm mạnh. Ở hạ du sông Đà giảm từ 1,7 đến 3 m, sông Thao từ 1,2-2,2 m; sông Lô từ 3,5-7,3 m; sông Hồng đoạn từ Sơn Tây đến Hà Nội giảm 1,8 m-3,6 m; sông Đuống tại Thượng Cát giảm 2,5 m.
Theo dự báo của các cơ quan chuyên môn, trong thời gian tới, theo xu thế diễn biến mực nước theo số liệu thực đo từ 2010 - 2023 của trạm Thủy văn Sơn Tây và Hà Nội, trong thời kỳ dùng nước gia tăng từ tháng 1 đến 2, mực nước tại trạm Sơn Tây tiếp tục có xu thế giảm với mức độ khoảng 0,2 m/năm; mực nước tại trạm Thủy văn Hà Nội bị tác động gia tăng của thủy triều, mực nước dao động giảm so với mức hiện tại từ 2-3 cm/năm.
Việc vận hành các hồ chứa thủy điện thượng lưu hệ thống sông Hồng - Thái Bình thực hiện theo quy định tại quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng. Theo đó, hằng năm, trong thời kỳ dùng nước gia tăng phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân được thực hiện từ 2-3 đợt, thời gian xả nước không quá 21 ngày; các thời gian khác điều tiết nước bảo đảm các yêu cầu dòng chảy tối thiểu, nhu cầu phát điện, chống lũ…
Về việc mực nước giảm thấp kỷ lục trong vòng 30 năm qua, đại diện EVN cho biết lượng nước vẫn đủ cho việc hoạt động thủy điện, không ảnh hưởng tới sản lượng và quá trình vận hành. "Những chỗ trơ đáy thuộc phần ven hạ lưu chứ không phải lòng hồ, lưu lượng nước ở thời điểm hiện tại tương đối ổn định", EVN thông tin.
Tận dụng nguồn nước bổ sung từ hồ chứa thủy điện
Để bảo đảm tận dụng tối đa nguồn nước bổ sung từ các hồ chứa thủy điện, Cục Thủy lợi, Bộ NN&PTNT đã có công điện gửi các tỉnh về việc tổ chức lấy nước đợt 1, (8 ngày, từ 0h ngày 23/1 đến hết ngày 30/1/2024) phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2023-2024, khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ.
Để bảo đảm tận dụng tối đa nguồn nước bổ sung từ các hồ chứa thủy điện, Cục trưởng Cục Thủy lợi yêu cầu giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố; giám đốc các đơn vị quản lý hệ thống thủy lợi liên tỉnh phối hợp chỉ đạo hoàn thành việc khơi thông dòng chảy, giải tỏa các ách tắc, phương tiện thi công nạo vét trên hệ thống dẫn nước, đặc biệt ở các cửa lấy nước, hệ thống kênh trục chính; bảo đảm phương tiện lấy nước đủ điều kiện để sẵn sàng vận hành.
Các địa phương theo dõi chặt chẽ các thông tin liên quan đến nguồn nước, ngay khi nguồn nước cho phép, tổ chức vận hành tối đa công trình thủy lợi lấy nước, tăng cường tích trữ nước tối đa trong hệ thống kênh trục, ao, đầm, các vùng trũng và đưa nước lên ruộng để phục vụ làm đất và gieo cấy.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố và các đơn vị quản lý hệ thống thủy lợi khẩn trương vận động, hướng dẫn người dân thực hiện sớm việc làm đất để giữ nước trên ruộng, tổ chức tăng cường gia cố bờ vùng, bờ thửa để tránh rò rỉ, thất thoát, lãng phí nước; ưu tiên cấp trước nước cho các vùng khó khăn về nguồn nước.
Việc bố trí lực lượng thường trực cũng cần được thực hiện tại công trình thủy lợi đầu mối trong toàn bộ thời gian lấy nước đợt 1, bảo đảm việc lấy nước hiệu quả và an toàn và phối hợp với các cơ quan điện lực, đảm bảo nguồn điện cấp cho các trạm bơm vận hành ổn định trong suốt thời gian lấy nước phục vụ gieo cấy.
Ngoài ra, Cục Thủy lợi cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc chủ động theo dõi thông tin trực tuyến mực nước hạ du hệ thống sông Hồng, diện tích có nước, lưu lượng xả các hồ thủy điện; giao cơ quan thường trực công tác lấy nước cập nhật diện tích có nước trước 15h hằng ngày về Cục Thủy lợi.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận