80 nữ cán bộ, đoàn viên, CNVC lao động xuất sắc tiêu biểu, đại diện cho gần 20.000 nữ CNVC lao động ngành GTVT được biểu dương tại hội nghị.
Những bóng hồng giao thông
Hồi hộp, tự hào, hạnh phúc là những cảm xúc mà chị Nguyễn Thị Thắm, công nhân duy tu Hạt Quản lý đường bộ 6 (Công ty 224, Công đoàn Cục Đường bộ VN) chia sẻ với PV Báo Giao thông bên lề hội nghị.
"Là một công nhân lao động trực tiếp, lại ở nơi miền núi Mộc Châu xa xôi, tôi rất xúc động được các cấp lãnh đạo quan tâm, về Thủ đô, hội tụ với các chị em nữ ngành GTVT. Công việc, thành tích của tôi không có gì đặc biệt, còn nhiều chị em điển hình hơn, nhưng tôi tự hào đã đóng góp được công sức nhỏ bé vào đảm bảo an toàn cho người, phương tiện tham gia giao thông đường bộ an toàn trên cung đường", chị Thắm chia sẻ.
Chị cho biết, đơn vị chị quản lý khoảng 40km, từ Km153 - Km193 tuyến quốc lộ 6, địa bàn huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Đặc thù cung đường này nhiều cong cua, khuất tầm nhìn, lại dốc nhiều nên yêu cầu đảm bảo biển báo dễ nhận biết, mặt đường êm thuận, nhằm đảm bảo các phương tiện qua lại an toàn đặt ra rất cao.
Tuy nhiên, do là vùng núi nên mùa hè thì nắng gắt, mùa thu đông từ tháng 8 năm trước đến tháng 3 năm sau lại nhiều mưa lũ, sương mù nên công việc của công nhân duy tu nơi đây càng thêm vất vả.
"Theo quy định, anh chị em bắt đầu làm việc trên đường từ 7h00 sáng nhưng thực ra làm duy tu, bảo trì đường bộ thì không kể giờ giấc, nhiều việc phát sinh. Hằng ngày, mỗi người đảm nhận chăm lo khoảng 4 - 5km, công việc chủ yếu là lau các biển báo, mắt phản quang, phát quang cây che khuất tầm nhìn, khơi thông cống rãnh... Nhưng hiện tượng đá rơi, đất sạt là chuyện thường ngày, mưa, sương lại thường xuyên che mờ biển báo nên chúng tôi phải xử lý nhanh, kịp thời, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn", chị Thắm tâm sự và cho biết, đã hơn 10 năm gắn bó với nghề duy tu đường bộ mà theo quan niệm các cụ xưa là "phu đường", rất vất vả.
"Nữ làm nghề này càng vất vả hơn, nhưng không hiểu sao tôi lại đam mê, yêu nghề. Nhìn cung đường đơn vị phụ trách phong quang, êm thuận, các phương tiện qua lại an toàn là chúng tôi thấy vui, hạnh phúc rồi", chị Thắm nói, mắt lấp lánh niềm vui, tự hào về nghề nghiệp mình đã chọn.
Cùng cảm xúc vui sướng, tự hào khó tả, chị Nguyễn Minh Ngọc, điều dưỡng trưởng khoa Ngoại tổng hợp (Bệnh viện GTVT) cho biết, đặc thù khoa Ngoại phải tiếp đón, điều trị nhiều người bệnh, thường trong tình trạng đau đớn. Do vậy, nhân viên y tế phải quan tâm, có thái độ ân cần, niềm nở, làm sao để người bệnh cảm thấy thoải mái hơn. Nhưng ngược lại, vì đau, vì tâm lý sốt ruột, cũng không hiếm trường hợp người bệnh, người nhà chỉ một cử chỉ hay lời nói của nhân viên y tế khiến họ không hài lòng là dẫn đến bức xúc, phản ứng tiêu cực. Do vậy, công việc rất áp lực.
Tuy nhiên, với vai trò là điều dưỡng trưởng, chị luôn cùng các đồng nghiệp chia sẻ công việc, kinh nghiệm để vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, vừa có cách ứng xử khéo léo, phù hợp để người bệnh yên tâm. Đặc biệt, chị xây dựng quy trình làm việc cho điều dưỡng chi tiết, khoa học để các điều dưỡng viên thực hiện, đồng thời giám sát, hỗ trợ để họ làm việc hiệu quả, được người bệnh tin tưởng, hài lòng.
Cùng với nhiệm vụ chuyên môn hàng ngày, chị Ngọc cũng tích cực nghiên cứu khoa học. Giai đoạn vừa qua, chị đã thực hiện các đề tài "Vai trò của điều dưỡng đối với chất lượng chuẩn bị người bệnh trước phẫu thuật tại khoa Ngoại tổng hợp", "Đánh giá hiệu quả công tác chăm sóc và quản lý người bệnh có stent JJ tại khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện GTVT", "Kết quả thực hiện mô hình SBAR trong bàn giao hậu phẫu tại khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện GTVT".
Các đề tài đều được chuyên môn đánh giá cao, báo cáo tại các hội nghị y khoa như hội nghị Nội soi và Ngoại khoa toàn quốc, hội nghị Điều dưỡng ngoại khoa toàn quốc, hội nghị Quốc tế điều dưỡng và hội nghị Hồi sức cấp cứu và chống độc, hội nghị Bỏng và liền vết thương - Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ... Cùng đó, áp dụng mang lại hiệu quả cao trong thực tiễn điều trị, chăm sóc người bệnh.
Với những nỗ lực, tâm huyết đó, chị đã nhiều lần được Đảng bộ Bộ GTVT, Công đoàn GTVT Việt Nam tặng bằng khen, lãnh đạo Bệnh viện GTVT tặng giấy khen.
Theo Công đoàn GTVT Việt Nam, các chị là hai trong 80 nữ cán bộ, đoàn viên, CNVC lao động xuất sắc tiêu biểu, đại diện cho gần 20.000 nữ CNVC lao động ngành GTVT được biểu dương tại hội nghị.
Giai đoạn 2019-2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 đến việc làm, thu nhập, đời sống nhưng nữ CBVCLĐ tích cực học tập nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, trau dồi phẩm chất của phụ nữ Việt Nam. Dù ở cương vị, lĩnh vực công tác nào, các chị đều nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tụy với công việc, năng động, sáng tạo, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị và toàn ngành.
Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới
Ông Phạm Hoài Phương, Chủ tịch Công đoàn GTVT Việt Nam nhấn mạnh, lực lượng nữ CNVCLĐ tuy chỉ chiếm 26% tổng số CNVCLĐ toàn ngành, song trên hầu hết các lĩnh vực của ngành đều có sự tham gia, đóng góp tích cực của nữ CNVCLĐ vào kết quả và thành tích của ngành. Với vai trò vừa là người lao động trong xã hội, vừa là người vợ, người mẹ trong mỗi gia đình, chị em luôn cố gắng, phấn đấu để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao.
"Mong rằng chị em phụ nữ ngành GTVT tiếp tục cố gắng hơn nữa, khắc phục mọi khó khăn, năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, phát huy tính chủ động, bản lĩnh người CNVCLĐ ngành GTVT.
Đặc biệt, tiếp tục cùng cố, phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ nhau trong cuộc sống và công tác; luôn đi đầu trong các phong trào thi đua, gương mẫu và kỷ cương trong công việc, để không ngừng xây dựng, phát triển truyền thống tốt đẹp của đơn vị, của ngành GTVT", ông Phương nói.
Chúc mừng các nữ CBCNVC được biểu dương tại hội nghị, ông Huỳnh Thanh Xuân, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh, các chị được biểu dương hôm nay là những bông hoa tiêu biểu, đại diện cho lực lượng nữ CNVCLĐ và đội ngũ cán bộ nữ công công đoàn ngành GTVT trong 5 năm qua.
"Thực tiễn công tác nữ công và những vấn đề liên quan đến chính sách lao động nữ vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra, đòi hỏi các cấp công đoàn, trong đó có chị em cần nỗ lực cố gắng nhiều hơn nữa.
Nữ CNVCLĐ nói chung và đội ngũ cán bộ công đoàn, trưởng ban nữ công công đoàn các cấp nói riêng sẽ tiếp tục phát huy truyền thống phụ nữ Việt Nam, xứng đáng với 8 chữ vàng Bác Hồ đã trao tặng "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang"; phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt trong phong trào phụ nữ cả nước thi đua "Giỏi việc nước, đảm việc nhà", xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới", Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN đề nghị.
Nữ CNVCLĐ ngành giao thông "giỏi việc nước, đảm việc nhà"
Đánh giá kết quả phong trào nữ CNVCLĐ ngành GTVT giai đoạn 2019-2023, bà Âu Thị Định, Phó chủ tịch Công đoàn GTVT Việt Nam cho biết, Công đoàn GTVT Việt Nam hiện đang quản lý 74 công đoàn trực thuộc, với 62.476 đoàn viên/64.327 CNVCLĐ, trong đó có 16.577 nữ CNVCLĐ (chiếm 26%).
Giai đoạn vừa qua, phong trào nữ CNVCLĐ đã đạt được những kết quả nhất định, thực hiện tốt nhiệm vụ và một số nội dung hoạt động trọng tâm đã đề ra. Công đoàn GTVT Việt Nam luôn quan tâm tới công tác nữ CNVCLĐ, duy trì và phát triển phong trào thi đua "Giỏi việc nước - Đảm việc nhà"; giám sát việc thực hiện chính sách đối với lao động nữ.
Thông qua phong trào thi đua, nữ CNVCLĐ trong toàn ngành đã phát huy năng lực, phẩm chất, năng động, sáng tạo và tự khẳng định mình vượt qua mọi khó khăn, đoàn kết, phát huy sức sáng tạo trong lao động sản xuất, trong công tác đạt được nhiều thành tích tốt.
Trong đó, các chị đã tích cực tham gia vào quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, công tác quản lý Nhà nước, chủ động nghiên cứu, đóng góp ý kiến tham mưu giúp lãnh đạo Bộ GTVT trong việc xây dựng, hoàn chỉnh cơ chế, chính sách của ngành, tham gia trong công tác cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số...
Nữ CBCNV cũng nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật trên các công trường, dự án, trong bảo trì đường bộ. Các chị em tham gia lao động trực tiếp với công việc nặng nhọc, nhiều rủi ro. Mặc dù vậy, các chị em luôn nỗ lực vượt khó khăn, đóng góp vào hoàn thành nhiệm vụ đơn vị, đảm bảo tuyến giao thông thông suốt với các phong trào "Giữ đường thông suốt, an toàn, êm thuận", "Thi đua sửa chữa, quản lý đường bộ kiểu mẫu".
Trong các lĩnh vực khác, các chị đã rất năng động sáng tạo, tham gia xây dựng chiến lược hoạt động hiệu quả, kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp, nâng cao trình độ kỹ thuật, tay nghề, kỹ năng làm việc.
Khối y tế GTVT thi đua thực hiện "Tất cả vì bệnh nhân thân yêu", thực hiện tốt "12 điều y đức" của người thầy thuốc, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người lao động ngành GTVT và nhân dân.
Phụ nữ hàng không thực hiện tốt phong trào thi đua "4 xin, 4 luôn" (4 xin: xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép và 4 luôn: luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn thấu hiểu, luôn giúp đỡ), xây dựng hình ảnh người phụ nữ hiện đại "Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang".
Nữ CBVC lĩnh vực giáo dục đào tạo luôn thực hiện tốt phong trào thi đua "Dạy tốt - Học tốt - Phục vụ tốt", cải tiến phương pháp giảng dạy, đào tạo cho ngành những cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kỹ thuật cao, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ lao động ngành GTVT, đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành.
Giai đoạn từ 2019-2023 có 78 nữ cán bộ, CNVCLĐ đạt danh hiệu "Chiến sĩ thi đua ngành GTVT" và được Bộ trưởng Bộ GTVT tặng bằng khen; hơn 50 cán bộ, CNVCLĐ nữ được Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tặng bằng khen; hơn 250 cán bộ, CNVCLĐ nữ được Công đoàn GTVT Việt Nam tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua "Giỏi việc nước, đảm việc nhà".
Trong đó có 5 nữ CNVCLĐ được Công đoàn GTVT Việt Nam tặng bằng khen vì đã có thành tích chống dịch Covid-19, hai nữ cán bộ được tặng bằng khen Thủ tướng Chính phủ, một cán bộ nữ được tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Hàng năm có nhiều nữ cán bộ, CNVCLĐ được vinh danh tại các hội nghị biểu dương CNLĐ xuất sắc tiêu biểu cấp ngành.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận