Thời sự

Việt Nam làm gì trước căng thẳng Mỹ - Trung trên Biển Đông?

28/07/2020, 13:18

Việt Nam cần có những bước đi ra sao để không sa vào vòng xoáy cuộc chiến Mỹ - Trung, vừa bảo đảm lợi ích quốc gia và an ninh, hòa bình khu vực?

img
TS. Trần Công Trục

Trước các hành động dồn dập gây hấn ở Biển Đông của Trung Quốc, thay vì giữ thái độ trung lập như trước, Mỹ đã chuyển hướng sang chủ động bác bỏ gần hết yêu sách của Trung Quốc, chính thức ủng hộ các quốc gia Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Việt Nam cần có những bước đi ra sao để vừa không sa vào cuộc chiến này, vừa bảo đảm lợi ích quốc gia và an ninh, hòa bình khu vực? Báo Giao thông trao đổi với TS. Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ xung quanh vấn đề này.

Kế sách “mượn gió bẻ măng” của Trung Quốc

Trong khi cả thế giới đang tập trung chống dịch Covid-19 và chính Trung Quốc cũng không phải là ngoại lệ, họ lại có một loạt động thái mới gây phức tạp tình hình Biển Đông. Ông có nhìn nhận gì về những động thái lần này của Trung Quốc?

Từ đầu năm 2020 đến nay, lợi dụng dịch Covid-19, Trung Quốc tiến hành hàng loạt hoạt động gây phức tạp tình hình ở Biển Đông, cũng như đẩy mạnh truyền thông sai lệch nhằm vào Việt Nam và Mỹ.

Điển hình, Trung Quốc cho các tàu cá, tàu dân binh vây ráp, uy hiếp quanh đảo Thị Tứ; công bố hoạt động của hai trạm nghiên cứu khoa học trên Đá Subi và Đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam; tổ chức tập trận chống tàu ngầm trên Biển Đông, đặc biệt là cuộc tập trận diễn ra trong 5 ngày đầu tháng 7/2020…

Trung Quốc đã cho di chuyển tàu khảo sát địa chất Hải Dương 08 xuống phía Nam Biển Đông, đi vào trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, rồi di chuyển xuống phía Nam Biển Đông, hoạt động quanh quẩn rìa ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia. Tiếp đến, từ ngày 14/6, tàu thăm dò địa chất Hải Dương 04 đã đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, có lúc chỉ cách bờ biển Việt Nam dưới 200 hải lý và cách đảo Phú Quý của Việt Nam khoảng 182 hải lý, tại nơi đang có các dàn khoan dầu khí của một số công ty nước ngoài hoạt động theo các hợp đồng hợp tác đã được ký kết với PetroVN…

Hàng loạt hoạt động gây hấn của Trung Quốc nhằm thực hiện yêu sách đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi ở trong hầu hết khu vực Biển Đông, bằng việc triển khai chiến dịch đe dọa, gây sức ép để kiểm soát các nguồn tài nguyên này. Ngoài ra, đây có thể coi là một “đòn phản công” khá hiểm mà Trung Quốc nhằm vào Mỹ và đồng minh phương Tây.

Ông có thể nói rõ hơn về “đòn phản công” nhằm vào Mỹ và đồng minh của Trung Quốc?

Ngoài âm mưu độc chiếm Biển Đông vẫn dai dẳng từ nhiều năm nay, Trung Quốc đang triển khai kế sách “mượn gió bẻ măng”. Dịch Covid-19, bắt nguồn từ Vũ Hán cuối năm 2019, rồi nhanh chóng lan rộng, trở thành đại dịch toàn cầu, hiện vẫn chưa thể kiểm soát. Nhiều người hoài nghi và Mỹ cáo buộc việc Trung Quốc che giấu thông tin hoặc thông tin không kịp thời, bóp méo thông tin về dịch bệnh Covid-19 một cách có chủ ý đã khiến nhiều nước chủ quan, mất cảnh giác ở giai đoạn đầu phòng chống.

Và như để đáp lại cáo buộc của Mỹ cũng như một số nước đồng minh phương Tây, Trung Quốc đã tạo nên một “đòn phản công” khá hiểm trên Biển Đông.

Không cho phép Bắc Kinh thiết lập “đế chế” ở Biển Đông

Và Mỹ cũng lập tức đã có phản ứng khá mạnh mẽ để đáp trả Trung Quốc, thông qua những tuyên bố và sự hiện diện quân sự trên Biển Đông?

Đúng vậy. Rạng sáng ngày 3/7/2020, Bộ Quốc phòng Mỹ đã phát đi thông cáo lên án cuộc tập trận 5 ngày của Trung Quốc ở phía bắc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Lầu Năm Góc khẳng định, những hành động của Trung Quốc đang trái ngược với tầm nhìn của Mỹ về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó “tất cả các quốc gia dù lớn nhỏ đều được đảm bảo chủ quyền, không bị cưỡng ép và có quyền theo đuổi phát triển kinh tế phù hợp với các thông lệ và luật pháp quốc tế”.

Rạng sáng ngày 14/7/2020 (giờ Hà Nội), Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra tuyên bố chính thức, phản đối những yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông và khẳng định, thế giới không cho phép Bắc Kinh thiết lập “đế chế biển” trong Biển Đông. Mỹ sẽ sát cánh cùng các đồng minh và đối tác Đông Nam Á trong việc bảo vệ quyền chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi.

Trước đây, khi đề cập đến tranh chấp trên Biển Đông, Mỹ thường giữ thái độ trung lập, kêu gọi các nước trong khu vực đàm phán để đi đến thống nhất về chủ quyền trên biển. Lần này, Mỹ đã chuyển hướng sang chủ động bác bỏ thẳng thừng gần hết yêu sách của Trung Quốc, chính thức ủng hộ các quốc gia Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Bài học mà Việt Nam phải tránh là không để trở thành “món quà béo bở” để các cường quốc có thể mua bán, đổi chác trên lưng mình, càng không để biến thành những người lính tiên phong, xung kích trong cuộc đối đầu chiến lược giữa các nước lớn, như đã từng xảy ra trong quá khứ.
TS. Trần Công Trục


Theo ông, tình hình khu vực sẽ ra sao sau tuyên bố này của Mỹ?

Nếu đứng trên lập trường thượng tôn pháp luật, lấy Luật Biển UNCLOS 1982 làm căn cứ pháp lý đúng đắn, rõ ràng và toàn diện nhất, thì tuyên bố của Washington lần này hoàn toàn phù hợp với quan điểm, lập trường của các nước trong khu vực Biển Đông liên quan đến việc xác lập các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia, quyền và nghĩa vụ của các quốc gia có biển và không có biển.

Điều này chính là yếu tố tích cực được các nước ASEAN và cộng đồng quốc tế ghi nhận và sẽ phát huy mạnh mẽ trong cuộc đấu tranh chống lại mọi hành vi vi phạm Luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 đang diễn ra ngày càng quyết liệt và phức tạp trong Biển Đông.

Cần bước đi thận trọng, khách quan, khoa học

img
Hai nhóm tàu sân bay Mỹ diễn tập trên Biển Đông hôm 6/7

Các nước ASEAN vẫn khá cẩn trọng bình luận về tuyên bố của Mỹ về Biển Đông. Phải chăng các nước liên quan đến Biển Đông không muốn nằm giữa cuộc chiến giữa 2 siêu cường Mỹ - Trung, thưa ông?

Lưu ý, mặc dù tuyên bố về Biển Đông của Mỹ lần này được đánh giá là khá cụ thể, rõ ràng hơn so với trước đây, nhưng lập trường trung lập trong vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam vẫn không hề thay đổi. Dù dưới ánh sáng của Luật pháp quốc tế, quan điểm của các bên liên quan đã thể hiện đúng sai, mạnh yếu, đã quá rõ ràng, nhưng có lẽ, Mỹ vẫn còn tính đến phương án dành một đường lùi để mặc cả với Trung Quốc chỉ vì lợi ích của bản thân nước Mỹ.

Đây chính là điều mà các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam, không thể không tính đến nhằm phát huy mặt tích cực và hạn chế tối đa mặt tiêu cực trong quan hệ với Mỹ.

Vậy Việt Nam và các nước ASEAN cần có những bước đi ra sao để không sa vào vòng xoáy của cuộc chiến Mỹ - Trung, vừa bảo đảm lợi ích quốc gia và an ninh, hòa bình khu vực?

Tình hình thế giới nói chung và Biển Đông nói riêng sẽ tiếp tục diễn biến căng thẳng, phức tạp, nhất là thời kỳ hậu đại dịch Covid-19. Cho nên, trước mắt, Việt Nam, cộng đồng các nước ASEAN và thế giới cần tập trung ngăn chặn suy thoái kinh tế toàn cầu.

Để có được phương án đấu tranh và hành xử có hiệu quả trước các hành động, mưu đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc, chúng ta cần phải hết sức thận trọng nghiên cứu, đánh giá mọi tình huống một cách thật sự khách quan, khoa học. Chúng ta cần tiếp tục công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao kiến thức cơ bản về chính trị, pháp lý liên quan đến việc xác lập và bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển theo quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Bởi nếu kiến thức về biển đảo của cán bộ và nhân dân được nâng cao thì mọi phương án đấu tranh và phương cách hành xử sẽ thích hợp, hiệu quả và cũng chính là yếu tố cơ bản tạo lập và củng cố niềm tin chiến lược, cơ sở để gắn kết khối đoàn kết vững chắc trong cộng đồng.

Ngoài ra, hơn lúc nào hết, chúng ta phải duy trì, phát huy, tranh thủ đoàn kết, từ đoàn kết trong nước, trong từng quốc gia đến đoàn kết trong cộng đồng khu vực và quốc tế để phát huy sức mạnh đấu tranh trên cơ sở hòa bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.