Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới đặt mục tiêu đến năm 2030 có ít nhất 120 doanh nghiệp doanh thu trên 1 tỷ USD, ít nhất 10 doanh nhân là tỷ phú USD thế giới.
Việt Nam cần gì để thực hiện được mục tiêu trên?
Báo Giao thông trao đổi với bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương xung quanh vấn đề này.
Bà Nguyễn Minh Thảo.
Nhiều thách thức, áp lực
Bà đánh giá thế nào về các mục tiêu rất cụ thể trong chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị?
Chúng ta đang đặt một kỳ vọng rất lớn khi đưa ra các mục tiêu trên. Tuy nhiên, cũng dễ hiểu vì nó mang ý nghĩa tạo ra động lực để phấn đấu.
Đó cũng đồng thời là một áp lực để quyết tâm biến cái không thể thành có thể, biến khó thành dễ, dù có thể đạt hoặc không.
Nhìn vào các con số thống kê, có thể thấy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân vài năm đang chậm lại, thậm chí tốc độ tăng trưởng đang có xu hướng đi xuống.
Điều này tác động đến giá trị, doanh thu, lợi nhuận, các chỉ số kinh doanh của doanh nghiệp. Nó còn là chỉ báo không mấy tích cực khi cả những doanh nghiệp lớn cũng đang rất khó khăn. Do đó, việc hiện thực hoá các mục tiêu trên vô cùng thách thức.
Nhìn nhận một cách tổng thể, theo bà, mục tiêu nào gặp rào cản lớn nhất?
Theo tôi, đó là mục tiêu đạt ít nhất 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030. Chúng ta đã từng không thành công với mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020.
Đến nay, cả nước chỉ mới có hơn 900 nghìn doanh nghiệp, chưa kể xu hướng rút khỏi thị trường nhanh hơn là tốc độ gia nhập.
Thực tế, số doanh nghiệp đóng cửa hiện nay không còn được hiểu là theo quy luật thị trường (đào thải tự nhiên), mà đang thể hiện việc họ không nhìn thấy cơ hội kinh doanh.
Tiếp đến là mục tiêu có ít nhất 70 doanh nghiệp có vốn hóa thị trường đạt trên 1 tỷ USD, 120 doanh nghiệp có doanh thu thuần đạt trên 1 tỷ USD.
Hiện chúng ta có khoảng hơn 40 doanh nghiệp có vốn hóa thị trường đạt trên 1 tỷ USD, như vậy trong 6 năm nữa sẽ phải có thêm khoảng 30 doanh nghiệp nữa.
6 năm không ngắn, nhưng trong bối cảnh kinh tế hiện nay là không đơn giản. Từ sau dịch Covid-19 cho đến nay, thực trạng khó khăn của doanh nghiệp đã rất rõ.
Theo tôi, cần có những giải pháp đủ mạnh để giải quyết được 2 vấn đề lớn, đó là cứu những doanh nghiệp lớn thoát khỏi suy thoái và tạo động lực cho doanh nghiệp vừa phát triển.
Còn tâm lý sợ sai, doanh nghiệp khó lớn mạnh
Đặt ra mục tiêu mới là một vế của vấn đề, bà có cho rằng điều quan trọng là quyết tâm và cách thức thực hiện ra sao?
Đúng vậy. Chúng ta đặt mục tiêu lớn thì cũng cần tạo được hành lang pháp lý, cơ chế chính sách phù hợp để tạo điều kiện, thúc đẩy các doanh nghiệp lớn mạnh.
Đặc biệt, rất cần giải pháp để có được những doanh nghiệp lớn, "đầu đàn", không phân biệt Nhà nước hay tư nhân để dẫn dắt nền kinh tế.
Tôi phải nhấn mạnh, muốn doanh nghiệp lớn mạnh, hệ thống pháp luật về đầu tư kinh doanh cần thông thoáng, thuận lợi.
Điều này rất quan trọng, không chỉ với doanh nghiệp trong nước mà còn với cả nhà đầu tư nước ngoài.
Vì sao bà nhấn mạnh khía cạnh đó, phải chăng hệ thống pháp luật về đầu tư kinh doanh ở Việt Nam chưa thực sự tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động?
Hệ thống pháp luật về đầu tư kinh doanh hiện nay vẫn còn những điểm chồng chéo, mâu thuẫn, gây bất lợi cho hoạt động đầu tư.
Doanh nghiệp khi tiếp cận để thực hiện dự án rất khó do vướng nhiều khâu, liên quan nhiều bộ, ngành.
Vì thế, muốn hiện thực hoá mục tiêu, đầu tiên và quan trọng nhất vẫn là hành lang pháp lý.
Bên cạnh đó, sự vận dụng linh hoạt cơ chế chính sách để tạo điều kiện cho doanh nghiệp cũng rất quan trọng.
Chẳng hạn, một dự án tuân thủ Luật Đất đai, nhưng có thể vướng Luật Xây dựng hay lĩnh vực khác. Nhưng nếu cơ quan có thẩm quyền vận dụng linh hoạt thì dự án vẫn suôn sẻ, còn nếu máy móc, chắc chắn rất khó.
Nhất là thời gian gần đây, việc thực thi linh hoạt các chính sách, quy định của pháp luật gần như không được thể hiện.
Cái vướng ở đây là do tâm lý, nhất là tâm lý sợ sai không dám làm, sợ rủi ro khi áp dụng các chính sách trong quá trình thực hiện.
Nếu không tháo gỡ được điểm nghẽn này, chúng ta không làm được gì cả.
Cần cơ chế đặc thù cho doanh nghiệp đầu tàu
Vậy theo bà, việc tháo gỡ nên được thực hiện thế nào?
Thực tế, việc quy định này chồng quy định kia rất nhiều, và việc sửa đổi không thể ngày một ngày hai.
Vì thế, điểm mấu chốt là tạo ra một cơ chế cho phép thực thi linh hoạt. Cơ chế đó sẽ cho phép cơ quan thực thi được làm theo pháp luật chuyên ngành, nếu hệ thống pháp luật chuyên ngành có sự khác biệt với các hệ thống văn bản khác. Điều này phải được luật hóa.
Vấn đề thứ hai, trường hợp có sự khác biệt hoặc mâu thuẫn giữa các quy định pháp luật như trên, phải có một đầu mối nào đó đứng ra để giải quyết vướng mắc phát sinh.
Hiện nay, vẫn có cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, nhưng sự phối hợp vẫn dựa vào văn bản, nên việc xử lý ra sao, giám sát thế nào chưa rõ ràng.
Nếu không giải quyết được nút thắt trên, các dự án đầu tư còn bị ảnh hưởng. Như vậy, cơ hội phát triển của doanh nghiệp và của nền kinh tế sẽ bị kìm lại.
6 tỷ phú Việt Nam trong danh sách của Forbes năm nay. Ảnh: Forbes.
Từ góc độ nghiên cứu môi trường kinh doanh, bà thấy những giải pháp tạo động lực cho doanh nghiệp hiện nay còn thiếu những gì?
Về tâm lý, trong một chừng mực nào đó, vẫn có sự phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Xu hướng chung là doanh nghiệp FDI bao giờ cũng được hỗ trợ tốt hơn.
Thực tế ở một số địa phương, các doanh nghiệp trong nước khi có vướng mắc, mức độ giải quyết thường chậm hơn, thậm chí không được giải quyết. Nhóm đối tượng này chủ yếu rơi vào các doanh nghiệp vừa, hoặc nhỏ.
Một điểm nghẽn nữa là sự phối hợp giữa các cơ quan trong việc giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp. Tôi thấy rất thiếu sự phối hợp. Những thứ đó làm doanh nghiệp nản chí, mất phương hướng.
Do đó, động lực để doanh nghiệp lớn lên là phải có những tiêu chí để định hướng và hỗ trợ tăng trưởng.
Để làm được thì sự phối hợp từ địa phương, các sở ban ngành phải thật cụ thể để tạo nên mắt xích liên kết, tạo sự thuận lợi cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cần có những chính sách tốt hỗ trợ cho những doanh nghiệp tiềm năng. Việc thí điểm những cơ chế đặc thù cho những doanh nghiệp đầu tàu là cần thiết và phải thiết lập trong từng lĩnh vực.
Khi các doanh nghiệp đáp ứng được các tiêu chí thì họ được tiếp cận những ưu đãi như vốn, thuế, phí…
Tại sao chúng ta có những cơ chế đặc thù cho một số địa phương mà không có cơ chế đặc thù cho các doanh nghiệp lớn, quy mô dẫn dắt? Đây là điều cần phải bàn.
Gần doanh nghiệp hơn, đối thoại nhiều hơn
Như các ý kiến phân tích ở trên, dường như bà cho rằng mục tiêu có ít nhất 10 doanh nhân vào danh sách tỷ phú USD thế giới, 5 doanh nhân quyền lực nhất châu Á không quá khó như các mục tiêu khác?
Đúng vậy. Mục tiêu này là khả thi nhất. Hiện chúng ta cũng đã có một số doanh nhân tên tuổi được thế giới biết đến. Mới đây nhất, theo bảng xếp hạng của Forbes có 6 tỷ phú USD là doanh nhân Việt Nam.
Đó là sự khích lệ rất lớn để cộng đồng doanh nhân trong nước nhìn vào và phấn đấu. Doanh nhân của chúng ta rất tham vọng, nhiều ý tưởng, dám nghĩ, dám làm.
Tuy nhiên, để họ có thể vươn lên cần phải có nhiều hơn nữa các chính sách, tạo động lực kinh doanh cho họ.
Khi là một doanh nhân được thế giới công nhận, họ không chỉ phát triển vì bản thân doanh nghiệp của mình nữa, mà khi đó suy nghĩ, tâm trí của họ sẽ ở một tầm khác.
Đó sẽ là suy nghĩ vì sự phát triển của xã hội, của quốc gia trong vai trò người dẫn dắt. Việc tạo ra môi trường để nuôi dưỡng tinh thần, lan toả tinh thần đó là cực kỳ quan trọng.
Hầu hết doanh nhân Việt Nam đều có ý thức làm ăn chân chính, bản lĩnh, sáng tạo, nỗ lực vượt khó để phát triển. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn phi pháp, thiếu trách nhiệm xã hội. Thực trạng đó phản ánh điều gì, thưa bà?
Nguyên nhân của tình trạng này bắt nguồn từ kẽ hở của môi trường pháp lý. Cơ chế quản lý chưa đầy đủ, chưa cụ thể, chưa minh bạch, chưa đủ mạnh để ngăn ngừa vi phạm pháp luật.
Các biện pháp chế tài chưa nghiêm, chưa đủ để răn đe và trừng phạt vi phạm pháp luật của doanh nhân và hành vi nhũng nhiễu, bao che, câu kết của một bộ phận cán bộ suy thoái.
Vì vậy, cần thường xuyên rà soát sửa đổi, hoàn thiện các quy định pháp luật về đầu tư kinh doanh và thực thi nghiêm minh, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, nâng đỡ doanh nghiệp phát triển.
Theo bà, những yếu tố then chốt để có được những doanh nhân, doanh nghiệp hùng mạnh, làm trụ đỡ cho nền kinh tế trong nước, vươn tầm thế giới là gì?
Đầu tiên, cần tăng cường kết nối giữa khu vực tư nhân với Chính phủ. Đây là yếu tố rất quan trọng.
Thực tế, không chỉ doanh nghiệp nhỏ, mà các doanh nghiệp lớn cũng rất ít bày tỏ quan điểm, thậm chí còn dè dặt.
Để thúc đẩy tinh thần, bản lĩnh kinh doanh, cơ quan nhà nước cần tăng cường đối thoại, gặp gỡ doanh nghiệp, doanh nhân nhiều hơn để nhận diện vấn đề, trao đổi nhiều hơn và cầu thị hơn.
Làm được vậy, các chính sách sẽ ngày càng phù hợp, thiết thực và đáp ứng được mong muốn của doanh nghiệp.
Chẳng hạn, nhiều địa phương tổ chức café sáng giữa lãnh đạo tỉnh và doanh nghiệp, qua đó đã tháo gỡ rất nhiều thứ.
Nếu thường xuyên trao đổi, chắc chắn việc xây dựng chính sách sẽ sát thực tiễn hơn rất nhiều.
Tôi cũng kiến nghị, cần khẩn trương bổ sung chế tài kinh tế phù hợp để xử lý vi phạm, không hình sự hóa quan hệ kinh tế. Từ đó tạo niềm tin, sự yên tâm cho đội ngũ doanh nhân.
Cảm ơn bà!
Ngày 9/5, Chính phủ ban hành Nghị quyết 66 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.
Theo đó, Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp; có ít nhất 70 doanh nghiệp có vốn hóa thị trường đạt trên 1 tỷ USD; 120 doanh nghiệp có doanh thu thuần đạt trên 1 tỷ USD.
Có ít nhất 10 doanh nhân vào danh sách tỷ phú USD thế giới, 5 doanh nhân quyền lực nhất châu Á do các tổ chức uy tín thế giới bình chọn…
Mới đây nhất, theo bảng xếp hạng của Forbes, 6 tỷ phú USD Việt Nam gồm: ông Phạm Nhật Vượng (Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, CEO VinFast), bà Nguyễn Thị Phương Thảo (Chủ tịch VietJet), ông Trần Đình Long (Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát), ông Hồ Hùng Anh (Chủ tịch Techcombank), ông Nguyễn Đăng Quang (Chủ tịch Masan Group) và ông Trần Bá Dương (Chủ tịch Thaco).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận