Sáng 11/8, nhiều bà con trong vùng phong tỏa ở phường Quang Vinh (Biên Hoà, Đồng Nai) thích thú khi nhận được quà hỗ trợ từ xe rô bốt. Hàng hóa nhu yếu phẩm chất gần đầy thùng xe, tiến vào khu phòng trọ và người dân tự lấy phần của mình.
Rô bốt vừa được Trường Đại học Lạc Hồng bàn giao cho Tỉnh đoàn Đồng Nai đưa vào vận chuyển nhu yếu phẩm, thực phẩm trong khu cách ly, khu phong tỏa nhằm tránh lây lan dịch Covid-19.
Đây là sản phẩm của nhóm sinh viên khoa Cơ điện - điện tử của trường.
"Gõ cửa" từng phòng trọ tặng quà
Người dân trong một xóm trọ phường Quang Vinh (TP Biên Hòa) nhận quà từ Rô bốt.
Rô bốt nặng 48kg, dài 1.30mm, cao 800mm, di chuyển bằng bánh xe với tốc độ tối đa 30m/phút, trang bị thùng xe để chứa hàng, ngoài ra còn được trang bị hệ thống khử khuẩn và camera ghi hình, hoạt động bằng pin, sạc sau mỗi 4h.
Trao đổi với PV thầy Vũ Quỳnh - Phó hiệu trưởng trường Đại học Lạc Hồng tỉnh Đồng Nai cho biết, Rô bốt này sử dụng 2 động cơ ở bánh sau, có bộ điều khiển với khoảng cách là 200m, có kết nối micro trực tiếp qua wifi hoặc 3G. Rô bốt được tích hợp camera nhận đường, có loa thông báo và truyền tải thông tin.
>>>Video: Rô bốt trao quà hỗ trợ các xóm trọ ở TP Biên Hòa (Đồng Nai):
Các thiết bị chế tạo xe bô bốt theo chuẩn công nghiệp có độ bền và khả năng chống nước rất tốt. Sau khi sử dụng xong xịt rửa bình thường. Chi phí chế tạo là khoảng 60 triệu đồng
Theo thầy Quỳnh, khi sử dụng người điều khiển có thể nhắc nhở cũng như thông báo để các bệnh nhân biết lúc nào thì xe phát nhu yếu phẩm tới và nhận đúng phần của mình.
Rô bốt có thể làm thay công việc phun thuốc khử trùng, sát khuẩn ở các khu vục có ca lây nhiễm. Do vậy nó có thể gánh vác những công việc đó thay con người, góp phần đảm bảo sự an toàn cho các tình nguyện viên trong mùa dịch.
"Nhóm sinh viên nhà trường đang chế tạo 5 con rô bốt khác, nhóm đang thiết kế theo các mẫu khác nhau cho phù hợp từng địa điểm. Sắp tới sẽ chế tạo giảm kích thước, gọn nhẹ và linh hoạt hơn để sử dụng trong các bệnh viện dã chiến", thầy Quỳnh nói.
Rô bốt được điều khiển từ xa được trang bị camera và loa thông báo để người dân ra nhận quà.
Mô hình cần nhân rộng
Cũng theo thầy Quỳnh, để nhân rộng và sản xuất thêm nhiều rô bốt, nhà trường đã đặt linh để có thể chế tạo thêm ít nhất 20 con để phục vụ theo nhu cầu đặt hàng của Tỉnh đoàn Đồng Nai và các đơn vị khác. Khó khăn hiện tại của nhóm đó là việc gia công, đi lại mua vật tư linh kiện cực kỳ khó khăn vì đang trong giai đoạn giãn cách xã hội.
“Bản vẽ thiết kế của Rô bốt được nhà trường công khai trên trên mạng xã hội và sẵn sàng chia sẻ thông tin với những đơn vị quan tâm muốn sử dụng thì có thể tải về để chế tạo thêm, mong muốn phục vụ cộng đồng được tốt hơn và mong VN sớm đẩy lùi dịch bệnh”, thầy Quỳnh nói.
Chị Hồ Hồng Nguyên - Bí thư Tỉnh đoàn tỉnh Đồng Nai cho biết, để đưa vào vận hành, Rô bốt đã được thử nghiệm mang nhu yếu phẩm vào cho người dân trong một khu vực phong tỏa tại phường Quang Vinh, TP Biên Hòa và được người dân rất ủng hộ.
“Sau hoạt động thử nghiệm, Tỉnh đoàn đang phối hợp với Sở Y tế để nhân rộng phục vụ ở các khu cách ly, khu phong tỏa, cung cấp thuốc men tại các bệnh viện dã chiến, khu chợ bình ổn”, chị Nguyên nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận