25 năm chứng kiến nước mắt rơi nơi bến cảng
Sáng 20/10, nắng gắt sau những ngày mưa bão dầm dề, trên con đường dẫn về cảng cá An Hòa, xã Tam Giang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam xuất hiện những đám đông với đôi mắt buồn.
Mọi người theo dõi thông tin tàu Kiểm ngư đưa 78 ngư dân và hai thi thể nạn nhân trên con tàu QNa-901.29TS và tàu QNa- 909.27 về đất liền. Họ nhìn nhau, cúi gằm mặt, ghìm chặt nỗi buồn trong sâu thẳm.
Về làm dâu xứ biển Tam Giang 25 năm qua, vợ chồng chị Trần Thị Mỹ Luận dựng căn nhà ngay trước cổng cảng cá An Hòa sinh sống. Từng ấy thời gian, người phụ nữ này chứng kiến biết bao thăng trầm của nghề biển giã. Và chị cũng chứng kiến biết bao chiếc tàu ra khơi rồi trở về trong thinh lặng cùng nỗi đau mất người thân, mất bạn thuyền của những ngư dân.
Chị Luận bảo, hồi mới về, cảng cá nhỏ, tàu cũng nhỏ, nhưng hiếm khi chứng kiến những cơn "bão biển" như ngày 17/10 vừa qua. Ngày ấy cũng có người đi biển mất tích hoặc bệnh tật qua đời, song chưa khi nào chứng kiến nỗi đau lớn như hiện tại.
"Hôm qua hay tin tàu sẽ đưa các ngư dân về đây, lòng tôi buồn vời vợi. Mới hôm nào, các ngư dân khỏe mạnh đi ngang qua nhà mình, cười nói vui vẻ, có người vào dùng nước. Vậy mà...", đôi mắt chị Luận đỏ hoe.
Với những người dân lớn lên bên cảng cá An Hòa, họ chứng kiến những nốt trầm của ngư dân xứ này. Ai cũng bảo, biết là nghề biển hiểm nguy, nhưng những ngư phủ vắn số quá. Họ mất đi, để lại những ước mơ dang dở cùng một mái ấm gia đình đang dần nguội lạnh.
Chị Luận cho hay, năm nào cảng cá cũng có đôi chiếc tàu ra khơi và gặp nạn, nhưng đây là chuyến tàu mất mát nhất của ngư dân địa phương.
"Lâu nay chỉ mất mát vài người thôi, nhưng hôm nay nhiều quá. Thương xót lắm. Tôi không có bà con thân thích là nạn nhân nhưng hay tin lòng buồn khó tả. Hằng ngày họ đi ngang sang nhà ra tàu để mưu sinh, hình bóng ấy vẫn còn in hằn trong tâm trí...", chị Luận xúc động.
Nhắc lại những chuyện buồn nơi bến cảng, chị Luận bảo, có những chuyện cố quên nhưng không thể nào quên được. Như chuyện chuyến tàu của anh Nguyễn Trước, ra khơi được gần một tháng thì trên tàu có ngư dân không may rơi xuống biển. Cả tàu tản ra đi tìm nhưng không thấy. Họ nổ máy quay tàu trở về để quên đi chuyện buồn.
Hơn tuần sau, con tàu nổ máy ra khơi lại, trên đường ra đại dương mưu sinh, anh Trước phát hiện một thi thể nổi trên mặt nước ngay trước mũi tàu. Anh dừng tàu lại, gọi các bạn chài ra xem thì phát hiện thi thể ấy là người bạn chài của mình mất tích gần 10 ngày trước.
Họ đưa thi thể ngư phủ vắn số lên tàu, tẩm liệm và quay tàu trở về đất liền, chung tay cùng gia đình ngư phủ lo hậu sự. Từ đó, anh bỏ luôn nghề, không ra khơi nữa.
Năm nào cũng có những "chuyến tàu cuối"
Hơn 6 năm làm việc tại cảng cá An Hòa, anh Vũ, nhân viên cảng bảo đã chứng kiến biết bao lần nước mắt người thân các ngư phủ rơi xuống bến cảng.
Chứng kiến giây phút nặng lòng ấy, anh Vũ bảo buồn chẳng muốn nhớ đến. Nhìn bà con người thân ngư phủ gào lên trong cơn tuyệt vọng bên thi thể ngư dân khi được đưa từ tàu lên bến cảng ai cũng đứt ruột đứt gan.
Mấy tháng trước, chuyến tàu câu mực của ngư dân Lương Văn Hợi, xã Tam Giang ra khơi, khi vừa đến nơi khai thác đã định sẵn, mọi thủ tục chuẩn bị đánh bắt được triển khai, các ngư dân thả thúng hành nghề thì ngư dân Tùng bước từ tàu xuống thúng không may trượt chân đập đầu vào thanh chắn rơi xuống nước.
Trong ánh chiều chập choạng tối, các ngư dân còn lại thấy anh Tùng vùng vẫy tưởng anh đùa, nào ngờ chưa đầy phút sau anh chìm dần. Các ngư dân còn lại hoảng loạn lao nhanh xuống biển đưa anh Tùng lên sơ cứu. Song, vết thương quá nặng, ngư dân Tùng đã không qua khỏi.
Ngày con tàu trở về bến cảng, trời đổ mưa, khung cảnh buồn thê lương. Cả trăm người dân ra bến cảng đưa ngư dân về với gia đình. Nước mắt rơi hòa vào nước mưa mặn chát.
Còn với ông Ngô Văn Đình, Giám đốc cảng cá An Hòa, chuyện chứng kiến những "chuyến tàu cuối" trở thành những vết hằn in sâu vào tâm trí ông.
Ở đó là chuyến trở về cuối cùng của những ngư dân vắn số, là những chiếc tàu trở về gửi lại cho người thân những ngư phủ xấu số vài bộ quần áo, vài vật dụng họ mang theo bên người trong phiên biển.
Tàu về cảng, người thân đứng trên bến cảng ngã quỵ, nỗi đau bao trùm. Con người với nhau, chứng kiến cảnh này sao không xót, không đau.
Chị Xuân, nhà cách cảng vài bước chân kể rằng, mỗi chuyến tàu cuối mà chị chứng kiến là một câu chuyện buồn, những cảm xúc trộn lẫn vào nhau rất khó diễn tả. Nhưng ám ảnh nhất trong đời chị có lẽ là chuyến tàu định mệnh đưa thi thể hai ngư dân Lương Tấn Xị và một ngư dân quê Quảng Ngãi về cảng.
Trước đó, bão nổi lên trên biển, anh Xị cho tàu vào khu vực neo trú, trốn bão, nhưng rồi bi kịch ập đến, trận cuồng phong đã xé toạc con tàu. Anh Xị, cùng một bạn chài tử vong.
Bão qua đi, các bạn tàu chới với trong làn biển lạnh tìm cách phát tín hiệu cầu cứu. Khi được một tàu cá cứu vớt đưa lên tàu, dẫu mệt mỏi nhưng các ngư dân vẫn gượng dậy dong mắt tìm kiếm.
Hai ngày trời quần thảo, họ tìm thấy thi thể anh Xị cùng bạn tàu đang mắc vào một gò đá giữa biển.
"Ngày chiếc tàu cập cảng đưa thi thể hai ngư phủ về bờ, cả làng nín lặng, nỗi đau giằng xé. Nhìn người thân họ ngã quỵ trên bến cảng ai cũng xót thương. Ở cái xứ này, không làm nghề biển thì biết làm gì, nhưng mà biển giả cũng bạc lắm", chị Xuân tâm sự.
Trao đổi với Báo Giao thông, Chủ tịch UBND xã Tam Giang Phạm Văn Châu cho biết, chuyện ngư dân hành nghề trên biển tử vong do nhiều nguyên nhân năm nào cũng có. Nhưng, số người gặp nạn nhiều như thế này thì lần đầu tiên.
"Địa phương đang cùng chính quyền các cấp tổ chức lễ đón các ngư dân may mắn sống sót trở về cũng như thi thể hai ngư dân vắn số. Xã đồng cảm và chia sẻ nỗi đau với gia đình các ngư dân", ông Châu chia sẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận