Âm nhạc

Vĩnh biệt nhạc sĩ Hồng Đăng, "người nghệ sĩ có tâm Bồ tát”

26/03/2022, 14:15
image

Trong mắt nhiều đồng nghiệp bạn bè, nhạc sĩ Hồng Đăng là người dễ chịu, hiền lành.

Tang lễ của nhạc sĩ Hồng Đăng diễn ra ngày 26/3, tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (5 Trần Thánh Tông, Hà Nội). Không gian tang lễ vang lên những giai điệu các ca khúc của người nhạc sĩ như "Hoa sữa", "Biển hát chiều nay".... Những dòng người lặng lẽ tới tiễn đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng.

img

Người thân, bạn bè đến viếng nhạc sĩ Hồng Đăng - Bạn bè và người thân đến viếng và tiễn đưa một bậc thầy của âm nhạc Việt Nam. Ảnh: Tạ Hải

Được nhiều bạn bè kính trọng

Đến tiễn đưa một người anh trong nghề, NSND Trung Đức không khỏi xúc động. Ông cho biết, mình đã quen nhạc sĩ Hồng Đăng từ rất lâu, khi ông mới về Đoàn Ca nhạc Trung ương. Lúc đó, nghệ sĩ Trung Đức nhận hát bài Biễn hát chiều nay, do nhạc sĩ Quốc Trường phối.

Lúc đó, anh Đăng còn khỏe. Tôi ít gặp anh Đăng, nhưng mỗi lần gặp anh em đều hớn hở. Anh ấy cũng yêu quý tôi. Tôi có cảm tình đặc biệt với anh Đăng vì đó là con người tài năng. Chất liệu nhạc của anh rất khác biệt, có thể khó hát nhưng những bài hát đều để đời", NSND Trung Đức nhận định.

Ca sĩ gạo cội cũng cho rằng ngoài đời, nhạc sĩ Hồng Đăng. Bản thân ông kính trọng nhạc sĩ Hồng Đăng và ông cho rằng, những người bạn bè cũng luôn trân trọng nhạc sĩ gạo cội. Nhạc sĩ Huy Du, Văn Dung, Phạm Tuyên... đều rất quý tác giả "Hoa sữa".

"Tôi đặc biệt có cảm tình vì nhạc sĩ Hồng Đăng rất giỏi, đã dạy rất nhiều học trò. Ông cũng là người vô cùng dễ chịu và nhiều cô gái thích. Bản chất ông sống tốt và luôn giúp đỡ hết mình", NSND Trung Đức thổ lộ.

img

NSND Trung Đức kính trọng nhạc sĩ Hồng Đăng

Thực tế ngay từ sớm, nhạc sĩ Hồng Đăng đã hình thành một cá tính sáng tạo âm nhạc riêng biệt. Viết ca khúc thì rất ngắn. Nhưng viết hợp xướng thì rất đồ sộ ở tầm vóc tổ khúc.

Trong khi đang tu nghiệp, ông đã thành danh bởi những tác phẩm khí nhạc như “Ước mơ tuổi trẻ” viết năm 1958 cho violoncello và piano, tứ tấu đàn dây “Nắng quê hương” và “Rừng Tây Nguyên” viết năm 1960.

Cũng năm ấy, hợp xướng “Lửa rực cháy” phỏng thơ Tố Hữu của Hồng Đăng đã làm hừng hực bao con tim thanh xuân nhất là ở Thủ đô. Sự nghiệp âm nhạc Hồng Đăng được xây lên từ nền móng âm nhạc vững chắc của ông thể hiện qua những cuốn sách giáo khoa âm nhạc khúc triết về hòa thanh, điệu thức, tính năng nhạc khí, xướng âm.v.v… mà ông đã viết để lại cho muôn đời.

Nhiều đóng góp cho làng âm nhạc

Trong điếu văn tiễn nhạc sĩ Hồng Đăng, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam khẳng định, ngay từ thanh xuân, nhạc sĩ Hồng Đăng đã chững chạc thành công với ca khúc ngắn “Tổ quốc tôi trên mười năm đã lớn” (lời Việt cùng Nguyễn Liệu), đóng góp vào kho tàng ca khúc ngắn như “Làng tôi” của Văn Cao, “Hát mừng bộ đội chiến thắng” của Nguyễn Xuân Khoát, “Hành quân xa” của Đỗ Nhuận…

img

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam

"Nét hồn nhiên, trẻ trung trong giai điệu Hồng Đăng đã ngay lập tực thấm vào đời sống như “Đường ta đi có ánh mặt trời”, “Quà tháng năm” (viết cùng Thế Bảo), “Mây trắng Phia Khao”… và chợt dựng đứng lên giữa những năm tháng chiến tranh là thanh xướng kịch “Sông Hồng ngàn năm reo hát” (kịch bản Dương Viết Á) do Đoàn ca múa Hà Nội trình diễn năm 1964, dưới đũa chỉ huy của nhạc trưởng Nguyễn Hữu Hiếu", nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân khẳng định.

Nhạc sĩ Hồng Đăng là một trong không nhiều những nhạc sĩ có duyên làm nhạc phim. Ngay từ năm 1969, sau thành công viết nhạc cho phim “Kén rể” của đạo diễn Phạm Văn Khoa và Nông Ích Đạt, ông liên tục viết nhạc phim cho các loại hình phim truyện, phim tài liệu, phim hoạt hình.

Có những bài hát viết cho phim đã trở thành ca khúc nổi tiếng như “Hoa sữa”, “Lênh đênh”… càng qua năm tháng, càng qua thời gian, sáng tạo âm nhạc Hồng Đăng càng tinh tế, sâu sắc với những “Biển hát chiều nay”, “Kỷ niệm thành phố tuổi thơ”, “Đường về hoàng hôn”, “Ký ức đêm”…

img

Nhạc sĩ Giáng Son lặng lẽ bên linh cữu nhạc sĩ Hồng Đăng. Ảnh: Tạ Hải

Nhưng đóng góp lớn nhất của Hồng Đăng chính là việc tạo nên một không khí đoàn kết, cởi mở, dắt tay nhau cùng bước đến những thành tựu của âm nhạc Việt Nam từ thời mở cửa, đổi mới cho đến ngày hôm nay, từ khi ông được tín nhiệm trở thành Phó Tổng Thư ký trường trực Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa IV, V, VI.

"Đấy là những năm tháng cống hiến rực rỡ của ông, kể cả trong những sáng tạo cá nhân cũng như trong việc điều hành guồng máy hoạt động của Hội thoát khỏi những tư duy quan liêu, bao cấp, trì trệ", Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Việt Nam nhấn mạnh.

Cụ thể, ngay từ những năm của thập kỷ cuối thế kỷ trước, Hội Nhạc sĩ Việt Nam với sự chèo chống của Ban Chấp hành ngày ấy đã có được kinh phí của Nhà nước cấp để làm băng catsette và in tuyển tập nhạc cho các nhạc sĩ mà suốt cuộc đời dâng hiến của mình không thể làm nổi.

"Cuộc đại trình diễn “Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam” do Hồng Đăng chỉ đạo đã để lại một ấn tượng âm nhạc Việt Nam không phai mờ, hãnh diện khép lại một thế kỷ đầy biến động của đất nước. Nhiều người kính trọng ông vì tính thẳng thắn, luôn luôn vì sự nghiệp chung, quên cái tôi. Mọi người thường gọi ông là “nghệ sĩ có tâm bồ tát”, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nhận định.

Diva Mỹ Linh hát trong tang lễ nhạc sĩ Hồng Đăng:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.