Việt Nam phản đối về hành động của Trung Quốc tại đảo Xubi thuộc chủ quyền Trường Sa của Việt Nam |
Đây là lời khẳng định của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đưa ra ngày 7/4 trước sự việc Trung Quốc đưa vào hoạt động trạm hải đăng trên đá Xubi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Ông Bình nói: "Một lần nữa, Việt Nam khẳng định có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử về chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hành động nêu trên của phía Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, là bất hợp pháp và vô giá trị.
Chúng tôi yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động vi phạm chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 cũng như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), không có thêm các hành động làm phức tạp tình hình ở Biển Đông”.
Chiều ngày 7/4, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để trao công hàm phản đối. Được biết ngọn hải đăng trên đá Xubi cao 55m, được Trung Quốc xây dựng trái phép trên đá Xubi, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Nhiều chuyên gia, nhà ngoại giao và quan chức hàng hải quốc tế nghi ngờ ý định thực sự của Trung Quốc đằng sau việc xây dựng hải đăng tại các đảo nhân tạo bồi đắp trái phép trên biển Đông. Theo Reuters, hiện nay, Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới chủ yếu sử dụng các thiết bị điện tử để xác nhận vị trí tàu và xu hướng sử dụng hải đăng trên thế giới giảm dần. Hải đăng được sử dụng trong một vài trường hợp.
Chuyên gia Đông Nam Á đến từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Singapore Ian Storey nhận định, ý đồ thực sự của Trung Quốc là tìm cách đưa các ngọn hải đăng này lên bản đồ vận tải quốc tế, danh sách đăng ký, theo dõi hàng hải nước ngoài. Từ đó, xây dựng một bức tranh pháp lý dài hạn về sự hiện diện của mình, bất chấp những phản đối về mặt ngoại giao từ các nước liên quan. Ông Storey nhận định: Những ngọn hải đăng này nằm trong chiến lược “thay đổi thực tế trên biển của Trung Quốc” một cách từ từ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận